Chỉ số huyết áp của bạn có ý nghĩa gì?

Theo nghiên cứu mới từ hàng triệu cuộc thăm khám, chỉ số huyết áp của bệnh nhân có thể thay đổi đáng kể giữa các lần khám. Mặc dù điều này có thể không quá quan trọng với tất cả mọi người, nhưng với bệnh nhân và bác sĩ thì sự thay đổi này có thể là một thách thức trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 7,7 triệu lần đo huyết áp của các bệnh nhân ngoại trú cho thấy trong khoảng 13 lần thăm khám, huyết áp tâm thu của bệnh nhân có sự dao động trong khoảng 10 mmHg giữa các lần khám liên tiếp.

Chỉ số huyết áp của bạn có ý nghĩa gì?

Chỉ số huyết áp của bạn bao gồm 2 thành phần: huyết áp tâm thu (số trên cùng) và huyết áp tâm trương  (số dưới cùng). Huyết áp tâm thu là áp lực tác động lên các động mạch khi tim đập, bơm máu ra các cơ quan và mô của bạn. Huyết áp tâm thu lý tưởng phải thấp hơn 120mmHg. Huyết áp tâm trương là áp lực tác động lên các thành động mạch khi tim bạn nghỉ ngơi giữa các nhịp đập. Chỉ số huyết áp tâm trương tối ưu phải nhỏ hơn 80mmHg.

Phát hiện về thay đổi huyết áp từ các nghiên cứu trên khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi "Liệu một số bệnh nhân có cần theo dõi huyết áp tại nhà để các bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho họ hay không?". Không chỉ vậy, một số người có hội chứng áo choàng trắng khiến huyết áp khi đo tại phòng khám của tăng cao nhưng khi về nhà thì chỉ số huyết áp lại giảm về bình thường.

 

Tại sao huyết áp của bạn ở mỗi lần khám lại khác nhau?

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng chỉ số huyết áp khi đi khám có thể không phản ánh huyết áp hàng ngày của bạn. Việc đo huyết áp khi đi khám chỉ phản ánh chỉ số huyết áp tại một thời điểm trong ngày và sẽ có sự khác biệt giữa các lần đo khác nhau, giữa việc đo vào buổi sáng và buổi tối. Bởi vậy, chỉ số đo một lần trong ngày không phản ánh được huyết áp của bạn thay đổi như thế nào.

Một số yếu tố có thể khiến huyết áp của bạn tăng hoặc giảm hàng ngày và tạo ra sự khác biệt trong lần đo khi đi khám:

  • Các mạch máu mở rộng và co lại trong điều kiện nhiệt độ thời tiết ấm hơn hoặc lạnh hơn có thể gây ra sự khác biệt về huyết áp. Ngồi trong phòng chờ lạnh cũng có thể khiến huyết áp của bạn tăng lên.
  • Nếu bạn dùng thuốc điều trị huyết áp, chỉ số huyết áp của bạn cũng có thể thay đổi tùy theo thời gian trong ngày bạn dùng thuốc.
  • Việc bạn cảm thấy căng thẳng khi đi khám hoặc vừa di chuyển đến nơi ngồi đo huyết áp có thể làm tăng chỉ số huyết áp của bạn.
  • Kích thước hoặc vị trí vòng đo huyết áp không phù hợp có thể khiến kết quả đo của bạn không chính xác.
  • Một số bệnh nhân trải qua “hội chứng áo choàng trắng ”, huyết áp tăng tạm thời do lo lắng khi đến gặp bác sĩ.

 

Ai nên kiểm tra huyết áp tại nhà và tần suất như thế nào?

Một số người cần thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà, trong đó phải kể đến bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp và những người có huyết áp cao hơn bình thường. Ngoài ra, người cao tuổi và bất kỳ ai có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch như người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp hoặc tiền sử bệnh tim trước đó cũng nên thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.

Bệnh nhân mới thử đo huyết áp tại nhà nên kiểm tra huyết áp vài lần mỗi ngày trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, việc đo và kiểm tra huyết áp quá nhiều có thể gây lo lắng cho một số bệnh nhân, do đó có thể làm tăng huyết áp của họ. Lựa chọn tốt nhất là bạn nên đo huyết áp mỗi ngày một lần vào cùng một thời điểm trong ngày.

 

Cách đọc huyết áp chính xác tại nhà

Bạn sẽ cần một máy đo huyết áp để đo huyết áp của mình. Có một số bước cần thực hiện để có được kết quả đo huyết áp chính xác tại nhà:

Bạn nên đi vệ sinh và nghỉ ngơi trong 5 phút trước khi kiểm tra huyết áp.

  • Ngồi đặt chân trên sàn, hai chân không bắt chéo và cánh tay đặt ngang với tim.
  • Đặt vòng đo huyết áp đúng quanh cánh tay là điều cần thiết để có được kết quả chính xác, bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc đọc kĩ hướng dẫn trước khi bắt đầu theo dõi đo huyết áp tại nhà. Hầu hết các vòng đo huyết áp tại nhà đều có đánh dấu để hỗ trợ đặt đúng vị trí, vì vậy hãy nhớ xem kỹ hướng dẫn.
  • Tránh các yếu tố gây xao nhãng như các chương trình truyền hình kích thích hoặc các sự kiện thể thao.
  • Nghỉ ngơi ít nhất một đến hai phút giữa các lần đo huyết áp và lấy kết quả cao hơn.
  • Kiểm tra huyết áp của bạn vào một thời điểm nhất quán trong ngày. Tăng huyết áp, có thể gây ra những hậu quả lớn đối với cơ thể

Hầu hết các máy đo huyết áp tại nhà mà bạn có thể mua ở hiệu thuốc đều đáng tin cậy. Tuy nhiên bạn cũng nên tìm hiểu kĩ trước khi mua và sử dụng bất kì sản phẩm nào

 

Nguy cơ khi bị tăng huyết áp?

Tăng huyết áp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể, vì vậy việc biết chính xác huyết áp của bạn là rất quan trọng để phát hiện và điều trị đúng kịp thời nếu bạn có vấn đề về huyết áp.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ số một đối với bệnh tim mạch và bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số một ở Mỹ, Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Khi huyết áp tăng ở mức không quá cao, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Mọi người có thể phớt lờ hoặc nghĩ rằng mình không cần dùng thuốc điều trị huyết áp khi không có triệu chứng. Nhưng tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể gây tổn thương các cơ quan trong não, tim và thận, dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim và suy thận.

 

Làm thế nào để kiểm soát huyết áp của bạn?

Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị đầu tiên đối với bệnh tăng huyết áp. Giảm muối trong chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng là những cách mà bạn có thể thực hiện để giảm huyết áp.

Đối với một số bệnh nhân, chỉ điều chỉnh lối sống thôi sẽ không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp và họ sẽ cần phải dùng thuốc điều trị. Bạn cần đi khám bác sĩ để tìm đúng loại thuốc và liều lượng mình cần sử dụng khi bị tăng huyết áp.

Nhiều bệnh nhân có thể ngừng dùng thuốc huyết áp vì họ không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào khi tăng huyết áp. Nhưng thuốc huyết áp cần phải được uống liên tục. Bạn nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc lo ngại nào về thuốc huyết áp bạn đang sử dụng để được tư vấn một loại thuốc hoặc liều lượng khác phù hợp hơn với bạn.

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ cao liên quan đến bệnh tim mạch, Tuy nhiên bạn có thể kiểm soát được vấn đề này bằng những thay đổi lối sống cũng như uống thuốc điều trị. Bạn càng kiểm soát tốt huyết áp thì sức khỏe của bạn càng được cải thiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top