Cơ chế bệnh sinh của xơ vữa động mạch

1. Đại cương

Thuật ngữ vữa xơ động mạch (atheroscrleosis) có nguyồn gốc từ tiếng Hy Lạp, với từ ”athero” có nghĩa là cháo hồ, tương ứng với vòng lõi hoại tử ở phần nền của mảng vữa xơ và từ “ scrleosis” có nghĩa là cứng, dùng để chỉ phần vỏ xơ phía bờ trong lòng của mảng xơ vữa.

Xơ vữa động mạch là hiện tượng thành động mạch bị thâm nhiễm, dầy lên và xơ vữa, tạo thành mảng vữa xơ và huyết khối. Thường thấy ở các động mạch vừa và lớn, rõ nhất ở các mạch máu có tốc độ dòng chảy cao (mạch não, mạch vành, mạch thận, mạch chậu). Hậu quả làm thành động mạch bị mất khả năng đàn hồi, đồng thời lòng động mạch bị hẹp dần rồi tắc nghẽn, gây cản trở hoặc tắc nghẽn lưu thông của động mạch.

2. Các yếu tố nguy cơ (YTNC) làm phát triển mảng xơ vữa

Có nhiều YTNC, với hai YTNC làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gấp bốn lần. Tăng mỡ máu, tăng huyết áp và hút thuốc lá cùng kết hợp làm tăng nguy cơ vữa xơ động mạch gấp bảy lần

• Yếu tố không thay đổi được: Tuổi, giới tính, tiền sử gia đình

• Yếu tố có thể thay đổi: Tăng HA, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá,…

 

3. Cơ chế của xơ vữa động mạch và vai trò của lớp nội mạc mạch máu

Có nhiều giả thuyết hình thành cơ chế xơ vữa động mạch tuy nhiên thuyết tổn thương nội mạc được ủng hộ nhiều nhất

Quá trình hình thành mảng xơ vữa đặc trưng bởi 3 yếu tố:

• Rối loạn chức năng tế bào nội mạc mạch máu

• Lắng đọng lipid, cholesterol và xâm nhập các tế bào viêm ở thành mạch

• Tích lũy các mảnh xác tế bào ở lớp nội mạc và dưới nội mạc

a. Suy giảm chức năng nội mạc

Quá trình này được kích hoạt bởi sự tổn thương lớp nội mạc mạch máu do tiếp xúc với các yếu tố kích thích như:

• Chất độc trong khói thuốc lá

• LDL-C oxy hóa

• Các sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của quá trình đường phân

• Tăng Homocystein

• Các tác nhân nhiễm trùng

Tổn thương nội mạc bắt đầu một chuỗi các quá trình dẫn đến rối loạn chức năng tế bào. Dấu hiệu của rối loạn chức năng nội mạc này là thay đổi sự cân bằng của quá trình sản sinh các phân tử hoạt mạch qua trung gian tế bào nội mạc, cụ thể:

• Giảm hoạt tính sinh học của NO – Một chất dãn mạch quan trọng, chống huyết khối

• Tăng sinh các chất co mạch: Endothelin 1 và angiotensin II, hoạt hóa quá trình di tản và tăng sinh tế bào

Rối loạn chức năng nội mạc bộc lộ các phân tử kết dính và chất hóa ứng động làm tăng kết dính và di chuyển tế bào

 

b. Sự phát triển của mảng xơ vữa

Sự lắng đọng dần dần của các hạt LDL qua lớp nội mạc mạch máu (khi bị tổn thương, suy giảm chức năng) vào thành mạch. Các tế bào đơn nhân thâm nhiễm vào thành mạch (do tổn thương nội mạc và các yếu tố viêm, hóa chất trung gian), hoạt hóa biến thành đại thực bào, tiếp theo đại thực bào sẽ ăn các hạt LDL biến thành các tế bào bọt. Các tế bào bọt này lắng đọng trong thành mạch và lại tiếp tục hoạt hóa thúc đẩy quá trình thực bào-lắng đọng tạo thành các mảng xơ

 

c. Tổn thương hình thành và phát triển

Tổn thương thành mạch có xu hướng thường gặp hơn ở những vị trí nhất định trong lòng mạch máu nhất là ở đoạn gập góc , có dòng máu xoáy gây ra rối loạn chức năng nội mạc, sẽ kích hoạt quá trình hình thành mảng xơ vữa . Điều này giải thích tại sao mảng xơ vữa lại hay gặp ở các vị trí này.

 

d. Sự nứt vỡ mảng xơ vữa

Khi mảng xơ vữa động mạch bị nứt, loét, vỡ ra làm cho dòng máu đang lưu thông tiếp xúc với các thành phần bên trong của mảng xơ vữa. lớp dưới nội mạc được lộ ra và tiếp xúc với tiểu cầu, dẫn đến hoạt hoá các thụ thể GP IIb/IIIa trên bề mặt tiểu cầu và hoạt hoá quá trình ngưng kết của tiểu cầu. Các tiểu cầu ngưng kết này sẽ giải phóng ra một loạt các chất trung gian làm co mạch, thu hút các tiểu cầu khác và hình thành nhanh hơn cục máu đông.

return to top