✴️ Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ, xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não bị gián đoạn tạm thời.

Sự thiếu máu thường không kéo dài quá 5 phút, nhưng cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua vẫn là một cấp cứu y khoa và cũng có thể là dấu báo hiệu cho một cơn đột quỵ lớn sắp xảy ra.

Nhiều người thường không đến các cơ sở y tế khi tình trạng này xảy ra do các triệu chứng thường chấm dứt nhanh chóng. Tuy nhiên, Cục kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) ghi nhận rằng có hơn một phần ba người đã từng có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua bị đột quỵ trong cùng năm đó.

Các số liệu thống kê khác ghi nhận trong khoảng 20% số người có cơn thiếu máu cục bộ thì sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng tới, và một nửa số này thì bị đột quỵ chỉ sau 2 ngày.

Nhận biết được triệu chứng của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và tìm kiếm trợ giúp y tế nhanh chóng sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ - một tình trạng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao.

Vậy cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là gì?

Tình trạng này có các triệu chứng tương tự như đột quỵ nhưng chỉ kéo dài rất ngắn. Nguồn cung cấp máu thường chỉ gián đoạn vài giây, và các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong vòng vài phút. Hiếm khi các triệu chứng kéo dài vài giờ.

Tình trạng này xảy ra khi có huyết khối gây tắc nghẽn dòng máu và làm cho oxy không thể đến được các tế bào não trong một khoảng thời gian ngắn. Khi huyết khối tan ra và trôi đi thì các triệu chứng sẽ biến mất. Các triệu chứng sẽ không kéo dài đủ lâu để gây tổn thương vĩnh viễn ở não.

Nhưng cũng không nên xem nhẹ cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua do nó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn đột quỵ lớn sắp xảy ra.

Các triệu chứng

Các triệu chứng của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua còn tùy thuộc vào vị trí nào trên não bị ảnh hưởng.

Cũng giống như một cơn đột quỵ lớn, mọi người có thể nhớ đến cụm từ FAST để nhận ra các triệu chứng:

  • F = face (mặt): Một bên mắt hay miệng có thể bị sụp xuống và bệnh nhân không thể cười như bình thường.
  • A = arms (tay): Tay bị yếu hoặc tê liệt khiến cho việc nâng tay lên gặp khó khăn.
  • S = speech (nói): Bệnh nhân bị nói lảm nhảm, nói không liên tục.
  • T = time (thời gian): Nên gọi cấp cứu ngay khi gặp người có các triệu chứng trên.

Các triệu chứng khác có thể có:

  • Yếu hoặc liệt, đặc biệt là khi ảnh hưởng một bên người;
  • Lú lẫn đột ngột;
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác đang nói;
  • Vấn đề về thị giác;
  • Chóng mặt;
  • Gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động;
  • Đi lại khó khăn;
  • Đau đầu nhiều;
  • Ngất, mất tri giác.

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ thoáng qua chỉ là tạm thời. Chúng thường kéo dài vài phút đến vài giờ và chúng thường biến mất hoàn toàn sau 24 giờ.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm trợ giúp y tế tức thì là rất quan trọng do một cơn đột quỵ lớn có thể sẽ xảy ra tiếp theo.

Các yếu tố gây ra thiếu máu tạm thời cũng có thể gây ra đột quỵ do thiếu máu não, nếu kéo dài có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn tại não.

Các bệnh có triệu chứng tương tự

Các bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự như cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, như:

  • Viêm màng não;
  • Đa xơ cứng;
  • Đột quỵ do xuất huyết não hay thiếu máu não;
  • Ngất do hạ huyết áp.

Việc chẩn đoán chính xác có thể giúp bệnh nhân có được điều trị đúng và kịp thời để làm giảm nguy cơ đột quỵ xảy ra kể cả khi các triệu chứng đã chấm dứt.

Nguyên nhân

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua xảy ra khi có sự gián đoạn nguồn oxy cung cấp cho não, nguyên nhân có thể là:

  • Xơ vữa động mạch, các mạch máu bị cứng, dày thành, hẹp và không còn mềm dẻo do bị các chất béo bám vào.
  • Huyết khối do bệnh tim mạch hay rối loạn nhịp tim.
  • Huyết khối do bệnh của máu, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Thuyên tắc hay huyết khối di chuyển đến não từ nơi khác.
  • Bóng khí trong dòng máu.

Chẩn đoán

Bất kì ai khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng của thiếu máu cục bộ thoáng qua cũng đều nên tìm kiếm trợ giúp y tế ngay, để có thể được thăm khám và tìm ra được nguyên nhân cũng như có được các biện pháp đề phòng bệnh tái diễn hay diễn tiến nặng hơn.

Các triệu chứng kết thúc rất nhanh chóng và có thể sẽ không hiện diện lúc bệnh nhân đi đến cơ sở y tế. Tuy nhiên người có mặt lúc sự việc xảy ra có thể giải thích cặn kẽ hơn cho bác sĩ nghe về diễn tiến của bệnh.

Các thông tin cần có:

  • Việc đã xảy ra và các triệu chứng còn tồn tại;
  • Triệu chứng kéo dài trong bao lâu và gây ảnh hưởng gì đến bệnh nhân;
  • Tiền căn bệnh lý của cá nhân và gia đình;
  • Thăm khám lâm sàng và thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ và phối hợp vận động.

chẩn đoán

Nếu như bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua thì có thể sẽ được thực hiện thêm một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra huyết áp, nồng độ cholesterol, và khả năng đông cầm máu;
  • Điện tâm đồ để thăm khám hoạt động điện và nhịp của tim;
  • Siêu âm tim để kiểm tra khả năng bơm máu của tim;
  • X quang ngực để loại trừ các nguyên nhân khác;
  • CT để làm rõ các dấu hiệu của phình động mạch, xuất huyết hoặc các thay đổi ở mạch máu trong não;
  • MRI để giúp nhận biết các tổn thương trong não.

Bệnh nhân cũng có thể sẽ được yêu cầu mang thiết bị Holter trong vài ngày để có thể theo dõi và đo nhịp tim trong suốt thời gian đó.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua giống với yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Một vài yếu tố có thể phòng ngừa được.

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ:

  • Có tiền căn gia đình về đột quỵ hay thiếu máu cục bộ thoáng qua;
  • 55 tuổi trở lên;
  • Giới tính nam;
  • Người da đen hay la tinh;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh tim mạch;
  • Hút thuốc lá;
  • Đái tháo đường;
  • Ít tập thể dục;
  • Nồng độ cholesterol cao;
  • Chế độ ăn nhiều muối và chất béo không tốt;
  • Nồng độ homocystein cao;
  • Thừa cân hay béo phì;
  • Rung tâm nhĩ.

Điều trị

Điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Thuốc

Bệnh nhân được cho dùng các loại thuốc có khả năng làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối và đột quỵ.

Tùy vào nguyên nhân gây ra thiếu mãu não thoáng qua mà thuốc sẽ được lựa chọn:

  • Thuốc kháng tiểu cầu để ngăn chặn hình thành huyết khối, ví dụ như aspirin, ticlopidine (Ticlid), và clopidgrel (Plavix).
  • Thuốc kháng đông như warfarin (Coumadin) và heparin, cũng có tác dụng ngăn chặn hình thành huyết khối.
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Thuốc kiểm soát nồng độ cholesterol.
  • Thuốc điều trị bệnh tim và nhịp tim.

Tất cả các loại thuốc trên đều có thể có tác dụng phụ, và chúng cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác.

Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị hoặc sử dụng bất kỳ thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược gì thì cũng nên thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Nếu như thuốc gây ra tác dụng phụ thì nên báo ngay cho bác sĩ để có thể sử dụng thuốc thay thế.

Phẫu thuật

Trong một vài trường hợp, phẫu thuật có thể phải tiến hành để loại bỏ huyết khối hoặc một phần động mạch bị tổn thương

Thay đổi lối sống và một số các biện pháp phòng ngừa

Lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ bị thiếu máu cục bộ thoáng qua và đột quỵ:

  • Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá;
  • Hạn chế việc hút thuốc lá thụ động;
  • Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và nhiều trái cây, rau củ quả;
  • Sử dụng muối và chất béo không tốt một cách điều độ;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Tránh sử dụng thuốc kích thích;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Tuân thủ điều trị các bệnh tim, đái tháo đường hay các bệnh khác nếu có.

Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên viên y tế trước khi quyết định thực hiện một thay đổi lớn trong lối sống, ví dụ như trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện mới.

Tóm tắt

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ thoáng qua thường chỉ kéo dài vài phút. Tuy vậy vẫn nên đi đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện do đó có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ sắp xảy ra.

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ thoáng qua bao gồm cảm giác yếu và tê liệt một bên cơ thể, mặt bị chảy xệ sang một bên và gặp khó khăn trong việc nói chuyện. Nếu như gặp bất kỳ ai có các triệu chứng trên thì hãy gọi cấp cứu ngay.

Các biện pháp điều trị bao gồm việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc để làm giảm nguy cơ tạo huyết khối.

Có thể bạn quan tâm: Đột quỵ ở người trẻ tuổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top