✴️ Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Nội dung

1. CƠN THIẾU MÁU NÃO THOÁNG QUA LÀ GÌ?

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng mạch máu đến não bị tắc nghẽn tạm thời gây ra triệu chứng khá giống với đột quỵ nhưng không gây ra nhồi máu cấp tính hoặc tổn thương vĩnh viễn. Các triệu chứng này chỉ kéo dài từ vài phút, vài giờ và không bao giờ quá 24 giờ. Vì vậy TIA còn được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ (ministroke), nó thường là dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.

Nguyên nhân cơ bản gây ra TIA thường là do tình trạng xơ vữa trong động mạch hoặc một nhánh cung cấp máu cho não, dẫn đến giảm lưu lượng máu qua động mạch hoặc tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Cục máu đông hình thành từ một vị trí khác trong cơ thể (ví dụ như tim) rồi di chuyển đến mạch máu cung cấp máu cho não cũng có thể gây ra TIA.

 

2. TẠI SAO CẦN CẨN THẬN VỚI CƠN THIẾU MÁU NÃO THOÁNG QUA?

Cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng xuất hiện và biến mất nhanh chóng có thể khiến người bệnh chủ quan, không đi khám. Nhưng có đến 1/3 số người đã thực sự bị đột quỵ trong vòng một năm sau khi bị TIA. Đây được xem là một yếu tố cảnh báo đột quỵ cần lưu ý với 3-4% nguy cơ hàng năm, 11% nguy cơ trong 7 ngày sau TIA và 24-29% nguy cơ trong 5 năm tiếp theo.

Trong số những bệnh nhân được cấp cứu đột quỵ thiếu máu cục bộ, có 7-40% trường hợp báo cáo đã bị TIA trước đó. 

Nhiều cơn đột quỵ có thể được ngăn chặn bằng cách lưu ý các dấu hiệu của TIA và điều trị các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.

Nếu trước đây bạn đã từng bị đột quỵ, hãy chú ý cẩn thận đến các dấu hiệu của TIA, vì chúng có thể báo hiệu một cơn đột quỵ thứ hai có thể xảy ra trong tương lai.

 

3. TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT CƠN THIẾU MÁU NÃO THOÁNG QUA 

Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra đột ngột và hầu hết biến mất trong vòng một giờ, hiếm khi các triệu chứng kéo dài đến 24 giờ. Các triệu chứng giống với các dấu hiệu sớm trong một cơn đột quỵ:

- Yếu, tê hoặc liệt ở một bên cơ thể.

- Lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu người khác đang nói gì.

- Nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

- Chóng mặt.

- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

- Mất thăng bằng hoặc mất sự phối hợp cơ thể

- Một người có thể bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhiều lần với các triệu chứng giống hoặc khác nhau.

* Chẩn đoán phân biệt:

-  Đau nửa đầu (Migraine): thường có tiền triệu,  đau đầu kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Triệu chứng tiến triển từ từ trong vòng 30 phút hoặc lâu hơn.

-  Ngất: thường trên bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch. Đột ngột mất ý thức ngắn, không có các triệu chứng thần kinh khu trú khác.

-  Động kinh cục bộ: thường khởi phát khu trú ở một bộ phận rồi lan dần ra bộ phận khác. Chẩn đoán dựa vào điện não đồ.

-  Cơn mất trí nhớ thoáng qua (transient global amnesia/TGA): thường gặp ở người cao tuổi. Đột ngột mất trí nhớ thuận chiều , cứ hỏi đi hỏi lại một câu hỏi. Trong cơn vẫn tỉnh, không  có triệu chứng thần kinh khu trú nào khác. Cơn kéo dài nhiều giờ.

-  Cơn hạ đường huyết: thường trên bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đang điều trị. Có thể chẩn đoán nhanh khi chưa có xét nghiệm bằng cách tiêm Glucose tĩnh mạch hoặc uống nước đường.

 

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Thái độ xử trí trước bệnh nhân có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua:

 Bệnh nhân cần được xử trí, điều trị sớm và khảo sát các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt.

4.2. Xử trí sớm cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua:

-  Chống kết tập tiểu cầu: Aspirin 50 - 325mg/ngày.

 Có thể thay thế bằng Clopidogrel 75mg/ngày.

-   Kiểm soát huyết áp: duy trì huyết áp ở mức ≤ 140/90mmHg.

-   Thuốc hạ Lipid máu nhóm Statin: có tác dụng hạ Lipid máu, chậm tiến triển mảng vữa xơ và giảm nguy cơ đột quỵ.

-   Các bệnh nhân có loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ) cần được xử trí điều trị loạn nhịp.

4.3. Điều trị dự phòng:

-  Tập thể dục: người trưởng thành cần tập thể lực.

-  Chế độ ăn: giảm muối và tăng kali (nếu Kali máu không tăng) giúp hạn chế tăng huyết áp.  Ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế mỡ động vật.

-  Hạn chế bia, rượu. Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc lá.

-  Béo phì: nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) 18,5-25. Với trường hợp BMI trên 30 cần có biện pháp giảm cân.

-  Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần phát hiện các yếu tố nguy cơ.

-  Xử lý triệt để yếu tố nguy cơ nếu có thể:

+  Rối loạn lipid máu: kết hợp chế độ ăn hợp lý với điều trị bằng Statin, có thể phối hợp nhóm Fibrat nếu cần để đưaLlipid máu về mức bình thường.

+  Đái tháo đường: Kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc kiểm soát đường máu. Duy trì HbA1C ở mức dưới 6,5%.

+  Rung nhĩ: tư vấn cho bệnh nhân có rung nhĩ biết cách tự phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cơn rung nhĩ.

+ Hẹp mạch cảnh không triệu chứng: phẫu thuật bóc nội mạc mạch cảnh hoặc đặt Stent mạch cảnh khi có hẹp trên 70% trên siêu âm Doppler hoặc trên 60% trên phim chụp mạch số hóa xóa nền.

return to top