Đau ngực cần cảnh giác với bệnh tim mạch

Đau ngực có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý, tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn cần nghĩ nhiều tới các bệnh tim mạch khi có cảm giác này. Bởi đây là một triệu chứng khá phổ biến ở những người mắc các bệnh lý này. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cơn tức ngực và biết cách phòng tránh nhé.

 

1. Đau ngực là bệnh lý gì, do nguyên nhân nào gây ra?

Đau thắt ngực là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân tim mạchĐau tức ngực bản thân nó có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Nhưng đáng lo nhất là những cơn đau ngực liên quan đến các bệnh về tim mạch, đặc biệt là nhóm các bệnh như:

  • Thiểu năng mạch vành
  • Thiếu máu cục bộ nuôi tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bóc tách động mạch ngực chủ
  • Rối loạn nhịp tim

Nguyên nhân của các bệnh lý này có thể là do những tổn thương về cấu trúc hay tình trạng tăng mỡ máu gây tắc nghẽn mạch máu.

Nhiều trường hợp người bệnh cảm thấy cơn đau nhói ở ngực rồi biến mất nên chủ quan chưa đi khám khiến bất ổn ngày càng nặng nề thêm. Hiện tượng này không chỉ xảy ra phổ biến với người cao tuổi, hiện nay tình trạng đau tim ở người trẻ ngày càng tăng, gây lo ngại sâu sắc trong xã hội.

 

Đau tức ngực có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng nên cảnh giác với bệnh tim mạch.

 

2. Cơn đau ngực do bệnh tim mạch thường xuất hiện khi nào?

Đau ngực do bệnh lý tim mạch có thể phân thành 2 loại là cơn đau ngực ổn định và đau ngực không ổn định.

2.1  Cơn đau thắt ngực ổn định

Thường gặp sau khi bệnh nhân thực hiện một hoạt động gắng sức như làm việc nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục,… hay thay đổi đột ngột về tâm trạng (xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ…) cũng có thể gây đau thắt ngực. Cơn đau thường xuất hiện ngay sau xương ức, hoặc bên ngực trái vùng trước tim lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay có thể xuống cả vùng giữa bụng hoặc giữa hai xương bả vai. Mỗi cơn đau kéo dài từ vài giây đến vài phút, không quá 30 phút, thường thoáng qua rồi tự khỏi khi bệnh nhân ngưng hoạt động.

 

2.2 Cơn đau thắt ngực không ổn định

Có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân không gắng sức hoặc xảy ra khi gắng sức nhưng không thuyên giảm sau khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Nếu cơn đau này kéo dài trên 15 phút, kèm theo các triệu chứng như nôn và buồn nôn, vã mồ hôi, chân tay lạnh, vật vã, li bì… cần nghĩ đến cơn nhồi máu cơ tim và đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể nhầm lẫn giữa cơn đau thắt ngực do tim với đau do các nguyên nhân khác như bệnh về phổi, bệnh dạ dày, đau dây thần linh liên sườn, zona thần kinh,… dẫn đến cách xử trí sai lầm và những hậu quả nghiêm trọng. Do dó, khi có các triệu chứng trên, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để xác định chính xác nguyên nhân với đội ngũ bác sĩ và các kỹ thuật chuyên môn sâu của từng chuyên khoa.

Những cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi gắng sức.

 

3. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị

Các bệnh lý về tim mạch, trong đó có bệnh đau tim thường rất nguy hiểm, có thể gây đột quỵ tim và nhanh chóng cướp đi tính mạng của người bệnh. Hơn nữa, bệnh tim mạch phải điều trị lâu dài, tốn kém về mặt kinh tế và mệt mỏi.

Vì thế, bạn cần được thăm khám sớm, cẩn thận, kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, thực hiện các xét nghiệm, kỹ thuật hiện đại như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp CT mạch vành, chụp MRI tim,… mới cho những chẩn đoán chính xác. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất giúp cải thiện tình trạng đau thắt ngực và tránh những biến chứng nguy hiểm.

Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh, nên duy trì thăm khám tim mạch định kỳ, điều trị dứt điểm các bệnh lý nền nếu có để kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe.

 

4. Phòng tránh cơn đau thắt ngực

  • Để phòng tránh tình trạng đau ngực, cần chú ý những điều sau:
  • Ở những người từ độ tuổi trung niên đặc biệt là người cao tuổi khi có đau tức ngực cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt nhằm xác định nguyên nhân.
  • Đảm bảo điều trị nghiêm túc khi mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu.
  • Nếu đã xác định đau tức ngực do thiểu năng mạch vành cần bỏ thuốc lá, rượu, bia, cà phê,…và điều trị theo đơn của bác sĩ để bệnh chóng khỏi.
  • Cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh lạm dụng các loại thực phẩm có khả năng làm tăng mỡ máu.
  • Người bệnh bị đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối tuy nhiên, cần hạn chế lao động nặng (chân tay) và tránh căng thẳng (trí óc). Tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, nên sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý và tránh làm việc ngay sau bữa ăn.
  • Duy trì thói quen tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chú trọng giải trí, nghe nhạc, đọc sách báo…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top