Trẻ em nên được kiểm tra huyết áp định kỳ để phát hiện sớm tình trạng tiền THA hoặc THA.
Bất kỳ thanh thiếu niên nào có huyết áp cao hơn 120/80mmHg cũng bị coi là có tiền THA. Thanh thiếu niên có huyết áp cao hơn 140/90mmHg được coi là THA. Giống như ở người lớn, trẻ bị THA cần điều chỉnh những yếu tố góp phần làm THA. Sau đây là những điều cha mẹ nên biết khi trẻ bị THA:
THA ở trẻ em có thể mang yếu tố gia đình nhưng cũng có khi là kết quả của một tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh thận, bệnh tim, rối loạn hormon. Tình trạng béo phì cũng là yếu tố nguy cơ gây THA ở trẻ em.
Theo dõi huyết áp thường xuyên: Không nên sử dụng vòng đo huyết áp dành cho người lớn để đo huyết áp của trẻ vì có thể cho ra một kết quả không chính xác. Những chất như nicotin, cafein, một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp. Vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tính đến những yếu tố ảnh hưởng khi đo huyết áp cho trẻ.
Bước đầu tiên trong điều trị THA là thay đổi lối sống. Cũng giống như ở người trưởng thành bị THA, thay đổi lối sống có thể cải thiện huyết áp. Việc này bao gồm việc tập thể dục thường xuyên, giảm lượng muối trong chế độ ăn uống.
Không để trẻ dành quá nhiều thời gian trước màn hình tivi hoặc chơi trò chơi điện tử. Khuyến khích trẻ thường xuyên tập thể dục 20 hoặc 30 phút mỗi ngày. Trẻ có thể tập aerobic. Đây là một môn thể dục phù hợp với trẻ em, được các nghiên cứu chứng minh lợi ích trên trẻ THA. Các hoạt động thể lực còn bao gồm chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội và khiêu vũ thể thao.
Trẻ em thừa cân cần được tư vấn bởi một chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra các thực đơn ăn uống lành mạnh, an toàn có hiệu quả giảm cân và giảm muối ăn. Đặc biệt tránh xa thực phẩm chế biến sẵn do loại này thường có nhiều muối hơn mức cần thiết. Điều này có ảnh hưởng đáng kể đến huyết áp. Thực phẩm chế biến thường chứa các chất phụ gia có hàm lượng calo cao, có giá trị dinh dưỡng thấp, góp phần làm béo phì, THA và tiểu đường.
Người lớn không nên hút thuốc trong nhà hoặc xe hơi, vì khói thuốc thụ động có chứa hơn 7.000 hóa chất và nhiều chất trong đó góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe ở trẻ em.
Nếu thay đổi lối sống không làm cho huyết áp của trẻ trở về bình thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc. Điều rất quan trọng là phải tuân thủ việc uống thuốc cùng với việc thay đổi lối sống. THA là “kẻ sát thủ thầm lặng”, bởi không có triệu chứng khiến nhiều người chủ quan, đôi khi tự quyết định ngừng uống thuốc là rất nguy hiểm. Mặc dù THA thường không gây triệu chứng, nhưng theo thời gian nó gây tổn thương các cơ quan như thận và tim. Trẻ bị huyết áp rất cao có thể bị co giật hoặc suy tim. Trẻ bị THA cũng có nguy cơ cao bị THA khi trưởng thành, có thể dẫn đến đột quỵ và bệnh tim mạch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh