Châm cứu về bản chất là hiện tượng giải phóng các nguồn năng lượng của cơ thể bằng cách kích thích vào các huyệt đạo nằm trên 14 đường kinh mạch của cơ thể. Các nhà khoa học cho rằng các đầu kim làm cơ thể giải phóng hoocmôn endorphin – một loại hoocmôn được coi như thuốc giảm đau tự nhiên và có thể làm tăng lưu lượng máu, thay đổi hoạt động của não bộ, do vậy thường có tác dụng giảm đau.
Các cây kim dùng để châm cứu thường rất mảnh nên mọi người thường không cảm thấy đau hoặc đau rất ít. Họ thường cảm thấy tràn đầy năng lượng và thoải mái sau khi được châm cứu. Mặc dù vậy, những cây kim này đôi khi có thể gây sưng tấy do không được vô trùng cẩn thận.
Hãy xem những cây kim nhỏ bé này khi tác động đến các huyệt đạo cũng nhỏ bé sẽ tạo nên tác dụng giảm đau với những bệnh nào nhé.
Châm cứu và đau lưng dưới
Nếu những phương pháp điều trị thông thường không làm giảm những cơn đau lưng dưới của bạn, châm cứu có thể sẽ có ích. Một nghiên cứu cho thấy cả việc châm cứu thật và “giả châm cứu” đều tốt hơn cách điều trị thông thường cho những cơn đau lưng dưới kéo dài hơn 3 tháng.
Châm cứu và đau đầu
Châm cứu có thể làm giảm chứng đau nửa đầu hoặc giảm căng thẳng thần kinh. Hai nghiên cứu lớn đã cho thấy người bệnh được châm cứu có số ngày bị căng thẳng thần kinh ít hơn người bệnh điều trị thông thường.
Châm cứu và đau cơ xơ hóa
Nghiên cứu về tác dụng của châm cứu với việc giảm đau cơ xơ hóa có nhiều kết quả khác nhau. Một vài nghiên cứu cho rằng châm cứu có tác dụng giảm đau, một vài nghiên cứu lại không ghi nhận tác dụng này. Một nghiên cứu của Mayoclinic tại Mỹ cho thấy, châm cứu có thể làm giảm hai vấn đề cơ bản của đau cơ xơ hóa là mệt mỏi và lo âu.
Nhưng nhìn chung, chưa có đủ bằng chứng để chứng minh tác dụng thực sự của châm cứu với chứng đau cơ xơ hóa.
Châm cứu và đau do viêm khớp
Châm cứu có thể là một biện pháp hữu hiệu, bổ sung thêm cho cách điều trị thông thường đối với bệnh nhân bị viêm xương khớp. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy châm cứu giúp làm giảm đau viêm khớp ở đầu khối. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để chứng minh về hiệu quả của châm cứu với bệnh viêm xương khớp.
Châm cứu và hội chứng ống cổ tay
Châm cứu đã được kiểm tra và so sánh tác dụng với viên uống chứa steroid trong việc đau bàn tay và cánh tay của hội chứng ống cổ tay. Nghiên cứu tại Đài Loan cho một nhóm 8 điều trị châm cứu trong hơn 1 tháng và nhóm bệnh nhân này cảm thấy đỡ đau hơn, trong một khoảng thời gian dài hơn là nhóm bệnh nhân uống thuốc.
Châm cứu và đau răng
Châm cứu có thể làm giảm đau sau khi nhổ răng hoặc phẫu thuật nha khoa. Đau răng được chứng minh là một trong những vấn đề đáp ứng tốt khi được châm cứu.
Châm cứu và những loại đau khác
Nhiều người đã từng thử châm cứu với đau cổ, đau cơ, khuỷu tay và chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt để tránh tác dụng phụ của việc dùng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới đã từng đưa ra 28 vấn đề sức khỏe khác nhau có thể được điều trị bằng châm cứu.
Châm cứu sẽ có tác dụng hơn nếu được phối hợp với các phương pháp điều trị khác như uống thuốc hoặc mát xa. Châm cứu có thể làm giảm việc sử dụng thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống của những người bị đau mãn tính.
Ung thư và châm cứu
Bởi vì châm cứu có thể làm giảm đau, giảm buồn nôn và nôn nên đôi khi, châm được được sử dụng để đối phó với các triệu chứng của ung thư hoặc xạ trị. Châm cứu cũng có thể được dùng để kiểm soát việc bốc hỏa với những người ung thư vú.
Khi nào nên châm cứu?
Bởi vì châm cứu thường ít có tác dụng không mong muốn nên được coi là phương pháp tiềm năng để thay thế cho thuốc giảm đau hoặc điều trị steroid. Châm cứu cũng được coi như một biện pháp hỗ trợ cho những điều trị khác. Tốt nhất, bạn nên thảo luận về việc được châm cứu với bác sỹ hoặc nhân viên y tế.
Nguy cơ của châm cứu
Mặc dù nhìn chung, châm cứu rất an toàn và không gây ra những vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn có những nguy cơ nhất định. Kim không vô khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng. Ở một số điểm nhất định, nếu châm kim quá sâu có thể gây ảnh hưởng đến gan, túi mật hoặc gây ảnh hưởng đến mạch máu. Đó là lý do vì sao bạn nên tìm những người giàu kinh nghiệm, các chuyên gia hoặc bác sỹ được đào tạo để châm cứu.
Ai không nên châm cứu?
Người có những rối loạn chảy máu hoặc máu loãng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nếu tiến hành châm cứu.
Những bệnh nhân đang sử dụng các thiết bị điện tử để trị bệnh tim mạch vì kích thích điện của kim có thể gây ảnh hưởng không tốt với máy tạo nhịp tim và các thiết bị điện khác.
Phụ nữ có thai nên trao đổi với bác sỹ trước khi được châm cứu.
Những người bệnh đang điều trị các bệnh mãn tính hoặc ung thư không nên bỏ qua các cách trị bệnh thông thường hoặc chỉ phụ thuộc vào châm cứu để chữa bệnh hoặc giảm đau.
Châm cứu và bấm huyệt
Nếu bạn cảm thấy sợ việc bị châm kim, bạn có thể thử bấm huyệt, cũng có hiệu quả tương tự. Bấm huyệt là việc mát xa hoặc tạo áp lực lên các huyệt đạo để kích thích giải phóng năng lượng. Các nghiên cứu so sánh giữa châm cứu và bấm huyệt còn hạn chế, nhưng bấm huyệt đã được chứng minh có tác dụng trong việc giảm buồn nôn và giảm những cơn đau đẻ hoặc các cơn đau cơ, đau lưng cấp tính.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh