✴️ Điều trị thuyên tắc phổi

Nội dung

Thuyên tắc phổi xảy ra khi một cục máu đông làm tắc nghẽn một trong các động mạch ở phổi. Thuyên tắc phổi có thể xảy ra sau phẫu thuật nếu cục máu đông hình thành bên trong một trong các tĩnh mạch trong cơ thể và di chuyển đến phổi.

Mặc dù hầu hết mọi người đều phục hồi sau điều trị nhưng đôi khi thuyên tắc phổi có thể gây tử vong.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập tới tần suất xảy ra thuyên tắc phổi sau phẫu thuật và thời điểm thường xuất hiện. Chúng tôi cũng thảo luận về các triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng ngừa.

Điều trị

Khi một người được chẩn đoán thuyên tắc phổi, họ nên bắt đầu điều trị ngay lập tức.

Phương pháp điều trị đầu tay là không làm tan cục máu đông hiện có. Thay vào đó, bác sĩ sẽ theo dõi cục máu đông để đảm bảo rằng cơ thể đang tự phá hủy nó và sử dụng thuốc để ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới.

Bệnh nhân có thể cần dùng những loại thuốc này trong thời gian dài, thường ít nhất là 3 tháng.

Điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng đông: những thuốc này là phương pháp điều trị thuyên tắc phổi phổ biến nhất. Chúng ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới bằng cách làm loãng máu. Ví dụ như warfarin (Coumadin), fondaparinux (Arixtra), heparin và heparin trọng lượng phân tử thấp như enoxaparin (Lovenox).

  • Thuốc tan huyết khối: Nếu thuyên tắc phổi gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như huyết áp thấp, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc làm tan huyết khối, có thể làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, mặc dù những loại thuốc này có thể làm tan cục máu đông, nhưng chúng cũng có thể gây chảy máu nghiêm trọng không mong muốn.

  • Phẫu thuật: Nếu cơ thể không làm tan được cục máu đông, bác sĩ có thể phải phẫu thuật loại bỏ nó bằng cách luồn một ống thông (catheter) vào mạch máu để làm nó vỡ ra.

 

Các yếu tố nguy cơ khác

Nghỉ ngơi tại giường sau phẫu thuật làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ khác. Bao gồm:

  • Những chuyến đi xa: Ngồi nhiều giờ trong ô tô hoặc máy bay có thể làm chậm quá trình lưu thông máu ở chân dẫn đến hình thành các cục máu đông.

  • Trọng lượng cơ thể: Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, đặc biệt ở phụ nữ bị huyết áp cao hoặc hút thuốc.

  • Thuốc nội tíết: Thuốc tránh thai và thuốc nội tiết thay thế chứa nhiều estrogen có thể làm tăng các yếu tố đông máu trong máu.

  • Bệnh tim: thuật ngữ này đề cập đến các tình trạng khác nhau ảnh hưởng đến tim, như suy tim, rung nhĩ, đau tim.

  • Ung thư: Một số loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến tụy, buồng trứng và ung thư phổi, làm cho khả năng đông máu cao hơn.

  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá làm thu hẹp và tổn thương niêm mạc mạch máu, làm cho các cục máu đông dễ hình thành hơn. Tiếp xúc với khói thuốc cũng có thể có ảnh hưởng này.

  • Mang thai: Cục máu đông có thể hình thành trong thai kỳ nếu thai nhi đè lên các tĩnh mạch trong khung chậu, vì điều này làm chậm lưu lượng máu ở chân.

  • Di truyền: Ít phổ biến hơn, bệnh nhân có thể mắc các tình trạng di truyền ảnh hưởng đến cách hình thành cục máu đông, khiến khả năng bị thuyên tắc phổi cao hơn.

Mặc dù hiếm gặp nhưng thuyên tắc phổi cũng có thể xảy ra nếu tắc nghẽn do bọt khí, các mô từ khối u hoặc chất béo từ tủy xương của cánh tay hay chân bị gãy.

Phòng ngừa

Sau cuộc phẫu thuật lớn, có thể khó để giảm thiểu nguy cơ thuyên tắc phổi, khi mà bệnh nhân thường không thể di chuyển đi lại. Tuy nhiên, cho đến khi bệnh nhân hồi phục, có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ. Bao gồm:

  • Nâng cao chân: Khi nằm xuống, bệnh nhân có thể nâng cao chân bằng cách đặt gối hoặc các đồ vật khác phía dưới cuối nệm.

  • Mang vớ áp lực: Vớ áp lực chia độ sẽ ép chặt chân, giữ cho máu ko bị tụ lại. Bệnh nhân còn có thể thử các loại ủng hoặc giày đặc biệt để tạo áp lực cho chân.

  • Di chuyển càng sớm càng tốt: Khi an toàn để cử động, bệnh nhân có thể bắt đầu với những cử động nhỏ, như gập và duỗi bàn chân. Chuyển động này ngăn không cho máu đọng lại ở bắp chân.

Nếu ai đó có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống đông máu sau phẫu thuật như một biện pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, bác có thể khuyên bạn nên đặt một bộ lọc vào tĩnh mạch chủ dưới, chạy dọc theo cột sống. Bộ lọc này giữ các cục máu đông trước khi chúng đi tới phổi. Thiết bị này không được phổ biến lắm ở nước ta.

Trước hay sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể giảm thiểu nguy cơ thuyên tắc phổi bằng cách ăn kiêng và thay đổi lối sống, như:

  • Không hút thuốc lá;

  • Đạt hoặc duy trì cân nặng vừa phải;

  • Ăn theo chế độ ăn uống cân bằng cho sức khỏe tim mạch.

Tóm tắt

Thuyển tắc phổi xảy ra khi một cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch trong phổi. Nguy cơ thuyên tắc phổi sau phẫu thuật cao nhất trong 1-6 tuần đầu tiên, đặc biệt nếu một người không thể di chuyển đi lại.

Dùng thuốc chống đông máu, dùng các thiết bị tạo áp lực và tăng cường vận động dần dần có thể làm giảm nguy cơ. Bất kỳ ai lo lắng về nguy cơ thuyên tắc phổi sau phẫu thuật đều có thể trao đổi với bác sĩ.

Xem thêm: Thuyên tắc phổi

Có thể bạn quan tâm: Thuyên tắc phổi sau phẫu thuật

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top