✴️ Huyết khối động mạch

Huyết khối động mạch xảy ra khi có cục máu đông hình thành trong động mạch. Động mạch là các mạch máu đem máu từ tim đến cơ quan. Ngoài ra, một số cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, thường là ở chân hoặc vùng chậu, lúc này gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Huyết khối động mạch tương tự như huyết khối tĩnh mạch sâu nhưng nó xảy ra ở động mạch thay vì tĩnh mạch. Động mạch có kích thước lớn hơn và chứa nhiều máu hơn.

Huyết khối động mạch có thể gây đe doạ đến tính mạng, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ.

1. Triệu chứng

Triệu chứng phụ thuộc vào vị trí cục máu đông. Một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Đau một chân
  • Sưng chân hoặc cánh tay
  • Tức ngực
  • Tê một bên người
  • Yếu một bên người
  • Thay đổi tri giác

Tuy nhiên, nhiều người sẽ không có triệu chứng nào cho đến khi xảy ra các biến chứng do huyết khối động mạch làm cản trở dòng máu tới các bộ phận của cơ thể.

2. Biến chứng

Các biến chứng của huyết khối động mạch có thể xảy ra và các triệu chứng của chúng như:

Đau tim: Các triệu chứng của cơn đau tim có thể bao gồm

  • Tức ngực
  • Đau hàm, lưng hoặc cổ
  • Khó thở
  • Choáng váng

Đột quỵ: Các triệu chứng có thể bao gồm

  • Tê 
  • Đi lại khó khăn
  • Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn ở một bên mắt
  • Nhìn đôi
  • Nói lắp
  • Lú lẫn

3. Nguyên nhân

Bất kỳ ai cũng có thể bị huyết khối động mạch nhưng một số người lại có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân dễ gây huyết khối động mạch nhất là do động mạch bị tổn thương do xơ vữa. Xơ vữa động mạch xảy ra khi một người bị tích tụ mảng bám trên thành động mạch. Về sau, các động mạch bị hẹp và cứng lại, điều này làm tăng nguy cơ phát triển huyết khối động mạch.

4. Huyết khối động mạch và COVID-19

Huyết khối động mạch có thể xảy ra ở khoảng 4% những người bị nhiễm Covid nặng. Những người có huyết khối động mạch và bị nhiễm Covid thường luôn biểu hiện triệu chứng. Huyết khối có thể xảy ra ở nhiều động mạch cùng lúc.

Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể do:

  • Giảm lượng máu tới chi
  • Tổn thương cơ tim
  • Tăng đông máu

Nghiên cứu khuyến cáo bác sĩ nên sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đối với những bệnh nhân bị Covid mức độ nặng nhằm hạn chế nguy cơ huyết khôi trong tĩnh mạch và động mạch.

5. Yếu tố nguy cơ

Hành vi và tình trạng sức khỏe có thể khiến chúng ta có nguy cơ cao bị huyết khối động mạch. Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bị huyết khối động mạch bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Tăng đường huyết
  • Tăng huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Béo phì
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Tiền sử gia đình bị huyết khối động mạch
  • Lối sống thụ động
  • Lớn tuổi

6. Chẩn đoán

Người bệnh nên nói với bác sĩ về tiền sử bệnh của bản thân. Ngoài ra, nếu người bệnh nghi ngờ mình có cục máu đông hoặc nghĩ rằng bản thân có nguy cơ bị huyết khối thì nên nói với bác sĩ. Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ có thể phân tích các triệu chứng. Nếu nghi ngờ bệnh nhân có cơn đau tim, họ có thể sẽ đề nghị làm xét nghiệm troponin. 

Để phát hiện cục máu đông, bác sĩ thường sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học để đánh giá các động mạch. 

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ sử dụng thủ thuật xâm lấn, chẳng hạn như chụp động mạch xóa nền – chụp Xquang mạch máu. Phương pháp này sẽ luồn một ống thông vào động mạch ở đùi, cánh tay hoặc bẹn của bệnh nhân.

7. Điều trị

Thuốc tiêu sợi huyết

Bác sĩ có thể kê các loại thuốc tiêu sợi huyết nhằm giúp làm tan các cục máu đông. Cụ thể, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc làm tan huyết khối trong giai đoạn đầu của điều trị. Thuốc tan huyết khối là một nhóm của thuốc chống đông mạnh hơn, nó giúp làm tan cục máu đông nhanh chóng nhưng cũng có thể gây chảy máu nghiêm trọng.

Một số người bệnh cần tiếp tục sử dụng các loại thuốc này nhằm hạn chế nguy cơ bị huyết khối khác.

Phụ nữ sắp sinh hoặc người chuẩn bị phẫu thuật có thể không được sử dụng loại thuốc này.

Những người bị xơ vữa động mạch, đột quỵ hoặc bị đau tim có thể phải điều trị suốt đời.

Phẫu thuật

 Các loại phẫu thuật trong huyết khối động mạch khi cục máu đông làm chặn động mạch nuôi tim bao gồm bắc cầu động mạch vành và cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh.

Trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, bác sĩ phẫu thuật lấy một mạch máu từ một bộ phận khác của cơ thể để bắc cầu qua cục huyết khối. Trong phẫu thuật cắt nội mạc động mạch cảnh, các bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các chất béo tích tụ trong động mạch cảnh có thể khiến người bệnh bị đột quỵ.

Các bác sĩ cũng có thể đề nghị thủ thuật can thiệp nong mạch vành mà không cần mổ. Bác sĩ phẫu thuật có thể đặt stent hoặc bóng để nong động mạch.

Giải quyết nguyên nhân

Việc giải quyết những nguyên nhân tiềm ẩn gây huyết khối là điều quan trọng trong điều trị. Theo một nghiên cứu năm 2016, cục máu đông có thể là triệu chứng ung thư đối với những người không có yếu tố nguy cơ.

Thay đổi hành vi

Thay đổi hành vi và chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm nguy cơ hình thành các mảng trong lòng động mạch. 

Khi cục máu đông gây ra các biến chứng, người bệnh có thể cần phải kết hợp các phương pháp điều trị khác.

8. Tiên lượng

Huyết khối động mạch rất nguy hiểm và nó có thể gây ra các biến chứng tử vong. Tuy nhiên, nếu được điều trị thì bệnh sẽ có tiên lượng tốt hơn. Để được như vậy, người bệnh có thể:

  • Thay đổi lối sống theo lời khuyên của bác sĩ
  • Tuân thủ điều trị 
  • Trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào hoặc tình trạng trở nên tồi tệ hơn

Khi nào chúng ta cần đi khám?

Chúng ta cần đi khám ngay khi chúng ta có tiền sử bị huyết khối và xuất hiện bất kỳ triệu chứng cục máu đông mới nào.

Chúng ta nên đi cấp cứu nếu như có các triệu chứng:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Triệu chứng của đột quỵ, chẳng hạn như tê một bên người

9. Các tình trạng bệnh lý liên quan

Một số tình trạng có thể liên quan đến huyết khối động mạch như:

Vết bầm tím: Vết bầm tím là tình trạng tổn thương các mạch máu nông trên da. Nó xảy ra khi bị chảy máu dưới da. Chấn thương mạnh vào cơ thể có thể gây tổn thương đến các mạch máu sâu hơn và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Trĩ: Trĩ là tình trạng sưng, phồng mạch máu ở hậu môn hoặc trực tràng. Nó có thể gây chảy máu khi đi cầu, đau và sưng. Trĩ huyết khối xảy ra khi các búi trĩ trong đường hậu môn di chuyển ra ngoài hậu môn và chúng chứa đầy các cục máu đông.

Huyết khối tĩnh mạch sâu: Huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông trong tĩnh mạch thay vì động mạch. Các yếu tố nguy cơ tương tự nhau và hầu hết xảy ra ở chân. Nếu không điều trị, cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, gây tắc mạch.

Hội chứng thận hư: Hội chứng thận hư là một loại bệnh thận. Chức năng lọc máu của thận bị suy giảm dẫn đến xuất hiện protein trong nước tiểu. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây bệnh là do tổn thương mạch máu của thận. Hội chứng thận hư có thể gây ra cục máu đông.

10. Tổng kết

Huyết khối động mạch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi chúng ta cho rằng mình có một cục máu đông thì không nên trì hoãn việc điều trị cho dù chúng ta không chắc chắn về điều đó hoặc chỉ có một vài yếu tố nguy cơ. Việc được điều trị ngay lập tức có thể giúp cứu sống một mạng người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top