Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch. Cục máu đông tĩnh mạch sâu có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cơ thể nhưng thường xuất hiện ở bắp chân hoặc đùi.
Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi. Biến chứng này có thể đe dọa tính mạng và thường xảy ra khi cục máu đông vỡ ra, di chuyển trong máu và làm tắc động mạch phổi. Tuy nhiên điều trị kịp thời cục huyết khối có thể giúp giảm nguy cơ này.
Sau khi bạn được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ sẽ kê cho bạn các thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu. Những thuốc này có thể giúp cho cục máu đông không phát triển và giúp ngăn ngừa hình thành các cục máu đông khác.
Ngoài việc dùng thuốc theo đơn, bạn có thể điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa cục máu đông khác hình thành bằng một số biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống.
Trọng tâm chính của điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu tại nhà bao gồm:
- Dùng thuốc chống đông máu theo quy định của bạn một cách an toàn
- Làm giảm các triệu chứng như đau chân và sưng tấy
- Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khác
Dùng thuốc chống đông máu tại nhà
Thuốc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể có ở dạng viên uống hoặc dung dịch tiêm. Bác sĩ có thể cho bạn liều đầu tiên của thuốc chống đông máu khi ở trong bệnh viện. Họ sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn chi tiết về việc dùng liều bổ sung tại nhà. Bạn có thể phải dùng thuốc chống đông máu trong ba đến sáu tháng, đôi khi lâu hơn.
Bạn hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Uống quá nhiều thuốc chống đông máu như warfarin có thể làm loãng máu quá nhiều và dẫn đến các vấn đề về chảy máu. Thuốc chống đông máu có thể gây chảy máu nghiêm trọng. Để tránh các vấn đề chảy máu, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Ngăn ngừa chấn thương hoặc té ngã, tránh các môn thể thao va chạm, mặc đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm hoặc sử dụng khung tập đi hoặc gậy.
- Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thuốc, chất bổ sung và vitamin nào khác mà bạn đang dùng. Một số có thể tương tác với thuốc chống đông máu.
- Hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thời gian prothrombin (PT) thường xuyên nhằm theo dõi khả năng đông máu của bạn. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng bạn đang nhận được đúng liều lượng thuốc.
- Tránh thay đổi hoặc ngừng thuốc trừ khi bác sĩ yêu cầu.
- Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bỏ lỡ quên uống thuốc.
- Đảm bảo rằng bác sĩ điều trị cho bạn đều biết bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
Lời khuyên tại nhà để quản lý các triệu chứng
Huyết khối tĩnh mạch sâu không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng, nhưng một số người mắc bệnh này có thể bị đau hoặc sưng chân. Cơn đau có xu hướng xảy ra ở bắp chân và có thể cảm thấy như bị chuột rút dữ dội.
Để giảm đau và sưng do huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn có thể thử các cách sau tại nhà:
- Mang tất: Những loại tất vừa vặn đặc biệt này bó sát vào chân và dần dần nới lỏng ở chân, tạo ra một áp lực nhẹ giúp máu không bị đọng lại và đông lại.
- Nâng cao chân: Đảm bảo chân của bạn cao hơn hông.
- Đi dạo: Cố gắng đi bộ từ ba đến năm lần mỗi ngày để cải thiện lưu lượng máu đến chân của bạn.
- Thận trọng với aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Kết hợp các loại thuốc này với một số thuốc chống đông máu có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng. Hãy hỏi bác sĩ nếu những loại thuốc này an toàn cho bạn trước khi dùng.
Thuyên tắc phổi là một cấp cứu y tế
Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của thuyên tắc phổi như:
- Đau ngực trở nên tồi tệ hơn khi bạn ho hoặc thở sâu
- Thở nhanh
- Ho ra máu
- Nhịp tim nhanh
- Chóng mặt
Lời khuyên tại nhà để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Cùng với việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu thì điều quan trọng là phải điều chỉnh lối sống của bạn để ngăn huyết khối tĩnh mạch sâu tái diễn. Một số người có thể gặp rủi ro cao hơn khi bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu tiến triển như:
- Những người đang phẫu thuật ở các chi dưới
- Những người đang phẫu thuật và có thể bất động sau đó
- Những người hút thuốc lá
- Những người có tiền sử gia đình mắc DVT
- Người mang thai
- Những người trên 60 tuổi
Một số thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Bỏ hút thuốc, nếu bạn hút thuốc
- Dùng tất cả các loại thuốc theo quy định, kể cả thuốc chống đông máu
- Mang tất, đặc biệt là sau khi phẫu thuật hoặc nếu bạn đang nghỉ ngơi trên giường
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Uống nước để tránh bị mất nước
- Thức dậy và di chuyển cứ sau một đến hai giờ, nếu có thể
- Thay đổi vị trí thường xuyên khi ngồi và tránh bắt chéo chân
- Xoa bóp bắp chân
- Ngừng thuốc tránh thai trước khi phẫu thuật, nếu có chỉ định của bác sĩ
- Tập thể dục hàng ngày
Các loại thảo mộc để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Thêm một số loại thảo mộc vào chế độ ăn uống của bạn với số lượng nhỏ nói chung là an toàn, nhưng bạn nên tránh dùng bất kỳ chất bổ sung thảo dược hoặc vitamin nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Một số loại thảo mộc và vitamin có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khi sử dụng với một số loại thuốc.
Các loại thảo mộc và chất bổ sung sau đây có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa cục máu đông:
- Gừng: có thể giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu vì nó có chứa một loại axit gọi là salicylate. Acetyl salicylic acid, có nguồn gốc từ salicylate và thường được gọi là aspirin, được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ. Gừng là một thành phần phổ biến trong nhiều công thức nấu ăn. Bạn cũng có thể pha nó thành trà. Gừng cũng có nhiều lợi ích sức khỏe khác.
- Nghệ: một hợp chất trong củ nghệ có tên là curcumin có tính chống viêm và kháng tiểu cầu. Curcumin có thể giúp cải thiện chức năng của lớp nội mạc hoặc lớp lót của mạch máu, đồng thời cải thiện khả năng điều hòa huyết áp và đông máu. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chứng minh được tác dụng của nó đối với quá trình đông máu. Bạn có thể sử dụng nghệ như một loại gia vị trong bất kỳ công thức nấu ăn nào hoặc thử dùng nó trong đồ uống với sữa và mật ong. Nó cũng có sẵn ở dạng bổ sung và chiết xuất.
- Ớt chứa một lượng lớn salicylate giúp hạ huyết áp, làm loãng máu và tăng cường lưu thông. Ớt có thể được thêm vào món ăn của bạn hoặc nghiền thành bột. Nếu thức ăn cay không phải là sở thích của bạn, bạn có thể xem xét đến việc có lựa chọn loại thảo mộc này không. Tuy nhiên, giống như gừng, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu ớt có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông hay không.
- Vitamin E: có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông. Thực phẩm giàu vitamin E có thể làm loãng máu tự nhiên. Bạn có thể tìm thấy vitamin E trong dầu ô liu, đậu nành. Các loại thực phẩm giàu vitamin E khác bao gồm:
- Rau xanh như cải bó xôi và cải xoăn, súp lơ xanh
- Quả kiwi
- Quả hạnh
- Quả cà chua
- Xoài
- Tránh ăn một lượng lớn rau lá xanh nếu bạn đang dùng thuốc chống đông warfarin. Các loại rau lá xanh có chứa vitamin K. Quá nhiều vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
- Axit béo omega-3 có thể giúp giảm huyết áp và giảm cholesterol, triglyceride và viêm. Tất cả những điều này đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa cục máu đông. Bạn có thể tìm thấy omega-3 trong cá hoặc dầu cá bổ sung. Nghiên cứu từ năm 2022 cho thấy liều lượng từ 2 đến 3 g axit béo omega-3 mỗi ngày có thể có lợi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp