Làm thế nào để kiểm soát bệnh rối loạn nhịp tim?

Người bị rối loạn nhịp tim thường hay bị hồi hộp, đánh trống ngực rất khó chịu

Bác sỹ Vanita Arora, Khoa Điện sinh lý và Rối loạn nhịp tim, Bệnh viện Max Super Specialty (Ấn Độ) sẽ trả lời một vài câu hỏi thường gặp về bệnh rối loạn nhịp tim, nhằm giúp người bệnh có thể tự kiểm soát bệnh tốt hơn tại nhà:

Các triệu chứng sớm cảnh báo cơn rối loạn nhịp tim là gì?

Trên thực tế, cơn rối loạn nhịp tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn nên cảnh giác với các triệu chứng cảnh báo cơn rối loạn nhịp tim như hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, khó chịu, choáng váng, khó thở, nặng ngực…

Đặc biệt, những người có phân suất tống máu (lượng máu được tim bơm đi trong mỗi một lần co bóp) dưới 30% sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Những người bệnh này có thể phải dùng thuốc thường xuyên để ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tim.

 

Người bệnh có thể làm gì khi trải qua cơn rối loạn nhịp tim?

Nếu bạn nhận thấy mình đang trải qua cơn rối loạn nhịp tim, huyết áp giảm, điều đầu tiên cần được thực hiện là nhanh chóng nằm xuống. Tiếp theo đó, bạn có thể dùng một liều thuốc rối loạn nhịp tim do bác sỹ kê đơn rồi nhanh chóng đi cấp cứu.

Bác sỹ Vanita Arora cũng khuyên những người bị rối loạn nhịp tim nên tự chuẩn bị máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu tại nhà. Nếu thấy nhịp tim của mình tăng cao tới 180 - 190 nhịp/phút, bạn có thể thực hiện một số điều sau để hạ nhịp tim, ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tim:

- Rửa mặt bằng nước lạnh.

- Hít vào thật sâu bằng miệng, sau đó cố gắng thổi không khí ra trong khi bịt chặt miệng và mũi.

- Tìm cách để nôn ra.

 

Điều chỉnh lối sống lành mạnh có giúp kiểm soát tình trạng rối loạn nhịp tim hay không?

Nhìn chung, người bị rối loạn nhịp tim cần hạn chế một số loại đồ uống có thể kích hoạt cơn rối loạn nhịp, ví dụ như cà phê, nước có gas, rượu bia. Bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm chiên rán, các món cay nóng, các thực phẩm có tính acid… vì chúng có thể gây viêm dạ dày, gây đánh trống ngực và kích hoạt cơn rối loạn nhịp tim.

Người bị rối loạn nhịp tim cũng nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, vừa sức. Bạn nên trao đổi với bác sỹ để tìm ra các bài tập phù hợp với thể trạng của mình. Nhìn chung, những người cao tuổi, người có bệnh nền… không nên thực hiện các bài tập quá gắng sức. Thay vào đó, bạn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top