Cây ngải cứu là một vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền Việt Nam, được xem là có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chống viêm, bổ não, bổ thần kinh. Nhiều người muốn biết rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình có được không. Cùng tìm hiểu điều này ngay sau đây nhé!
1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau hai ốc tai, thuộc hệ thần kinh. Tiền đình có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể khi chúng ta di chuyển, thay đổi tư thế.
Rối loạn tiền đình xay ra khi chức năng tiền đình bị ảnh hưởng, dẫn đến mất cân bằng tư thế, khiến người bệnh gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, loạng choạng khi thay đổi tư thế…Bệnh rối loạn tiền đình hay gặp, hay tái phát, gây ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của nhiều người.
2. Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tiến triển bệnh và các dấu hiệu khi bệnh tái phát.
Trường hợp nhẹ, rối loạn tiền đình chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết. Khi tái phát bệnh không gây cản trở nhiều đến việc đi lại, vận động, thay đổi tư thế của cơ thể.
Trường hợp nặng, rối loạn tiền đình kéo dài, tái phát thường xuyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống bệnh nhân. Không dừng lại ở đó, bệnh có thể tạo ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: ngã khi lái xe, gãy tay, gãy chân khi đột ngột chóng mặt, đau đầu, ù tai…
Đột quỵ não là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh rối loạn tiền đình, do máu lên não ngừng trệ.
Tin vui là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, hạn chế tái phát, tránh biến chứng nếu chúng ta phát hiện sớm, điều trị tích cực. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu đột ngột, mờ mắt, đi lại loạng choạng…thì bạn nên đi bệnh viện thăm khám để chẩn đoán bệnh.
Đặc biệt những bệnh nhân đi kèm bệnh lý nền như huyết áp cao, huyết áp thấp, tiểu đường, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, tuổi cao…càng cần thăm khám sức khỏe thường xuyên và điều trị bệnh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, chúng ta nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên tập luyện thể dục để khí huyết lưu thông. Nên chú ý kiêng kheng đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường. Nhân viên văn phòng nên vận động cơ thể thường xuyên, tránh ngồi quá lâu ở một vị trí mà không thay đổi tư thế.
3. Rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình có được không?
Cây ngải cứu còn có tên là Latin là Artemisia absinthium được sử dụng phổ biến như một cây thảo dược có lợi cho sức khỏe. Tất cả những thành phần của cây bao gồm thân, lá, hoa…đều được sử dụng làm thuốc trong Đông y từ hàng trăm năm nay.
Các tác dụng phổ biến của cây ngải cứu bao gồm:
Giảm đau: Ngải cứu có đặc tính kháng viêm nên được sử dụng giảm đau trong bệnh lý về xương khớp, giúp cải thiện mức độ đau, cải thiện chức năng vận động.
Chống nhiễm ký sinh trùng: Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy ngải cứu có thể chống sán dây, điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa và một số loại ký sinh trùng khác. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định tác dụng này.
Chống oxy hóa: Ngải cứu có thành phần Chamazulene hoạt động như một chất chống oxy hóa, có thể chống lại quá trình stress oxy hóa trong cơ thể. Đây là một trong số các nguyên nhân dẫn đến ung thư, bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer…
Chống viêm: Ngải cứu chứa thành phần Artemisinin có tác dụng kháng viêm do hợp chất ức chế các Cytokine – do hệ miễn dịch tiết ra để thúc đẩy quá trình viêm.
Bổ não, chữa đau đầu, tỉnh thần, sáng mắt: Trước đây các đạo sĩ, bậc tu hành thường dùng lá ngải cứu khô cho vào gối nằm ngủ. Cách làm này giúp tinh thần nhẹ nhàng, thư thái. Những người hay căng thẳng, stress có thể thử áp dụng để dễ ngủ, cơ thể sảng khoái.
Tóm lại, cây ngải cứu có rất nhiều công dụng như chống oxy hóa, giảm đau, kháng viêm…Đây lại là cây thuốc dễ trồng, dễ mua, dễ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Như đã phân tích ở trên, rối loạn tiền đình có nguyên nhân do thiếu máu lên não khiến bộ phận này hoạt động không hiệu quả. Cây ngải cứu với khả năng kích thích tuần hoàn máu não nên có thể hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh tiền đình, giảm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu đi kèm.
Tuy nhiên, rau ngải cứu chỉ góp phần bổ trợ điều trị chứ không thay thế được thuốc chuyên dụng và phương pháp điều trị chuyên sâu. Người bị rối loạn tiền đình cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách và hiệu quả. Nếu muốn sử dụng ngải cứu hỗ trợ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tình trạng máu lên não nhiều gây biến chứng. Đặc biệt, những người bị huyết áp cao không nên lạm dụng ngải cứu.
4. Những cách dùng rau ngải cứu hỗ trợ chữa rối loạn tiền đình
Ngải cứu không chỉ là vị thuốc mà còn là thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy cách nhanh và đơn giản nhất để sử dụng rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình chính là chế biến thành món ăn thơm ngon.
4.1. Trứng gà rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình
Đây là một món ăn rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người việt Nam, dễ ứng dụng lại vô cùng hiệu quả.
Nguyên liệu dễ tìm: Rau ngải cứu, trứng gà (trứng vịt), thịt lợn băm, hành tím
Cách làm: Tất cả các nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều trong một chiếc bát, nêm nếm gia vị, hạt tiêu. Sau đó bạn có thể đem hấp cách thủy hoặc rán cùng dầu đều rất ngon.
4.2. Gà tần, trứng vịt lộn tần rau ngải cứu chữa rối loạn tiền đình
Gà tần ngải cứu từ lâu được coi là một bài thuốc, giúp bồi bổ cơ thể suy nhược, phục hồi thần kinh, chữa chứng đau đầu, và rất tốt cho người rối loạn tiền đình.
Nguyên liệu:
Một con gà (gà đen, gà ta) hoặc một bộ phận của con gà
Một số gia vị thuốc bắc như táo đỏ, kỷ tử, cam thảo…
Rau ngải cứu
Chế biến:
Gà chặt nhỏ hoặc để nguyên con, làm sạch. Ướp gà với chút gia vị 30 phút cho ngấm
Rau ngải cứu chọn phần lá non, làm sạch
Xếp gà và rau ngải cứu vào nồi, 1 lớp gà 1 lớp ngải cứu xen kẽ
Đổ nước xâm xấp mặt, đun sôi rồi để lửa nhỏ hầm đến khi gà và ngải cứu chín mềm
4.3. Óc lợn, xương sườn hầm rau ngải cứu
Đây là một món ăn bổ dưỡng mà người bệnh rối loạn tiền đình nên duy trì ăn 2 lần 1 tuần sẽ cảm nhận được hiệu quả.
Nguyên liệu:
Óc heo sơ chế qua với nước sôi
Rau ngải cứu chọn phần lá non rửa sạch
Rau thơm: hành, mùi tàu
Cách làm:
Cho óc lợn và rau ngải cứu cắt nhỏ vào nồi và hấp cách thủy. Chờ đến khi món ăn chín (khoảng 30 phút) cho thêm rau thơm, hạt tiêu để món ăn thơm ngon.
Lưu ý: Bạn có thể thay óc heo bằng những thành phần khác như xương sườn, móng giò…đều rất tốt cho sức khỏe.
4.4. Trà rau ngải cứu bổ não
Trà ngải cứu từ lâu được sử dụng trong y học cổ truyền có tác dụng chống trầm cảm, giảm cân, tiêu thực, giảm đau bụng kinh, tăng cường sức khỏe, chống mỏi mệt…
Trà ngải cứu rất dễ làm. Chúng ta chỉ cần dùng lá ngải cứu bánh tẻ phơi khô, nghiền nát, pha với nước nóng và 1 số loại thảo mộc nếu muốn tăng hương vị.
Lưu ý, bà bầu, người huyết áp cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng ngải cứu. Tuy ngải cứu rất tốt nhưng người bệnh không nên quá lạm dụng, dễ gây suy thận, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh