Làm thế nào khi vừa bị tăng huyết áp vừa tim đập nhanh?

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tăng huyết áp và nhịp tim nhanh là 2 tình trạng độc lập. Theo đó, nhịp tim là số lần tim bạn đập mỗi phút. Trong khi đó, huyết áp đại diện cho áp lực của máu tác động lên thành động mạch và các mạch máu khi máu được lưu thông đi khắp cơ thể. Huyết áp được biểu thị bằng 2 con số: Áp suất bên trong động mạch khi tim đập (huyết áp tâm thu) và áp suất giữa các nhịp đập (huyết áp tâm trương).

Những người bị tăng huyết áp cũng có thể gặp phải tình trạng tim đập nhanh, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Theo một đánh giá được công bố vào tháng 12/2012, các nhà khoa học chỉ ra rằng chỉ có khoảng 15% người bị tăng huyết áp có nhịp tim khi nghỉ ngơi trên 85 nhịp/phút. 

Huyết áp khi nghỉ bình thường sẽ ở ngưỡng 120/80mmHg. Tăng huyết áp xảy ra khi các chỉ số vượt quá ngưỡng trên. Tình trạng tăng huyết áp được đánh giá rất nguy hiểm, vì chỉ số huyết áp tâm thu cứ tăng mỗi 20mmHg, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ sẽ tăng lên gấp đôi. Nhịp tim lúc nghỉ ngơi có thể dao động từ 60 - 100 nhịp/phút. Nếu vượt quá ngưỡng 100 nhịp/phút thì gọi là nhịp tim nhanh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhịp tim nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, ví dụ như đau tim, đột quỵ. Đặc biệt, rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim nhanh có mối liên quan với bệnh tăng huyết áp. Theo đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây rung nhĩ. Các tình trạng này cũng có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người bệnh.

Nếu tình trạng rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp kéo dài, bạn nên chủ động đi khám. Cả tăng huyết áp và nhịp tim nhanh đều là những tình trạng nguy hiểm, cần được điều trị riêng rẽ và kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top