Một số thông tin về Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud xảy khi cơ thể không cung cấp đủ máu tới bàn tay và bàn chân khiến bạn có cảm giác lạnh và tê bì. Hầu hết các trường hợp, triệu chứng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn khi cơ thể phản ứng quá mức với nhiệt độ lạnh.

Đối với hầu hết các trường hợp, Raynaud gây phiền toái hơn là khuyết tật.

Nguyên nhân

Hội chứng Raynaud phần lớn không rõ nguyên nhân, gọi là hội chứng Raynaud tiên phát.

Raynaud thường là một triệu chứng của bệnh khác, ví dụ như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp hoặc xơ vữa động mạch. Nó cũng có thể gây ra bởi một số loại thuốc, hút thuốc lá trong nhiều năm… (đôi khi còn được gọi là hội chứng Raynaud thứ phát).

Một số yếu tố có thể làm khởi phát các triệu chứng, đặc biệt là khi tiếp xúc với lạnh. Thông thường, lạnh sẽ làm các mạch máu dưới da co lại và giãn các mạch máu bên trong cơ thể để giữ ấm. Nhưng với những người bị Raynaud, cơ thể hạn chế lưu lượng máu đến da nhiều hơn mức cần thiết. Các yếu tố khác cũng làm khởi phát Raynaud như căng thẳng, những yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy của máu, chẳng hạn như cà phê, thuốc lá và một số loại thuốc.

 

Triệu chứng

Trong hội chứng Raynaud, cơ thể hạn chế lượng máu đến bàn tay và bàn chân khiến cho chúng bị lạnh, tê bì và chuyển sang màu trắng hoặc xanh. Khi tái tưới máu trở lại và các ngón tay, ngón chân ấm lên, chúng có thể trở lại màu đỏ và bắt đầu hoạt động mạnh, gây đau. Một số trường hợp hiếm gặp, Raynaud có thể gặp ở mũi hoặc tai.

Các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong vài phút, đôi khi có thể kéo dài hơn một giờ.

 

Chẩn đoán

Để chẩn đoán Raynaud, bác sĩ cần hỏi bệnh cũng như thăm khám cho bạn. Bạn sẽ cần mô tả quá trình và diễn biến từ khi triệu chứng xuất hiện. Nếu bạn có thể chụp lại ảnh khu vực cơ thể bị ảnh hưởng lúc đó thì nó hết sức hữu ích cho việc chẩn đoán.

Không có xét nghiệm nào có thể chỉ ra bạn bị Raynaud. Nhưng bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm xét nghiệm máu hoặc một số xét nghiệm khác để đánh giá những bệnh lí có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này.

 

Điều trị

Nếu bạn bị hội chứng Raynaud gây ra bởi những bệnh lí khác, bác sĩ sẽ cần điều trị nguyên nhân để làm giảm triệu chứng của bạn.

Không có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hội chứng Raynaud tiên phát. Nhưng bạn có thể kiểm soát nó bằng cách tránh các yếu tố gây khởi phát bệnh:

 

Giữ ấm cơ thể

  • Không hút thuốc
  • Tránh sử dụng Cafein và một số thuốc như thuốc điều trị cảm lạnh có chứa pseudoephedrine và các thuốc chẹn beta. (không tự ý dừng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ)
  • Giảm căng thẳng

Nếu bạn không kiểm soát được các triệu chứng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc chẹn kênh canxi, nhằm làm tăng lượng máu đến bàn tay, bàn chân và giảm triệu chứng.

Một số phương pháp điều trị sử dụng các sản phẩm bổ sung có thể mang lại nhiều hứa hẹn nhưng chúng không hiệu quả đối với tất cả các trường hợp. Vì vậy, hãy nói với bác sĩ trước khi có ý định sử dụng bất kì sản phẩm nào.

 

Những mẹo để giữ ấm

Bạn có thể giữ ấm bàn tay, bàn chân bằng cách:

  • Đi găng tay khi ra ngoài trời lạnh
  • Sử dụng găng tay khi bạn lấy thứ gì đó từ tủ lạnh hoặc tủ đá
  • Khi bạn uống chai nước lạnh, bạn cũng cần sử dụng găng tay hoặc khăn để phủ bên ngoài chai, tránh cầm trực tiếp
  • Sử dụng tất len hoặc sợi tổng hợp hơn là chất liệu cotton
  • Sử dụng bột để hấp thụ độ ẩm ở lòng bàn chân
  • Xoay cánh tay thành một vòng tròn hai bên cơ thể để tăng lưu lượng máu đến các ngón tay
  • Khi bàn tay hoặc bàn chân của bạn bị lạnh, bạn có thể ngâm nước ấm để tăng lưu lượng máu (chú ý không sử dụng nước nóng)

 

Giữ ấm toàn cơ thể

  • Mặc nhiều lớp quần áo ấm
  • Đội mũ: bạn mất nhiệt từ đầu nhiều hơn bất kì bộ phận nào trên cơ thể
  • Không mặc quần áo quá chật: quần áo bó sát có thể làm giảm hoặc cắt đứt sự lưu thông máu
  • Tránh ẩm ướt: chọn những loại quần áo, giày dép thoáng khí, không thấm nước
  • Nên ăn uống những đồ nóng để duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể
  • Hãy thử ăn một bữa nóng hổi trước khi đi ra ngoài trời lạnh, nó sẽ khiến bạn càm thấy ấm hơn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top