✴️ Nguyên nhân gây ra Cholesterol cao

Nội dung

Cholesterol có mặt ở khắp các tế bào trong cơ thể và có vai trò chức năng tự nhiên quan trong trọng quá trình tiêu hóa thức ăn, sản xuất hormone và tạo ra vitamin D. Cholesterol được cơ thể sản xuất một lượng nhỏ, đồng thời cũng được đưa vào cơ thể thông qua thức ăn.

Bài viết này sẽ nói về vai trò của cholesterol, đồng thời cho biết những nguyên nhân gây ra cholesterol cao, những triệu chứng, điều trị và phòng ngừa tình trạng cholesterol cao.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất thuộc tính dầu không tan trong máu, được chuyên chở khắp cơ thể bởi lipoprotein. Có hai loại lipoprotein chuyên chở cholesterol:

  • Lipoprotein tải trọng thấp (LDL)

  • Lipoprotein tải trọng cao (HDL)

Cholesterol có 4 chức năng chính, chúng ta không thể tồn tại được nếu không có chúng. Các chức năng đó là:

  • Góp phần vào cấu trúc của thành tế bào

  • Tạo ra acid tiêu hóa của mật ở trong ruột.

  • Cho phép cơ thể tạo ra vitamin D

  • Cho phép cơ thể tạo ra một số loại hormone.
     

cholesterol

Các nguyên nhân gây ra cholesterol cao

Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ cao của bệnh mạch vành và là một nguyên nhân gây ra đau tim.

Sự tích tụ của cholesterol là một phần của quá trình làm hẹp các động mạch gọi là xơ vữa mạch máu. Trong bệnh cảnh xơ vữa mạch máu, các mảng xơ vữa được hình thành và gây cản trở dòng chảy của máu.

Giảm lượng chất béo trong khấu phần ăn cũng giúp kiểm soát được nồng độ cholesterol. Chi tiết hơn thì nên hạn chế các thực phẩm chứa:

  • Cholesterol: Có trong các loại thức ăn động vật, thịt và phô mai.

  • Chất béo bão hòa: Có trong một số loại thịt, sản phẩm từ sữa, chocolate, các loại bánh, thức ăn chiên và đóng hộp.

  • Chất béo chuyển hóa:  Có trong các thực phẩm chiên và thức ăn đóng hộp.

Thừa cân hay béo phì cũng co thể dẫn đến nồng độ LDL trong máu cao. Các yếu tố di truyền cũng góp phần làm cholesterol cao. Nhưng người bị tình trạng cholesterol máu cao do di truyền có nồng độ LDL rất cao. Những tình trạng khác cũng dẫn đến nồng độ cholesterol máu cao như:

  • Đái tháo đường

  • Bệnh gan hoặc thận

  • Hội chứng buồng trứng đa nang

  • Mang thai và các tình trạng làm tăng nội tiết tố nữ khác.

  • Nhược giáp

  • Các loại thuốc làm tăng cholesterol LDL và giảm cholesterol HDL, ví dụ như progestins, các loại steroid chuyển hóa, và corticosteroid.

Triệu chứng cholesterol cao

Bệnh nhân mắc cholesterol cao thường không có biểu hiện triệu chứng, nhưng khám sức khỏe tầm soát và xét nghiệm máu có thể phát hiện ra nồng độ cholesterol cao.

Một người có thể lên cơn đau tim mà không hề có triệu chứng dự báo, việc xét nghiệm thường xuyên có thể giúp làm giảm nguy cơ này.

Nồng độ và phạm vi giới hạn

Ở người trưởng thành, nồng độ cholesterol toàn phần nhỏ hơn 200mg/dL được xem là khỏe mạnh bình thường.

  • Nồng độ từ 200 – 239 mg/dL được xem là cận cao;

  • Nồng độ ≥240 mg/dL được xem là cao.

Nồng độ cholesterol LDL nên thấp hơn 100 mg/dL.

  • 100-129 mg/dL là mức chấp nhận được đối với những người không có vấn đề gì về sức khỏe nhưng là mức đáng chú ý đối với những người có bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim

  • 130-159 mg/dL là cận cao

  • 160-189 mg/dL là cao

  • 190 mg/dL hoặc cao hơn là rất cao

Nồng độ HDL nên được giữ ở mức cao hơn. Giới hạn tốt nhất cho nồng độ HDL là 60 mg/dL hoặc cao hơn.

  • Chỉ số ít hơn 40 mg/dL là yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch

  • Chỉ số từ 41 mg/dL đên 59 mg/dL là cận thấp.

Ngăn ngừa cao cholesterol

Để làm giảm nồng độ cholesterol hoặc duy trì ở mức độ phù hợp, nên lựa chọn thực hiện thay đổi theo 4 lối sống sau đây:

  • Chế độ ăn uống khỏe mạnh cho tim mạch;

  • Tập thể dục thường xuyên;

  • Tránh hút thuốc lá;

  • Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Những biện pháp trên sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và vào cơn đau tim.

Từ năm 2013, các hướng dẫn về việc làm giảm hay phòng ngừa cholesterol máu cao đã bắt đầu tập trung vào việc sửa đổi các yếu tố nguy cơ về lối sống, kể cả khi còn trẻ.

Từ nằm 2018, các hướng dẫn mới được đăng trên Tạp chí Cao đẳng Tim mạch Mỹ cũng khuyên bệnh nhân thảo luận với bác sĩ về các yếu tố làm tăng nguy cơ tim mạch như:

  • Tiền căn gia đình và chủng tộc
  • Một số bệnh làm tăng nguy cơ của cholesterol cao, ví dụ như bệnh thận mạn hay các bệnh viêm mãn tính.

Khi cân nhắc về các yếu tố trên, bác sĩ sẽ có được hướng điều trị và phòng ngừa cá nhân hóa hơn dành cho bệnh cholesterol cao.

Cholesterol ở trong thực phẩm

Một báo cáo ở trung tâm sức khỏe Harvard đã định danh được 11 thực phẩm có thể làm giảm lượng cholesterol:

  • Yến mạch;
  • Lúa mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt;
  • Các loại đậu;
  • Cà tím và đậu bắp;
  • Các loại hạt;
  • Dầu thực vật (cải, hoa hướng dương);
  • Các loại trái cây (chủ yếu là táo, nho, dâu, và cam quýt);
  • Đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành;
  • Cá nhiều mỡ (ví dụ như cá hồi, cá ngừ, cá mồi);
  • Thực phẩm nhiều chất xơ.

Thêm những loại thực phẩm này vào một chế độ ăn cân bằng có thể giúp kiểm soát được nồng độ cholesterol. Báo cáo ở trên cũng chỉ ra những loại thực phẩm không tốt cho nồng độ cholesterol, bao gồm:

  • Thịt đỏ;
  • Thực phẩm từ sữa nguyên béo;
  • Bơ margarine;
  • Dầu hydro hóa;
  • Các loại bánh ngọt.

Chữa cholesterol cao bằng cách nào

Có nhiều cách chữa trị cholesterol cao bao gồm:

Liệu pháp hạ lipid

Thuốc điều trị dành cho người có cholesterol cao thì được dựa vào nồng độ cholesterol và các yếu tố nguy cơ của người đó.

Các khuyến cáo thường hay bắt đầu với chế độ ăn uống và tập thể dục nhưng đối với người có nguy cơ tim mạch cao thì có thể cần sử dụng statins hay các thuốc khác.

Năm 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một loại thuốc mới, ezetimibe, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra một đợt bệnh tim mạch cấp tính ở những người có nguy cơ cao. Etezimibe làm giảm nồng độ lipid bằng cách giới hạn lại sự hấp thu cholesterol của ruột.

Các tác giả cũng nhắc đến một nhóm thuốc mới: ức chế enzym chuyển hóa tiền protein subtilisin/kexin 9 (PCSK9). Có bằng chứng cho thấy những thuốc này có hiệu quả trong việc làm giảm lượng protein, đặc biệt là khi dùng chung với ezetimibe.

Một hướng dẫn năm 2018 khuyến cáo một lộ trình theo từng bước, phụ thuốc và nồng độ cholesterol cao ở mức nào.

Nếu như bệnh nhân đã trải qua một đợt bệnh tim mạch cấp tính chẳng hạn như đau tim, bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng ezetimibe và statin. Đối với những người có nguy cơ rất cao, hướng dẫn trên cũng khuyến cáo nên dùng thêm thuốc ức chế PCSK9. Tuy nhiên, hướng dẫn trên cũng chỉ ra rằng thuốc ức chế PCSK9 rất đắt tiền. Do đó, lựa chọn này dường như chỉ dành cho những người có nguy cơ rất cao.

Xem thêm: Nguyên nhân, phân loại và điều trị mỡ máu cao

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top