Nhịp tim được điều khiển bởi các tín hiệu điện được gửi qua các mô tim. Thông thường nhịp tim của một người trưởng thành khỏe mạnh là 60 – 100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp, nhịp tim lại tăng cao bất thường vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng nhịp tim cao mạn tính có thể gây rối loạn chức năng tim bình thường nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng
Nhịp tim nhanh ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể vì tim không bơm máu đúng cách. Một số tác dụng phụ mà người bị tim đập nhanh có thể gặp phải là chóng mặt, choáng, ngất, đau ngực, khó thở. Một số người chỉ bị tim đập nhanh mà không có bất cứ triệu chứng nào khác kèm theo. Theo lời khuyên của các bác sĩ, nên đi khám nếu tim đập nhanh và kéo theo các triệu chứng khác. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm điện tâm đồ để xác định xem liệu có phải người bệnh có nhịp tim nhanh hoặc bất thường gì ở tim hay không.
Nguyên nhân
Tập thể dục là một nguyên nhân phổ biến của nhịp tim nhanh. Nhịp tim thường tăng cao khi chúng ta tập thể dục nhưng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn hơn 10 phút sau khi hoàn thành việc luyện tập thì rất đáng lo ngại. Mất nước cũng có thể gây nhịp tim nhanh hơn. Việc thiếu nước trong cơ thể sẽ làm giảm lượng máu, do đó làm giảm lượng máu mà tim có thể bơm tới các bộ phận khác trong mỗi nhịp. Vì thế tim sẽ phải đập nhanh hơn để lưu thông máu nhiều hơn. Các chất kích thích như cà phê, ephedrine, nicotine và một số loại thuốc thông mũi nhất định đều có thể gây tim đập nhanh. Các bệnh lý như căng thẳng cao độ, lo âu, thiếu máu, tuyến giáp hoạt động quá mức, chán ăn, tiểu đường và các bệnh gây sốt cũng là nguyên nhân khiến nhịp tim tăng cao hơn bình thường.
Điều trị
Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh một số biện pháp tác động lên dây thần kinh vagal giúp điều chỉnh nhịp tim như ho mạnh trong vài phút, đắp túi nước đá lên mặt… Những biện pháp này có thể khiến nhịp tim nhanh trở lại bình thường. Nếu tình trạng tim đập nhanh vẫn không biến mất, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim.
Phòng ngừa
Hãy uống nhiều nước khi tập thể dục. Điều này giúp cơ thể giữ nước và đảm bảo lượng máu cao. Hạn chế uống cà phê, chỉ uống 1 ly nếu caffeine là nguyên nhân của việc tăng nhịp tim. Tránh các loại thuốc giảm cân hoặc thuốc trị cảm lạnh có chứa ephedrine nếu đây là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh