Hầu hết các triệu chứng do suy tim có thể được chia thành ba loại:
- Các triệu chứng do ứ dịch và ứ huyết
- Các triệu chứng do giảm bơm của cơ tim
- Các triệu chứng do rối loạn nhịp tim
Ứ dịch và ứ huyết phổi
Ứ dịch và ứ huyết phổi thường xảy ra ở những người bị suy tim và là nguyên nhân thường gặp nhất khiến người bị suy tim phát triển các triệu chứng.
Trong bệnh suy tim, bơm tim hoạt động kém hơn bình thường. Để bù đắp cho khả năng bơm máu này, cơ thể sẽ cố gắng tích trữ muối và nước. Sự tích tụ của muối và nước ban đầu có thể cải thiện chức năng tim, nhưng theo thời gian, sự tích tụ chất lỏng trở nên quá mức và dẫn đến một số triệu chứng. Bao gồm:
- Tăng cân. Muối và chất lỏng tích tụ trong cơ thể có thể gây tăng cân đáng kể và nhanh chóng. Đây là lý do tại sao các bác sĩ yêu cầu những người bị suy tim theo dõi cân nặng mỗi ngày - sự tích lũy nhanh chóng lượng chất lỏng dư thừa có thể là dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh suy tim đang không thể kiểm soát được và cần điều chỉnh thuốc hoặc chế độ ăn uống.
- Phù. Phù nề, hoặc sưng, thường gặp trong bệnh suy tim. Chất lỏng dư thừa có xu hướng tích tụ ở chi dưới, gây phù chân hoặc mắt cá chân. Tình trạng phù nề này có thể trở nên khá khó chịu. Ngoài ra, cổ trướng có thể xảy ra ở những người bị suy tim phải. Đó là sự tích tụ chất lỏng trong khoang bụng và có thể khiến bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu. Cổ trướng thường đi kèm với các vấn đề khác, bao gồm bất thường về chức năng gan và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.
- Ứ huyết phổi. Trong bệnh suy tim, sự tích lũy muối và chất lỏng trong cơ thể tạo ra áp lực gia tăng trong các buồng tim. Tăng áp lực tim dẫn đến chất lỏng dư thừa đó tích lũy trong phổi. Kết quả là ứ huyết phổi.Ứ huyết phổi thường gây khó thở có thể tạo ra một số triệu chứng khác biệt, bao gồm: Khó thở khi gắng sức. Khó thở rất thường gặp ở những người bị suy tim. Phổ biến nhất, khó thở có xu hướng xảy ra khi gắng sức. Ở một số người bị suy tim, cả chức năng tim và tình trạng tích lũy dịch đều có xu hướng thay đổi theo thời gian. Do đó, mức độ gắng sức cần thiết để gây ra khó thở sẽ thay đổi. Vì vậy, những người bị suy tim nên chú ý đến mức độ hoạt động mà họ có thể thực hiện trước khi khó thở và báo cáo sự xấu đi của triệu chứng này với bác sĩ của họ. Đáng chú ý, khó thở khi gắng sức thường kèm theo ho khan — và ho khi gắng sức cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn phổi trở nên tồi tệ hơn.
- Khó thở khi nằm là khó thở xảy ra trong khi nằm ngửa. Triệu chứng này cũng có xu hướng thay đổi, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh suy tim. Dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn phổi đang trở nên nặng hơn là việc bạn cần thêm gối khi ngủ.
- Khó thở về đêm là một triệu chứng khi tình trạng suy tim xấu đi. Những người bị khó thở về đêm thường thức dậy đột ngột từ giấc ngủ sâu và cảm thấy rất khó thở.
- Khó thở khi gập người là triệu chứng thường xảy ra ở những người bị suy tim chỉ được mô tả trong những năm gần đây. Đây là tình trạng khó thở xảy ra khi bạn cúi xuống.
- Phù phổi cấp tính. Phù phổi cấp tính là do tắc nghẽn bất ngờ, đột ngột, gây khó thở và ho. Phù phổi là một trường hợp cấp cứu. Ở những người bị suy tim mãn tính, phù phổi cấp thường do sự thay đổi đột ngột của tim, mặc dù nó cũng có thể xuất hiện ở một số người nếu họ ăn quá nhiều muối.
Các triệu chứng do ứ dịch và ứ huyết phổi có thể được giải quyết. Các bác sĩ thường có nhiều lựa chọn điều trị hiệu quả để quản lý những triệu chứng này một cách hợp lý.
Giảm khả năng bơm của tim
Chức năng chính của tim là bơm máu đến tất cả các cơ quan của cơ thể. Ở những người bị suy tim, hoạt động bơm này thường giảm xuống tới một mức độ nào đó.
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng gây ra do bơm tim kém hiệu quả (cũng được gọi là giảm cung lượng tim) chỉ xuất hiện tương đối muộn trong quá trình suy tim, khi cơ tim trở nên cực kỳ yếu. Các triệu chứng nổi bật nhất gây ra bởi giảm khả năng bơm tim là:
- Cực kì yếu và mệt
- Yếu cơ, teo cơ
- Hôn mê và đói
- Giảm cân quá mức
Rõ ràng, những người có các triệu chứng này không thể sống lâu được. Trừ khi chức năng tim có thể được cải thiện, hoặc được cấy ghép tim hay sử dụng các thiết bị hỗ trợ tâm thất, nếu không khi một người bị suy tim phát triển các triệu chứng này, họ thường tử vong tương đối sớm.
Loạn nhịp tim
Suy tim thường liên quan đến rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, ngoại tâm thu thất và ngoại tâm nhĩ. Những rối loạn nhịp tim này thường gây ra các triệu chứng, bao gồm:
- Đánh trống ngực
- Choáng
- Mất ý thức
Ngoài các triệu chứng trên, rối loạn nhịp tim kết hợp với suy tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc nguy hiểm.
Biến chứng
Nếu suy tim trở nên nghiêm trọng, một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Phổ biến nhất bao gồm:
- Biến chứng phổi. Những người bị suy tim bị do ứ huyết phổi kéo dài hoặc nặng có thể phát triển biến chứng phổi, đặc biệt là viêm phổi và thuyên tắc phổi. Bởi vì khả năng hô hấp của họ đã bị tổn thương do bệnh suy tim, nên những biến chứng phổi này có thể đặc biệt nguy hiểm ở người bị suy tim.
- Đột quỵ. Đột quỵ rất phổ biến ở những người bị suy tim, một phần vì lưu lượng lưu thông chậm và một phần do cục máu đông hình thành trong tim có thể di chuyển đến não và gây chết mô não. Cục máu đông trong tim thường phát triển do rung nhĩ, nhưng chúng cũng có thể hình thành chỉ vì tích tụ máu trong các buồng tim giãn nở.
- Suy các cơ quan. Giảm hoạt động bơm tim có thể làm giảm đáng kế nguồn cung cấp máu cần thiết tới các cơ quan khác nhau, và suy các cơ quan có thể xảy ra. Ngoài suy giảm thần kinh, suy thận, và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng cũng có thể xảy ra và tương đối phổ biến.
- Đột tử. Đột tử thường gặp ở những người bị suy tim. Thông thường những trường hợp đột tử này là do loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất hoặc rung thất) và do đó có khả năng dự phòng được (ví dụ, bằng cách sử dụng cấy máy khử rung). Tuy nhiên, đột tử cũng có thể xảy ra ở những người bị suy tim nặng đơn giản vì cơ tim bị đột ngột ngừng đáp ứng với tín hiệu điện của tim.
Bất kỳ biến chứng nào trong số này cũng có thể dẫn đến tình trạng tàn tật lâu dài hoặc tử vong ở một người bị suy tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp