Những loại bệnh có khả năng trở thành bệnh tim mạch

Theo bác sỹ Erin Michons thuộc trung tâm dự phòng các bệnh tim mạch Johns Hopkins Ciccarone, điều quan trọng hàng đầu là cần phải cảnh báo những đối tượng có nguy cơ cao ngay từ giai đoạn sớm để có những biện pháp đề phòng những bệnh về tim mạch.

Bạn có thể đã từng nghe rằng quá trình lão hóa theo tuổi tác, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, hút thuốc lá, có nồng độ cholesterol máu cao và/hoặc bị cao huyết áp và béo phì có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc nhiều bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ ít được biết đến khác – bao gồm một số bệnh tật – cũng có liên quan ít nhiều đến các bệnh tim mạch.

Đái tháo đường và tiền đái tháo đường

Theo Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hay đột quỵ cao gấp hai lần so với những người bình thường. Và một biến cố tim mạch nào đó xảy ra với những bệnh nhân tiểu đường cũng có xu hướng nghiêm trọng hơn nhiều bởi tình trạng tăng đường huyết mãn tính trong bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương cho các mạch máu.

Không chỉ những người mắc bệnh tiểu đường thật sự mới có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Tình trạng rối loạn dung nạp glucose huyết, hay tiền đái tháo đường – một hội chứng khiến cho nồng độ glucose cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để xếp vào bệnh đái tháo đường thực sự - cũng có thể gây hại cho trái tim. Do vậy, hãy cân nhắc về những nguy cơ trên đây để lên kế hoạch tập luyện tích cực, bỏ thuốc lá và giữ mức cân nặng hợp lý nhé.

 

Lạc nội mạc tử cung

Khi các cơn đau vùng chậu và các vấn đề về khả năng sinh sản do chứng lạc nội mạc tử cung - một rối loạn mà các mô nằm bên trong tử cung lại phát triển ra bên ngoài tử cung – bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Circulation đã phân tích các số liệu trên 116,000 phụ nữ và nhận thấy rằng những người mắc chứng lạc nội mạc tử cung sẽ tăng đáng kể nguy cơ hình thành các bệnh mạch vành. Nguyên nhân có thể là do chứng lạc nội mạc tử cung luôn luôn song hành với tình trạng viêm mạn tính, những tổn thương do các gốc tự do (stress oxy hóa) và tăng lipid máu.

 

Tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ

Nếu bạn mắc chứng tiền sản giật (một biến chứng trong thai kỳ mà gây cao huyết áp ở phụ nữ mang thai) hoặc đái tháo đường thai kỳ, bạn có thể cho rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa trở lại sau khi sinh con. Thật không may mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Những phụ nữ mắc một trong hai hội chứng này sẽ có nguy cơ cao mắc chứng cao huyết áp về sau, đồng thời có khả năng dẫn đến các bệnh tim mạch khi còn trẻ.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã xếp hội chứng tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ vào danh sách những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành vào năm 2011.

 

Các bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp của bạn đang sản xuất ra quá nhiều hay quá ít hormone. Cả hai đều không tốt cho trái tim của bạn.

Khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), sự hình thành quá nhiều hormone thyroid sẽ kích thích co bóp cơ tim, khiến tim đập quá nhanh. Hormon tuyến giáp cũng làm tăng huyết áp và gây loạn nhịp tim. Đối với chứng suy giáp, tim sẽ đập chậm hơn bình thường và gây ra hạ huyết áp, mặc dù nồng độ cholesterol máu vẫn tăng. Do vậy, để phòng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch, nguyên tắc hàng đầu là cần phải điều trị bệnh tuyến giáp.

 

Rối loạn cương dương

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng rối loạn cương dương là do các vấn đề về mạch máu, trong đó các mạch máu cung cấp cho dương vật bị hẹp đi khiến cho lượng máu tới bị giảm sút. Do các mạch máu tới dương vật nhỏ hơn nhiều so với các phần khác của cơ thể nên nam giới thường sẽ gặp phải các triệu chứng về tim mạch sau từ 2-3 năm mắc chứng rối loạn cương dương. Do vậy, theo bác sỹ Michos, bất cứ chẩn đoán nào đối với bệnh rối loạn cương dương ở nam giới cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm đối với những biến cố tim mạch về sau.

 

Bệnh tự miễn

Một số bệnh tự miễn bao gồm lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể quay lại tự tấn công các mô bình thường khỏe mạnh. Theo tạp chí Journal of Clinical Medicine Research, hiện tượng này cũng gây ra các chứng viêm mãn tính mà có thể dẫn tới tình trạng xơ cứng mạch máu và các bệnh tim mạch khác. Do vậy, trong trường hợp đang mắc phải bệnh tự miễn, hãy hợp tác với bác sỹ để đảm bảo rằng bạn đang điều trị đúng hướng – bao gồm cả những biện pháp theo dõi sức khỏe tim mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top