Điều trị ung thư ảnh hưởng chức năng buồng trứng như thế nào?
Hóa trị: các thuốc hóa trị nhóm alkyl hóa (cyclophosphamide, nitrogen and busulfan) có tác động đến buồng trứng. Tổng liều điều trị của nhóm thuốc alkyl hóa trong quá trình điều trị càng cao thì tác động lên chức năng buồng trứng càng nặng (CED: cyclophosphomide equivalent dose ≥ 8000mg/m2). Việc kết hợp xạ trị và hóa trị có nhóm alkyl hóa sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng buồng trứng.
Xạ trị: có thể tác động lên chức năng buồng trứng theo 2 cơ chế:
- Ảnh hưởng trực tiếp của tia xạ đến buồng trứng: tuổi của bệnh nhân vào thời điểm xạ trị có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng. Nhìn chung, bệnh nhi nữ nhỏ tuổi sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn so với bệnh nhân xạ trị vào tuổi dậy thì hay phụ nữ trẻ; tuy nhiên, nếu tổng liều xạ trị cao thì chức năng buồng trứng có thể bị ngưng trệ dù xạ trị tại thời điểm nào.
- Ảnh hưởng gián tiếp qua sự tác động lên phát triển của não bộ.: xạ trị liều cao vào não sẽ làm tổn thương tuyến yên, giảm sản xuất hormon (FSH, LH) là yếu tố cần thiết cho sự trưởng thành của buồng trứng.
Phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng luôn ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng (suy buồng trứng, mãn kinh sớm).
Tóm lại , bệnh nhân sẽ có nguy cơ suy buồng trứng khi điều trị ung thư liên quan các yếu tố như sau:
Tác động điều trị ung thư lên hệ sinh sản ở bệnh nhân nữ:
- Dậy thì muộn hay trì hoãn dậy thì ở bệnh nhi nữ: cần có kế hoạch khám và điều trị nội tiết sớm cho các bệnh nhân.
- Gián đoạn kinh nguyệt: một số phụ nữ bị mất kinh trong giai đoạn điều trị ung thư, hầu hết kinh nguyệt đều khôi phục lại sau khi ngưng điều trị nhưng thời gian tùy vào tùy cá nhân, một số trường hợp có thể đến vài năm để hồi phục chu kì kinh nguyệt. Do việc rụng trứng sẽ diễn ra trước hành kinh nên nếu bệnh nhân chưa có kì vọng mang thai thì khuyến cáo sử dụng các biện pháp ngừa thai ngay cả khi kinh nguyệt chưa được hồi phục.
- Mãn kinh sớm: mất kinh khi điều trị ung thư có thể hồi phục nhưng khả năng bệnh nhân sẽ bị mãn kinh sớm do vậy nếu với bệnh nhân có nguy cơ mãn kinh sớm thì nên tốt nhất nên chọn sinh con trước 30 tuổi .
- Thiếu hụt hormon: việc thiếu thụt estrogen gây nguy cơ loãng xương, béo phì và các vấn đề tim mạch, vì vậy, bệnh nhân sau điều trị ung thư cần theo dõi thêm với bác sĩ nội tiết để có kế hoạch bổ sung estrogen phù hợp.
- Vô sinh: nếu bệnh nhân có chu kì kinh nguyệt và lượng hormon ( FSH, LH , estradiol) trong ngưỡng bình thường thì vẫn có khả năng thụ thai. Vấn đề vô sinh được đặt ra với bệnh nhân không có chu kì kinh nguyệt, hay chỉ có chu kì kinh nguyệt khi bổ sung hormon. Việc xin trứng từ người cho tự nguyên hay nhận con nuôi có thể thảo luận với bệnh nhân.
Các khuyến cáo về theo dõi:
Bệnh nhân có nguy cơ suy buồng trứng cần tái khám định kì hàng năm:
- Đánh giá về: dậy thì, chu kì kinh nguyệt, vấn đề liên quan tình dục và thai sản.
- Định lượng FSH, LH , estradiol (khi thăm khám có các vấn đề nghi ngờ).
Nếu tình trạng suy buồng trứng được xác định cần chuyển khám chuyên khoa nội tiết và các chuyên khoa liên quan.
Bệnh nhân đã xác định suy buồng trứng: Đo mật độ xương, xquang các vị trí nghi ngờ được khuyến cáo.
Nguy cơ thai kì:
- Bệnh nhân nữ xạ trị vào vùng chậu, thắt lưng cùng hay toàn thân sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và khó khăn khi sinh.
- Bệnh nhân nữ hóa trị thuốc nhóm anthracycline ( doxorubicin, daunorubicin) hay xạ trị vùng bụng, ngực có nguy cơ về các vấn đề tim mạch, do vậy khi mang thai, tình trạng tim mạch có thể diễn tiến xấu hơn.
Phụ nữ với các yếu tố trên được xếp vào nhóm thai kì nguy cơ cao và cần được theo dõi sát bởi các bác sĩ sản khoa.
Hầu hết nguy cơ ung thư ở trẻ được sinh ra từ các bệnh nhân ung thư không tăng so với các trẻ sinh ra từ mẹ không ung thư, trừ một số ít loại ung thư của bệnh nhân thuộc nhóm di truyền. Do vậy phụ nữ sau điều trị ung thư cần tham khảo ý kiến bác sĩ ung thư về khả năng di truyền của ung thư trước khi quyết định mang thai.
Nguồn: https://www.childrensoncologygroup.org/index.php/hormonesandreproduction/femalereproductivehealth
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp