✴️ Những loại suy tim sung huyết thường gặp

Những loại suy tim sung huyết thường gặp

Suy tim trái là loại suy tim sung huyết thường gặp nhất. Suy tim trái xảy ra khi tâm thất trái không thể bơm máu đi đến các phần khác trên cơ thể một cách hiệu quả.

Khi tình trạng diễn tiến nặng hơn, dịch sẽ tích tụ lại bên trong phổi, khiến cho việc thở trở nên khó khăn.

Có hai dạng suy tim trái:

  • Suy tim tâm thu xảy ra khi thất trái không thể co bóp một cách bình thường, làm giảm đi lực tống máu vào hệ tuần hoàn. Khi lực này bị giảm, tim sẽ không bơm máu hiệu quả.
  • Suy tim tâm trương, xảy ra khi cơ của tâm thất bị trơ cứng. Do cơ không còn giãn được nữa, tim không còn đổ đầy máu được nữa.

Suy tim phải xảy ra khi thất phải gặp khó khăn trong việc bơm máu vào phổi. Máu chảy ngược lại vào mạch máu gây ra ứ đọng dịch ở các chi dưới, bụng và các cơ quan quan trọng khác.

Suy tim phải và trái có thể xảy ra cùng lúc. Thông thường thì bệnh sẽ bắt đầu từ bên trái sau đó sẽ lan đến bên phải nếu như không điều trị.

Các giai đoạn của suy tim sung huyết

Giai đoạn

Triệu chứng chính

Tiên lượng

Độ 1

Không có triệu chứng gì khi hoạt động thể chất bình thường

Suy tim giai đoạn này có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, thuốc và theo dõi

Độ 2

Thường sẽ không có triệu chứng khi nghỉ ngơi, nhưng hoạt động thể chất bình thường có thể gây mệt mỏi, tim đập nhanh và khó thở

Suy tim giai đoạn này có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, thuốc và theo dõi chặt chẽ. 

Độ 3

Thường sẽ không có triệu chứng khi nghỉ ngơi, nhưng hoạt động thể chất bị giới hạn rõ rệt, hoạt động nhẹ cũng có thể gây mệt mỏi, tim đập nhanh và khó thở

Điều trị có thể phức tạp. Hãy nên nghe tư vấn từ bác sĩ về việc suy tim ở giai đoạn này gây ảnh hưởng đến bạn như thế nào.

Độ 4

Không đủ khả năng để thực hiện bất cứ hoạt động nào, triệu chứng lúc nào cũng hiện diện kể cả khi nghỉ ngơi

Không có điều trị nào cho giai đoạn này, nhưng sẽ có điều trị giảm nhẹ và chất lượng cuộc sống. Bạn nên nghe tư vấn của bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của từng biện pháp.

Hình ảnh mắt cá chân sưng phù do suy tim sung huyết

Khi tim không bơm máu được hiệu quả, máu sẽ chảy ngược về các tĩnh mạch và mô. Máu và các dịch khác cũng sẽ chảy ngược về một số vùng nhất định và gây phù.

Mắt cá chân, bàn chân, chân và vùng bụng là những vị trí thường bị phù.

Tiên lượng và tuổi thọ

Một báo cáo của Hiệp hội tim Mỹ ước tính rằng có khoảng 50% số người được chẩn đoán suy tim sung huyết sống thêm được hơn 5 năm.

Một nghiên cứu cũ hơn cho kết quả rằng đối với những người được chẩn đoán trước 50 tuổi thì sống thêm được khoảng 20 năm sau khi chẩn đoán.

Độ tuổi khi được chẩn đoán, các bệnh khác, và giới tính cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ, có vài trường hợp sống không đến 3 năm sau khi chẩn đoán.

Tiên lượng và tuổi thọ của suy tim sung huyết có thể dao động do nhiều yếu tố. Nhìn chung, chẩn đoán sớm và tuân thủ kế hoạch điều trị có thể cho kết quả tốt và tuổi thọ cao hơn.

Suy tim và di truyền

Bệnh cơ tim cũng có thể dẫn đến suy tim và di truyền có liên quan đến một vài loại bệnh cơ tim. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp suy tim đều không do di truyền. Một số yếu tố nguy cơ của suy tim như tăng huyết áp, béo phì và bệnh mạch vành có thể do di truyền. Để làm giảm nguy cơ mắc suy tim thì mọi người đều nên có một lối sống khỏe mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Phòng ngừa bệnh suy tim

Một số yếu tố thì do di truyền, nhưng lối sống cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành suy tim.

Có rất nhiều việc ta có thể làm để làm giảm nguy cơ suy tim, hoặc ít nhất là làm chậm lại việc phát bệnh.

Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá

Nếu như bạn là một người hút thuốc là và vẫn chưa thể bỏ hoàn toàn được thì nên hỏi ý kiến bác sĩ và những sản phẩm và dịch vụ trợ giúp.

Hút thuốc lá thụ động cũng là một hiểm họa sức khỏe. Nếu như bạn ở cùng một người hút thuốc lá thì hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài.

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh

Một chế độ ăn có lợi cho tim mạch thì chứa rất nhiều rau, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn cũng cần nên có đạm trong chế độ ăn.

Nên tránh ăn:

  • Muối;
  • Đường;
  • Chất béo dạng rắn;
  • Ngũ cốc tinh chế.

Tập thể dục

Chỉ cần tập thể dục mỗi tuần 1 tiếng thôi cũng có thể cải thiện sức khỏe của trái tim. Đi bộ, chạy xe đạp và bơi lội cũng là những dạng bài tập thể dục tốt.

Nếu như đã lâu rồi bạn chưa tập thể dục thì hãy bắt đầu bằng 15 phút mỗi ngày sau đó tăng dần lên.

Nếu như cảm thấy tập một mình không đem lại được cho bạn động lực thì nên tham gia vào một lớp học, kể cả lớp online, hoặc đăng ký tập luyện với huấn luyện viên ở phòng gym gần nhà.

Phòng ngừa bệnh suy tim

Giữ cân nặng 

Bị béo phì hay thừa cân có thể gây ảnh hưởng xấu đến tim. Nên có chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Nếu như bạn đang ở mức cân nặng không khỏe mạnh, nên nghe tư vấn của bác sĩ về kế hoạch cần thực hiện trước mắt. Bạn cũng có thể xin ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.

Các biện pháp phòng ngừa khác

Chỉ nên dùng các loại thức uống có cồn ở mức vừa phải và tránh xa các loại thuốc bất hợp pháp. Khi dùng các thuốc được kê đơn, nên tuân thủ chặt chẽ theo các chỉ dẫn và không bao giờ được tự tăng liều thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Nếu như bạn có nguy cơ cao bị suy tim hoặc đã có một số tổn thương tại tim, bạn vẫn có thể thực hiện theo các bước này. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ hoạt động thể chất an toàn và nếu bạn có những hạn chế nào riêng khác.

Nếu như bạn đang uống thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh tim, hay đái tháo đường, nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Tái khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe và báo cáo ngay nếu có triệu chứng mới.

Suy tim sung huyết được chẩn đoán như thế nào?

Sau khi báo cáo triệu chứng cho bác sĩ, họ có thể giới thiệu bạn đến khám tại các chuyên gia tim mạch.

Bác sĩ tim mạch sẽ thực hiện thăm khám tổng quát, bao gồm nghe tim bằng ống nghe để xác định được các nhịp tim bất thường.

Để chắc chắn được chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ cho thực hiện một số xét nghiệm nhất định để thăm khám được van tim, mạch máu và các buồng tim.

Có nhiều xét nghiệm có thể được dùng để chẩn đoán bệnh tim. Bởi vì các xét nghiệm này sẽ có những chức năng khác nhau nên bác sĩ có thể sẽ cho thực hiện một vài loại để có được cái nhìn tổng quát về tình trạng bệnh.

Đo điện tim

Điện tim sẽ ghi nhận lại nhịp tim của bạn.

Các bất thường ở trong nhịp tim, như là nhịp nhanh hay nhịp bất thường, có thể gợi ý được rằng thành tim của các buồng tim dày hơn mức bình thường. Đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn đau tim.

Siêu âm tim

Siêu âm tim dùng sóng âm để ghi nhận lại cấu trúc và chuyển động của tim. Phương tiện này cho phép xác định được dòng máu, tổn thương cơ hoặc các hoạt động không bình thường của cơ.

MRI

Sử dụng MRI để ghi lại hình ảnh của tim với cả hình ảnh tĩnh và động cho phép bác sĩ khảo sát các tổn thương trong tim.

Nghiệm pháp gắng sức

Nghiệm pháp gắng sức cho phép khảo sát được mức độ hoạt động hiệu quả của tim trong từng mức độ gắng sức khác nhau.

Làm cho tim hoạt động nặng hơn giúp cho các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán được bệnh hơn.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu cho phép khảo sát được các tế bào máu và sự nhiễm trùng nếu có. Xét nghiệm cũng cho phép khảo sát nồng độ BNP, một hormone mà khi suy tim thì nồng độ sẽ tăng lên.

Thông tim

Biện pháp thông tim có thể cho thấy các vị trí tắc nghẽn trong mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào mạch máu từ vùng bẹn, cánh tay hoặc cổ tay.

Trong lúc thực hiện, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu, sử dụng tia X để khảo sát mạch vành và kiểm tra dòng chảy, áp suất trong các buồng tim.

Tiên lượng lâu dài

Tình trạng bệnh của bạn có thể cải thiện nhờ vào thuốc, phẫu thuật hoặc thay đổi lối sống. Tiên lượng phụ thuộc vào độ nặng của suy tim và tình trạng các bệnh lý khác như đái tháo đường hay tăng huyết áp.

Nếu bệnh được chẩn đoán sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về biện pháp điều trị tốt nhất dành cho bạn.

Xem thêm: Các yếu tố nguy cơ của suy tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top