✴️ Những vấn đề tim mạch trong đại dịch Coronavirus 2019 (COVID-19) (P2)

Nội dung

ĐIỀU TRỊ THUỐC Ở BN COVID-19: CÁC TƯƠNG TÁC VÀ TÁC ĐỘNG LÊN TIM MẠCH

Dữ liệu về điều trị kháng virus và các chiến lược điều trị khác cũng như khả năng tương tác với các thuốc tim mạch và độc tính lên tim mạch được tóm tắt trong Bảng 3-5. Mặc dù hiện nay chưa có một tác nhân nào được công nhận là có hiệu quả đặc hiệu trên COVID19 nhưng vẫn có nhiều tác nhân khác nhau đang được thử nghiệm một cách tích cực trên lâm sàng. Trong khi các thuốc này đang được nghiên cứu thì điều quan trọng đối với thầy thuốc là cần nắm vững các tác dụng không mong muốn lên tim mạch cũng như tương tác của chúng với các thuốc tim mạch. 

Các thuốc kháng virus

Các thuốc kháng virus là các thuốc tuyến đầu đang được nghiên cứu nhằm điều trị COVID-19 và các thử nghiệm được liệt kê trong Bảng 3. Ribavirin và remdesivir là hai tác nhân gắn vào vị trí hoạt động của RNA polymerase phụ thuộc RNA của SARS-CoV2 (62) trong khi đó lopinavir/ritonavir ức chế phiên mã RNA virus và có bằng chứng tác động hiệp đồng với ribavirin trên in vitro (63). Ribavirin và lopinavir/ritonavir đang được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị COVID-19 và đã được sử dụng trong nhiều năm để điều trị viêm gan C và HIV (64,65).

Trong khi ribavirin không có độc tính trực tiếp lên tim mạch thì lopinavir/ritonavir có thể kéo dài QT và PR, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã có bất thường nền (QT kéo dài) và những bệnh nhân có nguy cơ bất thường dẫn truyền bao gồm những người dùng các thuốc làm QT dài (65). Cả ribavirin và lopinavir/ritonavir đều có ảnh hưởng đến liều chống đông: ribavirin có ảnh hưởng thay đổi trên liều warfarin (66) và khi sử dụng lopinavir/ritonavir thì có thể cần phải điều chỉnh giảm liều hoặc tránh không dùng các thuốc chuyển hóa qua trung gian CYP3A như rivaroxaban và apixaban (67,68).

Lopinavir/ritonavir cũng ảnh hưởng đến các thuốc ức chế P2Y12 thông qua ức chế CYP3A4 đưa đến giảm nồng độ các sản phẩm chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel và prasugrel và ngược lại làm tăng nồng độ huyết thanh của ticagrelor. Do sự tăng nồng độ ticagrelor ở những BN sử dụng thuốc này nên tại Mỹ và Canada, ticagrelor không được sử dụng đồng thời do làm tăng nguy cơ xuất hiện (69,70). Ngược lại, có bằng chứng cho thấy rằng tác dụng của clopidogrel có thể giảm và không có tác dụng chống kết tập tiểu cầu trong trường hợp dùng kèm với lopinavir/ritonavir. Trong khi đó prasugrel vẫn có thể còn tác dụng khi đánh giá qua xét nghiệm VerifyNow P2Y12 (71,72). Nếu cần phải sử dụng tác nhân ức chế P2Y12 ở bệnh nhân dùng lopinavir/ritonavir thì nên dùng prasugrel tuy nhiên nếu thuốc này bị chống chỉ định (tiền sử đột quỵ hoặc TIA, BMI thấp, đang có chảy máu) thì có thể theo chiến lược chỉnh liều hướng dẫn bằng xét nghiệm (ví dụ xét nghiệm chức năng P2Y12 tiểu cầu  with P2Y12) và sử dụng các thuốc ức chế tiểu cầu khác nhau. Chi tiết về việc chuyển đổi các thuốc ức chế P2Y12 được trình bày ở tài liệu khác (73). Chuyển hóa của chất ức chế P2Y12 đường tĩnh mạch, cangrelor, không phụ thuộc vào chức năng gan do vậy sẽ không có tương tác thuốc (74) với các tác nhân kháng virus nêu trên (74).

Các tác nhân ức chế enzyme HMG-CoA reductase (các statin) có có nguy cơ tương tác với lopinavir/ritonavir và có thể gây nên bệnh cơ do tăng nồng độ statin khi sử dụng đồng thời. Đặc biệt, lovastatin và simvastatin bị chống chỉ định ở BN nhân dùng lopinavir/ritonavir do tăng nguy cơ ly giải cơ vân. Các statin khác bao gồm atorvastatin và rosuvastatin cần được dùng với liều thấp nhất có thể và không được vượt quá liều khuyến cáo ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng đính kèm có trong hộp thuốc khi dùng với lopinavir/ritonavir (65).

Remdesivir là một loại thuốc đang được thử nghiệm. Trước đây, thuốc này được dùng trong vụ dịch Ebola và hiện nay được nghiên cứu dùng cho BN COVID-19. Thuốc hiện nay được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng nhờ sự hỗ trợ của Gilead Sciences, Inc (Foster City, California). Trong khi các độc tính tim mạch và tương tác thuốc còn đang được khảo sát trong vụ dịch COVID-19 này thì các dữ liệu thu nhận từ vụ dịch Ebola cho thấy thuốc thực sự có gây hạ huyết áp và ngưng tim sau khi dùng liệu nạp ở 01 bệnh nhân (trong tổng số 175 được khảo sát) (75).

Các điều trị khác

Chloroquine là một tác nhân điều trị sốt rét. Thuốc có thể ức chế nhiễm virus thông qua cơ chế làm tăng pH trong túi nhập bào (endosome) (xin đọc lại phần xâm nhập của virus vào tế bào thông qua cơ chế nhập vào ở trên). Mức pH tối ưu cần để hòa bào của virus bị thay đổi do chloroquine nên khả năng này của virus bị ức chế. Thuốc thực sự có tác dụng ức chế SARS-CoV2 trên nghiên cứu in vitro (76,77). Chloroquine và tác nhân họ hàng gần của nó là hydroxychloroquine có nguy cơ gây nên độc tính trung hạn hoặc muộn trên cơ tim. Các yếu tố nguy cơ bao gồm sử dụng kéo dài (>3 tháng), liều tính theo với cân nặng cơ thể cao, bệnh tim sẵn có, suy thận (78). Độc tính trên tim của chloroquine bao gồm bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim giãn nở hoặc các bất thường dẫn truyền được cho là thứ phát sau sự ức chế các enzyme tiêu thể trong tế bào cơ tim (78,79). Mặt khác, do tác động của chloroquine lên sự ức chế CYP2D6 nên các thuốc chẹn beta được chuyển hóa thông qua CYP2D6 (như metoprolol, carvedilol, propranolol hay labetalol) có thể tăng nồng độ nên bệnh nhân cần phải được theo dõi tần số tim và huyết áp rất chặt chẽ. Cả hai thuốc kháng sốt rét này đều có nguy cơ làm xuất hiện xoắn đỉnh ở bệnh nhân có rối loạn điện giải hoặc khi dùng đồng thời với các tác nhân gây QT kéo dài. Việc sử dụng các thuốc này trong thời gian ngắn, như trong điều trị COVID-19, chỉ gây nên nguy cơ thấp vì các thuốc này có tác dụng phụ phụ thuộc vào liều và thời gian.

Methylprednisolone là một loại thuốc hiện nay đang được thử nghiệm trong điều trị COVID-19 có biến chứng ARDS (48). Tác nhân steroid này được biết là có tác dụng trực tiếp lên hệ tim mạch như giữ nước, rối loạn điện giải và tăng huyết áp và cũng có thể tương tác với warfarin thông qua cơ chế chưa được hiểu rõ. Thầy thuốc lâm sàng cần tuân thủ những cảnh báo liên quan đến tương tác thuốc khi sử dụng methylprednisolone.

Cuối cùng, các BN bị  bệnh COVID-19 nặng có thể đặt ra những thách thức khó khăn trong việc sử dụng các thuốc tim mạch thường quy, từ thuốc ức chế kết tập tiểu cầu đến chẹn beta, và làm cho tình trạng lâm sàng của những bệnh nhân bị bệnh hoặc có nguy cơ bị bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc suy tim trở nên xấu hơn.

ACE2 và tiềm năng điều trị 

Vì thụ thể ACE2 liên quan đến cơ chế xâm nhập của SARS-CoV2 nên một số dữ liệu gợi ý rằng các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) và tác nhân ức chế thụ thể angiotensin (ARB) tăng biểu hiện ACE2 và qua đó làm tăng tính mẫn cảm đối với virus (5). Ngược lại, các nghiên cứu khác cho thấy rằng ACEi/ARB có thể tăng cường khả năng bảo vệ phổi của ACE2, bản chất là một chất ức chế angiotensin II (80-82). Như vậy, tiềm năng điều trị của ACEi/ARB trong COVID-19 là chưa thật rõ ràng. Một điều quan trọng là các dữ liệu hiện nay chưa đủ để gợi ý bất kỳ một mối liên quan về cơ chế giữa ACEi/ARB với nhiễm COVID-19 hoặc với mức độ nặng của bệnh một khi đã bị nhiễm.

 

NHỮNG CÂN NHẮC ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ 

Trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế tim mạch  

Minh họa trung tâm trình bày các vấn đề chính trong điều trị bệnh nhân khi dịch COVID-19 bùng phát. Các báo cáo đầu tiên gợi ý rằng lây truyền chủ yếu thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp (respiratory droplets) khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Các giọt bắn này có thể rơi vào niêm mạc của người lành hoặc được hít vào phổi khi tiếp xúc gần và virus có thể vẫn còn hoạt tính trên các bề mặt trong vài ngày (83). CDC trước đây có khuyến cáo cẩn trọng lây truyền qua đường không khí (airborne) trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhưng khuyến cáo này gần đây đã được dỡ bỏ và chỉ áp dụng dự phòng cách ly lây truyền qua đường không khí khi chăm sóc những bệnh nhân có sử dụng các thủ thuật tạo khí dung (aerosol-generating procedure). Các khuyến cáo của CDC và WHO về dụng cụ bảo hộ cá nhân (personal protective equipment-PPE) đồng thuận rằng các biện pháp phòng ngừa quy chuẩn khi tiếp xúc như khẩu trang, bảo vệ mắt, áo choàng và khăn tay là cần thiết (51).

Ngoài ra, khi thực hiện một số thủ thuật điều trị có tạo khí dung như siêu âm qua thực quản, đặt NKQ, hồi sinh ngừng tim phổi và thông khí bằng bóng thì cần phải có các phương tiện phòng hộ cá nhân bao gồm cả máy thở có khí nén làm sạch và được kiểm soát (CAPR/PAPR). Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng đặc hiệu đối với các chuyên khoa tim mạch có thực hiện thủ thuật phải được nhấn mạnh trong bối cảnh xuất hiện và bùng phát của COVID-19. Các thủ thuật như vậy có thể đi kèm với nguy cơ biến chứng nhẹ nhưng thực thụ và có thể làm xấu đi tình trạng của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 ngừng tim thì việc hồi sinh tim phổi có thể tạo nên hạt khí dung có chưa tác nhân gây bệnh và gây nên sự lây truyền rộng rãi các hạt chứa virus cho thầy thuốc, nhân viên y tế và các bệnh nhân khác. Một biện pháp làm giảm lây lan virus khi hồi sinh ngừng tim phổi là sử dụng các máy xoa bóp tim nhằm giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã bị nhiễm. Trong phòng thông tim thì việc vệ sinh sau thủ thuật cần phải loại bỏ tất cả các dụng cụ bị nhiễm SARS-CoV2. Thời gian chết cần thiết để vệ sinh phòng thông tim kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề đến công suất của các phòng thông tim can thiệp do vậy sẽ tác động xấu đến điều trị bệnh nhân cần can thiệp thủ thuật. Do vậy, nhiều bệnh viện đã giảm thiểu hoặc hủy các thủ thuật chương trình trong thời kỳ bùng phát dịch.

Một điều cần lưu ý là các phòng thông tim can thiệp và các phòng mổ tim thường được thông khí áp lực dương và có một số báo cáo cho thấy nhiều trung tâm ở Trung Quốc đã cải biến hệ thống này thành nơi cách ly áp lực âm trong bối cảnh bùng phát COVID-19 (84). Các hướng dẫn và khuyến cáo liên quan đến can thiệp tim mạch sẽ được các hiệp hội, trong đó có ACC và SCAI (51) công bố sớm.

Một cách tổng quát, khi thầy thuốc tim mạch sẽ phải là những người tham gia vào tuyến đầu của công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì tất cả các biện pháp có thể cần phải được thực hiện nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm (85). Nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm virus này, như trong báo cáo của Wu và cộng sự đã ghi nhận có đến 1716 trong số  44 672 (3,8%) người nhiễm COVID-19 là nhân viên y tế (15). Con số này nhấn mạnh hơn nữa nhu cầu tự bảo vệ bằng PPE trước khi chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm COVID-19 và cũng cho thấy lý do hợp lý để hoãn các trường hợp thủ thuật theo chương trình.

Ở các bệnh viện giảng dạy, bắt buộc phải giảm thiểu sự tiếp xúc của người học và những nhân viên không thiết yếu cho quá trình chăm sóc (như sinh viên y khoa) không chỉ vì sự an toàn của họ mà cho cả bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu tiêu hao PPE và giảm bớt các vector truyền bệnh không triệu chứng. Cuối cùng thì lây truyền từ nhân viên cho sếp cũng là một vấn đề thực sự cần phải lưu ý đặc biệt là trong bối cảnh cấp cứu hoặc phân luồng hoạt động chưa tối ưu hoặc khi PPE trở nên khan hiếm.

Sàng lọc bệnh nhân tim mạch  

Có rất nhiều cân nhắc đặc biệt liên quan đến chăm sóc bệnh nhân tim mạch cần phải nắm vững và ứng dụng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân và cho nhân viên y tế. Các biện pháp này được liệt kê ở Bảng 7. Một cơ chế quan trọng giúp phòng ngừa lây nhiễm là sử dụng phương thức y học từ xa (telemedicine). Công nghệ này đã được sử dụng ở rất nhiều hệ thống chăm sóc y tế lớn trên toàn thế giới và rất lý tưởng trong các cuộc khủng hoảng về y tế công cộng vì nó cho phép phân loại được bệnh nhân trong khi vẫn đảm bảo giảm thiểu tiếp xúc của bệnh nhân và nhân viên y tế với nguồn lây tiềm tàng.

Hơn nữa, telemedicine tạo điều kiện cho bệnh nhân có thể được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa mà trong điều kiện bình thường thì không thể sẵn có. Hiện nay, mặc dù vẫn còn một số rào cản trong việc thực hiện một cách rộng rãi phương thức này như điều phối các xét nghiệm ở bệnh nhân đã được phân loại là có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng công nghệ này sẽ chứng tỏ là một biện pháp quan trọng trong việc giới hạn sự lây lan của virus gây bệnh (86). Các nguyên tắc thiết yếu khác như giảm thiểu tiếp xúc giữa bệnh nhân với nhân viên y tế không thiết yếu/ không khẩn cấp càng nhiều càng tốt (cách ly xã hội) và hạn chế các thủ thuật thông tim, phẫu thuật và siêu âm theo chương trình. Nếu bắt buộc phải thực hiện các thủ thuật này thì số người tham gia cần giảm đến mức tối thiểu.

 

CÂN NHẮC LIÊN QUAN HỆ THỐNG Y TẾ  VÀ XỬ TRÍ BỆNH NHÂN TIM MẠCH KHÔNG NHIỄM VIRUS 

Vai trò lãnh đạo của các hiệp hội tim mạch  

Gần đây, đứng trước những mối quan ngại liên quan đến sức khỏe của nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu chuyên ngành tim mạch và để tránh làm cho vụ bùng phát COVID-19 xấu hơn, American College of Cardiology đã đưa ra quyết định chưa có tiền lệ nhưng rất hợp lý là hoãn Hội nghị khoa học năm 2020. Tương tự, một số các hội nghị y khoa trên thế giới hoặc được hoãn lại hoặc hủy bỏ (87). Thêm vào đó, trước thử thách đặt ra của đại dịch trên gánh nặng chăm sóc tim mạch, một số hiệp hội đã cân nhắc đưa ra các khuyến cáo. Các khuyến cáo này được tóm tắt trong Bảng 6.

Bản tin lâm sàng của ACC (The ACC Clinical Bulletin) cung cấp các tóm tắt thực hành lâm sàng về những tác động chính cũng như các khuyến cáo trong chăm sóc tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 (88). Thông cáo của Hội đồng Tăng huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) và Hiệp hội Tăng huyết áp Châu Âu đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến điều trị ACEi và ARB ở bệnh nhân COVID-19 (38,89). Các hiệp hội này cũng như một số hiệp hội khác thống nhất rằng điều sống còn là cần phải có nhiều dữ liệu khoa học hơn nữa nhằm có thể đưa ra những quyết định điều chỉnh chế độ điều trị với các tác nhân này trong vụ bùng phát dịch hiện nay (38,89-92). Tiếp tục tiến liên phía trước, các hiệp hội tim mạch quan trọng này cùng với các tổ chức thầy thuốc lớn và các hệ thống y tế sẽ là những đồng minh quan trọng để đẩy mạnh quá trình kiến tạo kiến thức khoa học và thực hiện chăm sóc tim mạch cho bệnh nhân nhiễm virus này.

Chuẩn bị bệnh viện đối phó tình huống và ưu tiên điều trị bệnh nhân nguy kịch  

Các hệ thống bệnh viện cần phải có một gói biện pháp toàn diện để chuẩn bị sẵn sàng cho dịch COVID-19 (Bảng 5). Cần phải tiên liệu sự gia tăng số lượng bệnh nhân COVID-19 trong thời gian đến. Đồng thời cũng phải duy trì được các biện pháp chăm sóc y tế tổng quát cho các bệnh lý cấp tính và mạn tính. Đặc biệt, liên quan đến chăm sóc tim mạch, khi đại dịch nổi lên, thì các bệnh viện phải ưu tiên điều trị các bệnh nhân nặng và nguy cơ cao và đưa ra được các chính sách nhằm phòng ngừa sự quá tải của hệ thống chăm sóc y tế do những người không mắc bệnh nhưng lại quá hoang mang (worried well). Liên quan đến nguy cơ quá tải của các bệnh viện, cần phải có quy trình đặc biệt trong chăm sóc bệnh nhân tim trong khi vẫn bảo tồn được nguồn lực chăm sóc nội viện vốn luôn có nguy cơ bị giảm sút trong dịch và giảm thiểu tiếp xúc với nguồn lây tiềm tàng cho nhân viên và bệnh nhân. Đã có một số báo cáo của các trung tâm về việc thay đổi quy trình tiếp nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có SR chênh lên (STEMI) trong khủng hoảng do COVID-19 như sử dụng liệu pháp tiêu sợi huyết trong trường hợp can thiệp tái thông chậm trễ. Điều này cần phải chuẩn bị sẵn trước khi bệnh viện trở nên quá tải và các phòng can thiệp không còn đủ chỗ cũng như thiếu thốn nhân sự (49).

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi công năng của đơn vị hồi sức tim mạch (Cardiac ICU) thành hồi sức nội khoa (Medical ICU) để điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể sẽ là việc cần thiết tuy nhiên điều này sẽ làm giảm sút chất lượng điều trị chuyên khoa cho bệnh nhân tim mạch. Do bệnh nhân sau phẫu thuật tim sẽ chiếm dụng giường hồi sức dài ngày nên các biện pháp điều trị nội khoa hoặc can thiệp qua da có thể được ưu tiên hơn trong trường hợp không thể chờ đợi (can thiệp mạch vành qua da được ưu tiên hơn phẫu thuật bắt cầu, thay van qua da ưu tiên hơn phẫu thuật thay van) nhằm giảm thiểu sự chiếm dụng giường hồi sức. Hơn nữa, như đã đề cập ở trước, việc sử dụng hợp lý và chọn lựa bệnh nhân ECMO cũng như có các quy trình ECMO chuẩn cho bệnh nhân COVID-19 là những chiến lược quan trọng cần đề cập (58).

Nhu cầu giáo dục

Thông tin cập nhật nhất về các bằng chứng khoa học liên quan đến xử trí và điều trị bệnh nhân COVID-19 nên được phát tán rộng rãi và miễn phí. Cập nhật này cần phải được cung cấp dưới dạng hình ảnh minh họa (ví dụ infographics) nhằm cải thiện kiến thức và sự thông hiểu của cộng đồng. Việc truyền thông không giới hạn giữa các nhân viên y tế và giữa các bệnh viện với nhau đóng vai trò chủ đạo trong việc chống dịch một cách hiệu quả. Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm phổi/hồi sức, bệnh truyền nhiễm, tim mạch, phẫu thuật, dược và hành chính quản trị bệnh viện cùng các bộ phận khác. Các chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị tối ưu COVID-19 phải được chia sẻ rộng rãi trong toàn thể cộng đồng y tế. Theo đó, cần phải nỗ lực hết sức để cung cấp những thông tin rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho bệnh nhân và người đưa ra quyết định điều trị, chống lại những huyền thoại và tin giả có thể gây nên nỗi hoang mang hốt hoảng lẫn lạc quan tếu. Hằng ngày sẽ có nhiều hơn nữa các bằng chứng về COVID-19 cũng như các biện pháp điều trị xuất hiện do vậy việc cung cấp thông tin phải rất kịp thời.

Những thách thức về Y đức

Thách thức không có tiền lệ này của COVID-19 đã đưa chúng ta đến những tình thế tiến thoái lưỡng nan trầm trọng từ việc ban hành các chính sách (ví dụ tập trung vào việc cách ly và hạn chế so với miễn dịch bầy đàn) cũng như các tình huống khó khăn về lâm sàng (xem tất cả bệnh nhân như nhau hay phân loại bệnh nhân dựa vào tuổi, bệnh đồng mắc, chẩn đoán có thể có tương tự như trong các tình huống thảm họa khác).  

Việc tương tác chặt chẽ với luật sư của bệnh nhân, nhân viên công vụ và những người điều hòa cũng như với các hiệp hội thầy thuốc, các nhà quản lý bệnh viện và các lãnh đạo xã hội khác là tối quan trọng để có thể tìm ra con đường đi đúng xuyên qua những thách thức y đức này. 

 

KẾT LUẬN VÀ VIỄN CẢNH

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn bệnh nhân và đặt ra những nguy cơ sức khỏe quan trọng trên bình diện quốc tế. Cộng đồng tim mạch sẽ đóng một vai trò cốt lõi trong xử trí và điều trị bệnh nhân mắc bệnh này và hơn nữa sẽ tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tim mạch không nhiễm COVID-19. Trong những tháng tới, những nỗ lực nhằm đánh giá các phương thức điều trị mới sẽ đóng vai trò sống còn trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus này và khi quá trình này đang tiến triển thì việc đánh giá sâu hơn nữa mối tương tác phức tạp giữa COVID-19, bệnh tim mạch và các thành phần tham gia liên quan đến bệnh nhân, nhân viên y tế và các hệ thống y tế sẽ giúp cải thiện dự hậu của bệnh nhân tim mạch có nguy cơ nhiễm hoặc đã thực sự nhiễm virus. Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng và nghiên cứu đoàn hệ đang được tiến hành và sẽ cung cấp những thông tin quan trọng trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus COVID-19.

Một số thuyết hiện nay cho thấy có sự gia tăng tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố không mong muốn ở bệnh nhân tim mạch mắc COVID-19. Đặc biệt, việc hiểu rõ hơn về liên quan giữa protein ACE2, sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp và tiên lượng COVID19 sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý tim mạch. Trên tinh thần này, một RCT đang được tiến hành nhằm đánh giá tác động của ACEtái tổ hợp có thể sẽ cung cấp thông tin về cơ chế ở bệnh nhân nhiễm virus (ClinicalTrials.gov Identifier: NCT04287686). Cao hơn tầm của một RCT đơn độc thì việc phối hợp các nỗ lực của tất cả nhân viên y tế và một đường lối lãnh đạo sáng suốt là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe cho cộng đồng chung cũng như cho nhân viên y tế chuyên ngành tim mạch. Điều này được minh họa sống động qua quyết định khó khăn của ACC liên quan đến việc hủy Hội nghị Khoa học năm 2020. Sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bao gồm tối ưu hóa khả năng y học từ xa và tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh ở tầm mức cộng đồng cũng như đối với nhân viên y tế sẽ giúp chúng ta đi qua giai đoạn khủng hoảng này cho đến khi dịch bệnh được kiềm chế hoàn toàn.. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top