Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo Khoa học Thường niên lần thứ 64 tại Đại học Tim mạch Hoa Kỳ ở San Diego, người sống ở những nơi ô nhiễm không khí có nguy cơ bị chứng hẹp động mạch cảnh cao hơn, bệnh này làm hẹp các động mạch cung cấp máu lên não. Chứng hẹp động mạch cảnh do chất béo tích tụ trong động mạch cổ gây ra có liên quan đến hơn một nửa các trường hợp đột quỵ ở Mỹ mỗi năm.

Một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các vấn đề tim mạch, nhưng hầu hết mới chỉ tập trung vào các tác động lên tim và động mạch quanh tim. Nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu các tác động lên động mạch ở đầu và cổ, và làm sáng tỏ cách ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ khiến cho não bị thiếu oxy. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Jonathan D. Newman và là bác sĩ khoa tim ở Trung tâm Y học Langone Đại học New York cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung cho số bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ lớn ở bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ tim mạch ở một người không chỉ liên quan đến gien, hành vi sức khỏe và lối sống mà còn phụ thuộc ở một mức độ nào đấy vào môi trường và không khí xung quanh.

Nghiên cứu này dựa trên một phân tích về các xét nghiệm tim mạch sơ bộ ở hơn 300.000 người sống ở New York, New Jersey và Connecticut. Các xét nghiệm sơ bộ được tiến hành bởi chương trình Rà soát Tim mạch, một chương trình tình nguyện được triển khai để đánh giá sức khỏe tim và động mạch của người tham gia bằng cách sử dụng phương pháp siêu âm tim mạch và các xét nghiệm khác. Các nhà nghiên cứu kiểm tra mối quan hệ giữa chứng hẹp động mạch cảnh và mức độ ô nhiễm không khí ở nơi ở của mỗi người tham gia dựa trên các số đo về chất lượng không khí do Cơ Quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thu thập từ năm 2003-2008.

Phân tích cho thấy người sống ở những nơi ô nhiễm không khí cao có nguy cơ bị chứng hẹp động mạch cảnh cao hơn 24% so với những người sống ở những nơi ô nhiễm không khí thấp. Phân tích này loại trừ những người đã bị chứng hẹp động mạch cảnh rồi và có tính toán đến các yếu tố như tuổi tác, nhân khẩu học, tiền sử y học và thu nhập hộ gia đình trung bình.

Nghiên cứu tập trung vào một loại ô nhiễm gọi là vật chất hạt siêu nhỏ, được định nghĩa là các phân tử ô nhiễm có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Vật chất hạt siêu nhỏ là dạng ô nhiễm phổ biến nhất và phần lớn bắt nguồn từ các hoạt động đốt cháy như khí thải ôtô và đốt than hoặc củi. 

“Kết quả này nêu bật tầm quan trọng của kế hoạch giảm ô nhiễm không khí,” tiến sĩ Newman nhận định. “Nếu bạn có sức khỏe tốt, mức ô nhiễm không khí ở hầu hết các vùng miền của Mỹ không gây ra nguy cơ đáng kể cho sức khỏe. Nhưng với trẻ nhỏ, người cao tuổi, hoặc người bị bệnh, ô nhiễm không khí có thể là nguy cơ lớn gây ra bệnh tim mạch.

Phát hiện này cũng cho thấy ô nhiễm không khí là một yếu tố tiềm ẩn giải thích tại sao người bị tiểu đường lại dễ gặp vấn đề tim mạch hơn người khác.

“Người có nguy cơ bị bệnh tim mạch nên hạn chế thời gian ở ngoài trời trong những ngày có mức ô nhiễm không khí cao,” Newman cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời làm 8 triệu người chết sớm do bệnh hô hấp và các bệnh khác mỗi năm trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất ở các nước đang phát triển nơi thường đốt lửa ngoài trời để sưởi ấm và nấu nướng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top