✴️ Phương pháp điều trị rung nhĩ phổ biến và hiệu quả nhất

1. Tìm hiểu về chứng rung nhĩ

Tim có thể co bóp nhịp nhàng để đẩy và nhận máu tuần hoàn khắp cơ thể là nhờ một cơ quan đặc biệt là nút xoang. Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải của tim, có khả năng phát xung động điện. Nó hoạt động như tín hiệu truyền đến cơ tim, cơ tim nhận tín hiệu và co bóp theo nhịp. Như vậy, nút xoang phát tín hiệu đều đặn, bình thường thì tìm cũng hoạt động đúng chức năng, bơm và hút máu hiệu quả.

Tuy nhiên khi nút xoang phát tín hiệu không đều, khiến nhịp đập của tâm nhĩ và tâm thất không đồng bộ, thường là tâm nhĩ đập nhanh hơn được gọi là rung nhĩ. Tình trạng này khiến buồng thất không đủ thời gian để giãn ra bình thường và nhận máu, còn tâm nhĩ không bơm máu hiệu quả xuống tâm thất được.

Tình trạng này kéo dài không những làm suy giảm chức năng tim mà còn dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… Đặc điểm và tiến triển bệnh ở mỗi người là khác nhau, triệu chứng bệnh có thể rầm rộ dễ nhận biết hoặc tiến triển âm thầm. Rất nhiều người bệnh từng có triệu chứng song do chủ quan, bỏ qua giai đoạn điều trị tốt nhất.

Triệu chứng rung nhĩ thường gặp nhất là tim đập nhanh, không đều, đánh trống ngực, đau ngực, cảm giác ngộp thở. Khi nhịp tim đập quá nhanh, người bệnh còn cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, thậm chí là ngất xỉu.

Đa phần các trường hợp rung nhĩ không phải là cấp cứu khẩn cấp, song bệnh tiến triển âm thầm và các biến chứng rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu xuất hiện các triệu chứng sau, cần sớm gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất:

  • Đau ngực nặng.
  • Hoa mắt, nhìn nhòe, mờ 1 bên mắt, yếu đột ngột ở 1 phần hoặc nửa bên cơ thể, khó khăn trong giao tiếp, đau đầu dữ dội,… đây là triệu chứng báo hiệu của cơn đột quỵ não, nguyên nhân do cục máu đông hình thành làm tắc nghẽn mạch máu não.
  • Khó thở, thở gấp với mức độ ngày càng tăng.

2. Chẩn đoán và điều trị rung nhĩ

Chẩn đoán và điều trị rung nhĩ được thực hiện ngay khi nghi ngờ bệnh qua triệu chứng và khám lâm sàng. Đặc biệt ở bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch trước đó, rung nhĩ có thể nguy hiểm và biến chứng đột quỵ bất cứ lúc nào.

2.1. Chẩn đoán rung nhĩ

Điện tâm đồ là phương pháp phổ biến và chính xác nhất trong phát hiện rung nhĩ. Kỹ thuật này cho phép theo dõi hoạt động của tim thông qua các tín hiệu điện - tín hiệu phát ra nhằm điều khiển hoạt động co bóp của tim. NHững bất thường nhịp tim sẽ được ghi nhận một cách chính xác và nhanh chóng, giúp can thiệp cấp cứu hiệu quả và không gây đau đớn cho người bệnh.

Để chẩn đoán chính xác hơn chứng rung nhĩ và mức độ bệnh, cần kết hợp điện tâm đồ với 1 số xét nghiệm bổ sung khác như:

  • Điện giải đồ.
  • Xét nghiệm nước tiểu, máu.
  • Siêu âm tim, ECG.
  • Huyết đồ.
  • X-quang tim phổi.

2.2. Điều trị rung nhĩ

Điều trị rung nhĩ cần đạt được 3 mục tiêu lớn:

  • Dự phòng hình thành cục máu đông: thường sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Chuyển về nhịp xoang bình thường: Phương pháp thường dùng là sốc điện hoặc dùng thuốc khi rung nhĩ cơn hoặc cấp tính.
  • Kiểm soát nhịp đập của tâm thất: Sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật can thiệp để ngăn chặn xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất.

Chẩn đoán và điều trị rung nhĩ

Cụ thể các phương pháp thường áp dụng trong điều trị rung nhĩ bao gồm:

Sốc điện

Khi rung nhĩ làm rối loạn nhịp tim hoặc mất nhịp tim, một cú sốc điện sẽ được thực hiện để hồi phục tim bình thường. 

Thuốc

Đa phần các trường hợp rung nhĩ nhẹ, chưa nguy hiểm và không cần cấp cứu thì sử dụng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng bệnh khá hiệu quả. Thuốc thường được sử dụng là thuốc chống đông và thuốc chống loạn nhịp.

Thuốc chống loạn nhịp có thể là thuốc chẹn beta, thuốc chẹn canxi, digoxin có tác dụng ổn định nhịp tim, ức chế nút nhĩ thất. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Thuốc chống đông máu: Ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối.

Cắt đốt

Khi rối loạn nhịp tim không thể kiểm soát bằng thuốc, cắt đốt bằng tần số vô tuyến là phương pháp được xem xét. Năng lượng tần số vô tuyến được tận dụng để tiêu diệt các mô tim bất thường, phát tín hiệu điện làm rối loạn nhịp tim. Phương pháp này giúp giảm trường hợp người bệnh phải phẫu thuật mở, không gây nhiều rủi ro và biến chứng.

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt nhỏ trong tâm nhĩ để ngăn ngừa tạo xung điện bất thường, khi đó chứng rung nhĩ và rối loạn nhịp tim sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật tim mở nên vẫn có nguy cơ rủi ro.

Đặt máy tạo nhịp tim

Một phương pháp khác giúp kiểm soát xung điện đó là đặt máy tạo nhịp tim, điều trị bằng kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả cho người bệnh có nhịp tim chậm. Đây là một phẫu thuật nhỏ, hạn chế nguy cơ rủi ro và có hiệu quả tốt trong hầu hết trường hợp. 

Điều trị rung nhĩ cần kết hợp với cấp cứu kịp thời và điều trị lâu dài, nhằm ngăn ngừa biến chứng suy tim, đột quỵ. Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, bệnh nhân cần phối hợp và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, cải thiện lối sống lành mạnh và dinh dưỡng đầy đủ cũng giúp trái tim của bạn khỏe mạnh hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top