Suy tim phải và suy tim trái

Suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng các cơ ở tim không hoạt động tốt để đáp ứng nhu cầu máu của cơ thể. Suy tim xảy ra khi các cơ tim quá yếu hoặc không đủ độ đàn hồi cần thiết để bơm máu đi. Khoảng 6.2 triệu người Mỹ hiện đang sống với tình trạng suy tim. Suy tim thường là một tình trạng mạn tính và tiến triển, nhưng suy tim thường sẽ phát triển rất nhanh sau khi bị nhồi máu cơ tim hoặc các tình trạng khác gây tổn thương đến tim. Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim là bệnh mạch vành (là tình trạng thu hẹp của động mạch cấp máu cho tim).

 

Dòng máu đến tim

Để hiểu được nhiều loại suy tim khác nhau, cần hiểu được cơ chế của việc cấp máu đến tim:

  • Máu đã được cơ thể sử dụng, nghèo oxy (màu xẫm) từ các tĩnh mạch trong cơ thể chảy về tim phải: tâm nhĩ phải và sau đó là đến tâm thất phải. Sau đó từ tâm thất phải máu được bơm lên phổi.
  • Máu giàu oxy từ phổi (màu đỏ) chảy về tim trái:  đến tâm thất trái, sau đó đi qua tâm nhĩ trái đến các động mạch của cơ thể để cấp máu cho các cơ quan bộ phận của cơ thể.

 

Các loại suy tim

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chia suy tim thành 3 phân loại dựa vào phần tim bị ảnh hưởng, bao gồm:

  • Suy tim trái: có 2 dạng suy tim trái chính
    • Suy tâm thu: khi tâm thất trái không thể co thắt bình thường và tim không thể đẩy đủ máu đi vào vòng tuần hoàn
    • Suy tâm trương: nghĩa là khi tâm thất trái không giãn đủ do cơ tim bị cứng, và do đó không bơm được đầy máu giữa các nhịp đập, hoặc áp lực đến tim để hoạt động là rất cao
  • Suy tim phải: tâm thất phải mất khả năng bơm máu và máu bị trả về các tĩnh mạch
  • Suy tim xung huyết

 

Sự khác nhau giữa suy tim trái và suy tim phải

Suy tim trái: suy tim trái thường sẽ phổ biến hơn suy tim phải và có thể do rối loạn chức năng tâm thất trái. Suy tim trái thường xảy ra do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc tăng huyết áp trong thời gian dài. Suy tim trái có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim phải.

Suy tim trái có thể khiến máu tích tụ trong các tĩnh mạch phổi, dẫn đến các triệu chứng về hô hấp, ví dụ như:

  • Khó thở
  • Ho, đặc biệt là khi gắng sức
  • Khó thở khi nằm xuống
  • Phải ngủ cao đầu vào ban đêm

Suy tim phải

Suy tim phải thường sẽ phát triển do suy tim trái do tích tụ máu quanh phổi khiến các buồng tim bên phải phải chịu nhiều áp lực hơn. Theo các thống kê, suy tim phải chỉ chiếm khoảng 2.2% tổng số trường hợp nhập viện về suy tim.

Suy tim phải có thể dẫn đến tích tụ máu trong các tĩnh mạch, dẫn đến tụ dịch và phù. Chân là khu vực dễ bị phù nhất, nhưng tình trạng phù cũng có thể phát triển ở bụng hoặc ở khu vực sinh dục.

Suy tim phải có thể gây ra các triệu chứng phổ biến như:

  • Tim đập nhanh
  • Khó chịu ở ngực
  • Khó thở
  • Tích tụ dịch, đặc biệt là ở phần dưới của cơ thể
  • Tăng cân

Rất nhiều vấn đề về hô hấp có thể góp phần gây ra suy tim phải, bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Thuyên tắc phổi
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD

 

Có mối liên quan giữa tình trạng suy tim trái và suy tim phải hay không?

Suy tim trái thường phổ biến hơn và suy tim phải thường là hậu quả của suy tim trái. Có khoảng 20% số ca suy tâm thất phải là suy tim thứ phát từ suy tim trái. Các yếu tố nguy cơ của cả 2 dạng suy tim bao gồm:

  • Tuổi: nguy cơ suy tim sẽ tăng dần theo tuổi
  • Dân tộc: người da đen sẽ dễ bị suy tim hơn những người thuộc các dân tộc khác. Người da đen cũng thường sẽ dễ bị suy tim ở độ tuổi trẻ hơn
  • Giới tính khi sinh: Nam giới thường sẽ dễ bị suy tim ở lứa tuổi trẻ hơn so với phụ nữ.
  • Tiền sử gia đình: bạn sẽ dễ bị suy tim hơn nếu thành viên gia định của bạn cũng được chẩn đoán bị suy tim
  • Các yếu tố về lối sống: tiêu thụ đồ uống có cồn, các chất cấm, hút thuốc lá và chế độ dinh dưỡng kém có thể làm tăng nguy cơ suy tim
  • Tình trạng bệnh lý: một số tình trạng bệnh lý, như thừa cân béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ suy tim. Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top