Hẹp niệu đạo là tình trạng lòng ống bị thu nhỏ gây cản trở việc tiểu tiện với tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đêm. Nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát hay bí tiểu hoàn toàn là những biến chứng hay gặp của hẹp niệu đạo, thậm chí khi chức năng bọng đái bị tổn thương (do điều trị không tốt, hẹp niệu đạo tái phát) dần sẽ dẫn tới suy thận.
Bệnh nhân Th.Th.Nh. (76 tuổi) từng mổ nội soi cắt tuyến tiền liệt năm 2014. Ca mổ suôn sẻ với hậu phẫu bình thường và sau đó tiểu tiện cũng bình thường. Nhưng sau mổ 6 tháng, bệnh nhân xuất hiện tiểu khó tăng dần, có tiểu gấp và đôi khi són tiểu, tiểu đêm 3 lần/đêm. Bệnh nhân đi khám và phát hiện hẹp niệu đạo tại 1/3 giữa.
Hẹp niệu đạo thường xảy ra thứ phát sau phẫu thuật lỗ tiểu thấp, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt, sau đặt ống thông niệu đạo bàng quang, sau chấn thương bộ phận sinh dục, sau viêm nhiễm... Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp hẹp niệu đạo không rõ nguyên nhân.
Đáng lưu ý, hiện nay, tỷ lệ hẹp niệu đạo ngày một cao tương ứng với số can thiệp ngoại khoa qua niệu đạo ngày một phổ biến.
Hẹp niệu đạo là một trong những thách thức lớn nhất với các phẫu thuật viên tiết niệu trên toàn thế giới bởi sự hay tái phát.
Như bệnh nhân Th.Th.Nh. kể trên, lần thứ nhất điều trị hẹp niệu đạo, bệnh nhân đã được nội soi niệu đạo xẻ rộng đoạn hẹp bằng dao lạnh và đặt sonde niệu đạo 2 tuần. Sau khi rút sonde tiểu tiện bình thường, hết tiểu khó. Nhưng đến 8/2018 lại xuất hiện tiểu khó, tiểu gấp và tiểu đêm 3-7 lần/đêm. Siêu âm cho thấy tồn dư nước tiểu, bàng quang chống đối, tuyến tiền liệt 10gr. Chụp niệu đạo ngược dòng: hẹp niệu đạo tái phát nặng tại 1/3 giữa. Bệnh nhân sau đó đã được chỉ định mổ nội soi bằng phương pháp mới là bằng Thulim Laser. Sau mổ bệnh nhân khám định kỳ, 3-6-9 tháng đều cho kết quả tốt: Hết tiểu khó, tiểu đau, không có hẹp niệu đạo tái phát, đặc biệt là hết tồn đọng nước tiểu, bàng quang trở lại bình thường.
Có rất nhiều phương pháp mổ áp dụng trong điều trị hẹp niệu đạo phụ thuộc vào độ dài đoạn hẹp, vị trí, độ sâu, tình trạng sẹo xơ, số lần tái phát...
Các phương pháp mổ mở cắt đoạn niệu đạo hẹp và nối niệu đạo, tạo hình niệu đạo, dẫn lưu niệu đạo ra tầng sinh môn... có nhiều nhược điểm là phẫu thuật phức tạp, thời gian nằm viện kéo dài với ống dẫn lưu, rỉ ướt vùng tầng sinh môn rất phiền phức cho bệnh nhân... và nhất là tỷ lệ hẹp tái phát thường rất cao.
Các phương pháp ít xâm hại đã được áp dụng tùy tình huống: nong niệu đạo đơn thuần, đặt stent niệu đạo, nội soi rạch niệu đạo hẹp bằng dao lạnh và gần đây là nội soi xẻ rộng đoạn niệu quản hẹp với các dạng laser: carbon dioxide, Nd: YAG, the KTP, the Argon và Holium Laser. Nhưng mới nhất và hiệu quả cao nhất là Thulim Laser. Thulium Laser có bước sóng dài 2,013nm cho phép xẻ nông tổ chức mềm dưới 0,4nm. Thulium Laser có những ưu điểm hơn Holium Laser với hiệu quả bốc hơi cao hơn, thực hiện nhanh hơn, cầm máu tốt hơn, ít gây tổn thương tổ chức do nhiệt độ. Do vậy, Holium Laser chủ yếu được sử dụng trong tán sỏi, ngược lại, Thulium Laser lại được ưu tiên cho việc cắt, xẻ tổ chức phần mềm.
Bệnh nhân được gây tê tủy sống và đặt ở tư thế phụ khoa. Phẫu thuật viên sẽ đặt ống soi niệu quản, quan sát rõ đoạn hẹp. Đặt guide wire qua đoạn hẹp. Sử dụng laser fiber 365 micron với công suất 15-20W. Xẻ sâu đoạn sẹo hẹp tại vùng lưng cho đến khi đạt được kích thước tương ứng với niệu đạo bình thường. Thay ống soi niệu đạo 22 Ch, đưa vượt qua đoạn hẹp vào tới bàng quang để chắc chắn rằng đoạn niệu đạo hẹp đã được xử lý tốt. Với nội soi niệu đạo có sử dụng laser, phẫu trường luôn được nhìn rất rõ ngay trong khi xẻ rộng đoạn niệu đạo hẹp, ít chảy máu và ít tạo sẹo sơ sau mổ. Cuối cùng, đặt ống thông niệu đạo bàng quang số 16-20 Ch, lưu ống thông 5-7 ngày.
Chăm sóc và theo dõi sau mổ
Nằm viện 12-24 tiếng.
Không đau, không sẹo mổ.
Rút ống thông niệu đạo bàng quang sau 5-7 ngày.
Khám lại vào tháng thứ 1-3-6-9 sau mổ với niệu động đồ, siêu âm bàng quang đo tồn đọng nước tiểu. Nếu phát hiện có hẹp tái phát cần nội soi lại sớm.
Khuyến cáo tất cả các bệnh nhân có tiểu khó, tiểu nhiều lần, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát... và đặc biệt là đã có phẫu thuật, chấn thương, viêm niệu đạo cần phải khám chuyên khoa tiết niệu để loại trừ hẹp niệu đạo. Từ nhiều ca bệnh tương tự như bệnh nhân Th.Th.Nh. cho thấy, hiện tại nội soi niệu đạo sử dụng Thulium Laser là lựa chọn số 1 trong điều trị hẹp niệu đạo.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh