Corona là một họ virus lớn, trong đó một số chủng có khả năng gây bệnh khi xâm nhiễm từ động vật sang người, số khác chỉ xâm nhiễm và tồn tại ở các loài động vật bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Đôi khi virus corona từ động vật tiến hóa để lây sang người để rồi sau đó lây từ người sang người như trường hợp Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS)
Tên "coronavirus" có nguồn gốc từ tiếng Latin corona, có nghĩa là vương miện hoặc hào quang, và đề cập đến sự xuất hiện đặc trưng của virion dưới kính hiển vi điện tử (E. M.) với một rìa lớn, tạo thành một hình ảnh như vương miện hoàng gia hoặc vành nhật hoa. Hình thái học này được tạo ra bởi các peplomers tăng đột biến của virus, là các protein cư trú trên bề mặt của virus và xác định ái vật chủ.
2019-nCoV là chủng virus Corona mới chưa từng được phát hiện ở người trước đây. Virus này được xác định là tác nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong một cuộc điều tra bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Biến chủng virus Corona là “thuật ngữ” để miêu tả biến thể của virus Corona khác biệt với các virus đồng loại của nó một cách đáng kể. Sự khác biệt này được thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng) của virus SARS-CoV-2.
TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Virus Corona có 4 nhóm (nhóm A, B, C, D) thì nhóm B có khả năng đột biến nhiều nhất. Trước đây, Coronavirus có thể gây bệnh cảm lạnh, dân gian gọi là cảm cúm, nhiều người tưởng rằng bệnh này giống như cảm cúm nhưng thực ra nó là do căn nguyên khác và có tính đột biến cao. Năm 2002, Coronavirus đã đột biến thành chủng virus gây ra đại dịch SARS với nguy cơ tử vong khá cao, từ 40-60%. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được bệnh này.
Đến năm 2019, Corona tiếp tục biến đổi thành nCoV, nó gắn kết với 85% gen corona cổ điển, 15% đột biến ra chủng mới. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán, sau đó lây lan ra khắp và trở thành đại dịch toàn cầu. Trong quá trình lây truyền giữa các quốc gia, các châu lục, giữa người với người thì virus tiếp tục đột biến, đây là sự khác biệt của SARS-CoV-2. Các chuyên gia khẳng định, việc virus liên tục biến thể là điều hoàn toàn bình thường.
Chúng ta có thể hiểu rằng, những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể” (variant). Sau khi biến đổi chúng sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể được gọi là “biến chủng” (mutant). Tức là, khi virus có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu – đó là biến chủng của virus.
Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật). Cấu tạo của virus bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipit (cồn, xà bông sát khuẩn là để đánh bay lớp vỏ này), lõi nhân là RNA hoặc DNA và đôi khi là các enzyme cần thiết cho bước đầu tiên nhân bản của virus.
Trong quá trình nhân bản, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen RNA. Virus SARS-CoV-2 có bộ gen RNA và nó cũng có những thay đổi do những sai lầm quá trình nhân bản. Những thay đổi đa phần không có ý nghĩa khi không làm thay đổi mã di truyền của virus, song, chỉ cần ít nhất một mã di truyền thay đổi đã đủ tiêu chuẩn thành biến thể.
Tuy nhiên, có những biến thể làm cho virus lây lan khó hơn hay thậm chí là chết yểu do không thoát nổi khỏi tế bào chủ được. Cần lưu ý, những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn mới là biến thể sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu. Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến các biến thể virus SARS-CoV-2 hoành hành, tiêu biểu nhất là biến thể Delta, xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lý giải nguyên nhân virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, các nhà dịch tễ cho hay, nhờ trên bề mặt có những protein gai (spike protein) giúp virus bám vào đường hô hấp. Sau khi bám, nó sẽ nhảy sang tế bào biểu mô và nhân bản, sau đó thoát ra khỏi tế bào cũ để xâm nhập vào tế bào mới và lây cho cộng đồng qua đường mũi, miệng. Nếu sự biến đổi gen làm các “xúc tu” protein gai này hút chặt hơn thì tất yếu dẫn tới lây nhiễm nhanh hơn.
Thế giới lại đang chứng kiến một làn sóng bùng phát nguy hiểm mới của COVID-19, với số ca nhiễm gia tăng kỷ lục ở nhiều khu vực. Đã có hơn 4 triệu người tử vong từ đầu dịch và con số này vẫn không ngừng tăng lên… “Biến thể Delta đang lây lan trên khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, khiến số ca mắc và tử vong tăng đột biến” – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Biến thể Delta đang chọc thủng các “tấm khiên” bảo vệ vững chắc mà nhiều quốc gia thiết lập trước đây. Các quốc gia như Việt Nam, Singapore từng kiểm soát khá tốt nhờ các “tấm khiên” như truy vết, cách ly, khoanh vùng cùng với các biện pháp phòng, chống dịch nhưng biến thể Delta khiến các nước phải thay đổi cách tiếp cận phòng dịch khi cuộc đua giữa vắc xin COVID-19 và virus biến thể đang diễn ra gay cấn.
Với một loại virus nguy hiểm chưa từng có, không ngừng biến đổi thì sẽ rất khó để tiếp cận hay mô hình chống dịch là hoàn hảo, hình mẫu. Theo nhiều chuyên gia, virus SARS-CoV-2 không biến mất mà sẽ biến đổi theo thời gian, do đó, mỗi quốc gia cần kết hợp hài hòa các biện pháp theo dõi, giãn cách và tăng tốc tiêm vắc xin để sớm ổn định cuộc sống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh