✴️ Xét nghiệm CEA - quy trình thực hiện và cách đọc kết quả

1. Ý nghĩa của xét nghiệm CEA

Kháng nguyên CEA được sản xuất trong quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, tuy nhiên sau khi sinh và trưởng thành, nồng độ này sẽ giảm xuống thấp hoặc về 0. Chỉ có những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô, CEA trong máu mới tăng bất thường.

Xét nghiệm CEA được dùng để đo hàm lượng kháng nguyên này trong máu của những bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc một số bệnh ung thư như: ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư vú, phổi hoặc buồng trứng. 

Cụ thể, xét nghiệm CEA được chỉ định trong các trường hợp sau:

1.1. Định lượng điều trị

Các bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, ung thư phổi hoặc dạ dày sẽ được chỉ định xét nghiệm CEA để định lượng trước khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được thực hiện định kỳ trong suốt thời gian điều trị và sau đó nhằm đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện di căn, tái phát.

1.2. Tầm soát ung thư

Xét nghiệm CEA cũng có thể được thực hiện để sàng lọc tầm soát ung thư ở những đối tượng nguy cơ cao, tuy nhiên nó không có giá trị chẩn đoán. Nồng độ CEA trong máu tăng không chỉ đích danh một loại ung thư nào bởi có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra như: u trực tràng, viêm loét dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, xơ gan,…

Vì thế hiện nay xét nghiệm CEA được chỉ định sử dụng nhằm cung cấp thêm thông tin chẩn đoán bệnh.

1.3. Đánh giá khối u xâm lấn hoặc di căn tới các khoang

Xét nghiệm CEA dịch cơ thể được chỉ định nhằm kiểm tra, đánh giá khối u đã xâm lấn hoặc di căn tới các khoang trong cơ thể như: khoang phúc mạc, khoang não hoặc màng phổi.

2. Quy trình xét nghiệm CEA

2.1. Chuẩn bị trước xét nghiệm

Khi được chỉ định thực hiện xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra sức khỏe và cung cấp các thông tin bệnh lý liên quan. Nếu đang hút thuốc, bạn cần dừng hút trong thời gian ngắn trước khi thực hiện xét nghiệm.

2.2. Lấy mẫu xét nghiệm

Xét nghiệm sẽ thực hiện định lượng CEA trong máu bệnh nhân, bác sĩ hoặc nhân viên kỹ thuật sẽ lấy máu tĩnh mạch giống như các xét nghiệm máu thông thường khác. Quy trình lấy mẫu như sau:

  • Quấn băng đàn hồi quanh bắp tay trên để chặn dòng máu chảy, các tĩnh mạch dưới nổi lên.
  • Khử trùng kim tiêm bằng dung dịch povidone-iodine hoặc xà phòng sát khuẩn.
  • Tìm tĩnh mạch rồi chích kim, gắn ống xylanh lấy máu.
  • Khi lấy đủ lượng máu, tháo băng cánh tay và kim ra.
  • Đặt bông gòn vào vị trí chích kim để cầm máu, sau đó dán băng lại ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Sau khi lấy máu xét nghiệm, hầu hết bệnh nhân đều không gặp vấn đề bất thường về sức khỏe nào. Kết quả xét nghiệm sẽ có sau 1 - 3 ngày làm việc, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả CEA và các thông tin lâm sàng khác để chẩn đoán bệnh.

Quy trình xét nghiệm CEA

3. Kết quả xét nghiệm CEA có ý nghĩa gì?

Kết quả định lượng CEA bất thường có thể do ung thư hoặc các nguyên nhân bệnh lý khác, cụ thể:

3.1. Kết quả xét nghiệm bình thường

Mức CEA trong máu bình thường ở khoảng: 0 - 2.5 mcg/L. Ở bệnh nhân hút thuốc, nồng độ CEA bình thường có thể cao hơn, từ 0 - 5 mcg/L.

Giá trị giới hạn bình thường này có thể khác nhau ở các phòng xét nghiệm.

3.2. Kết quả xét nghiệm bất thường

CEA cao bất thường có thể do:

Ung thư

Nhóm bệnh lý ung thư: ung thư đại tràng, ung thư phổi, tụy, ung thư tuyến giáp, ung thư vú. Ở bệnh nhân đã được điều trị ung thư trước đó, nồng độ CEA tăng cao cho thấy khả năng ung thư tái phát. 

Bệnh lý khác

Nồng độ CEA trong máu có thể tăng do một số nguyên nhân bệnh lý khác như: Xơ gan, viêm túi mật, nghiện thuốc lá, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm loét đại tràng,…

Trong chẩn đoán, theo dõi và phát hiện tái phát ung thư, chỉ số CEA có thể thay đổi theo tình trạng bệnh. Khi ung thư giai đoạn đầu, kích thước khối u còn nhỏ, xét nghiệm có thể vẫn cho kết quả bình thường hoặc hơi cao. Vì thế xét nghiệm không giúp sàng lọc phát hiện sớm ung thư. 

Tuy nhiên khi khối u đã lớn hơn, di căn sang các cơ quan khác của cơ thể, hầu hết trường hợp nồng độ CEA sẽ tăng cao. Sau điều trị, nếu CEA giảm có nghĩa là hầu hết hoặc tất cả tế bào ung thư sản xuất kháng thể này đã bị tiêu diệt, ngược lại nếu CEA vẫn tăng đều đặn nghĩa là khối u tái phát.

Vì không phải tất cả bệnh lý ung thư đều làm tăng giá trị nồng độ CEA trong máu nên bệnh nhân xét nghiệm CEA bình thường vẫn có thể mắc bệnh ung thư. Tuy xét nghiệm này còn nhiều hạn chế trong chẩn đoán, sàng lọc ung thư song xét nghiệm này vẫn được chỉ định thực hiện trong các trường hợp cần thiết.

Với ba mục tiêu xét nghiệm CEA là: Sàng lọc ung thư; Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư; Kiểm tra ung thư di căn, tái phát thì mục tiêu thứ 3 thường được sử dụng chỉ định thực hiện nhất. Với mục tiêu theo dõi hiệu quả điều trị, bác sĩ thường lựa chọn các xét nghiệm giúp đánh giá tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top