✴️ Suy tim sung huyết (CHF)

Nội dung

Suy tim sung huyết (CHF), là một bệnh diễn tiến mạn tính gây ảnh hưởng lên sức bơm máu của cơ tim.

Thường chỉ được nhắc đến với tên suy tim, nhưng suy tim sung huyết là để nói đến giai đoạn dịch bị tích tụ bên trong tim và làm cho tim bơm máu không còn được hiệu quả nữa.

Tim được chia làm 4 buồng. Nửa trên của tim bao gồm 2 tâm nhĩ và nửa dưới bao gồm 2 tâm thất.

Tâm thất bơm máu đi đến các cơ quan và mô trong cơ thể, và tâm nhĩ nhận máu được tuần hoàn lại từ các bộ phận trên cơ thể.

Suy tim sung huyết xảy ra khi các tâm thất không còn bơm đi được đủ lượng máu. Cuối cùng, máu và các loại dịch khác sẽ tích tụ dần bên trong:

  • Phổi;
  • Bụng;
  • Gan;
  • Phần dưới cơ thể.

Suy tim sung huyết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu như bạn nghi ngờ rằng bạn hoặc một người thân có suy tim sung huyết, hãy tìm đến các cơ sở y tế ngay để được điều trị sớm.

Các triệu chứng của suy tim sung huyết

Ở các giai đoạn sớm của suy tim sung huyết, hầu như không có bất kỳ triệu chứng gì. Nếu như bệnh tiếp diễn, cơ thể sẽ có một vài thay đổi.

Nếu như bạn mắc phải những triệu chứng này hay các triệu chứng còn lại, có thể bạn đang mắc suy tim nặng, hãy lập tức đến các cơ sở y tế ngay.

Các triệu chứng của suy tim ở trẻ em và trẻ sơ sinh

Rất khó để có thể nhận ra suy tim ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Chán ăn/bú;
  • Ra mồ hôi nhiều;
  • Khó thở.

Các triệu chứng trên rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng như nhiễm trùng hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Chậm lớn hay huyết áp thấp cũng có thể là các dấu hiệu của suy tim ở trẻ em.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cảm nhận được nhịp tim của trẻ khi trẻ đang ngủ bằng cách sờ lên thành ngực trẻ.

Các dấu hiệu của suy tim sung huyết

Như đã nói ở trên, các triệu chứng sớm của suy tim sung huyết có thể rất khó để nhận biết. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm để bạn có thể tìm đến trung tâm y tế nếu cần:

  • Tụ dịch ở các mô trên cơ thể như: mắt cá chân, bàn chân, chân, hay bụng;
  • Ho hay khò khè;
  • Khó thở;
  • Tăng cân khó giải thích;
  • Mệt mỏi;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Chán ăn hay buồn nôn;
  • Cảm giác chóng mặt hay xay xẩm.

Nguyên nhân của suy tim sung huyết

CHF có thể là hậu quả của những bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch. Đây là lý do mà chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm:

  • Cao huyết áp;
  • Bệnh mạch vành;
  • Bệnh van tim.

Cao huyết áp

Khi huyết áp tăng cao hơn mức bình thường thì có thể dẫn đến suy tim sung huyết.

Có nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp. Một trong những nguyên nhân chính là do sự xơ cứng thành mạch làm dẫn đến sự tăng áp suất trong lòng mạch.

Bệnh mạch vành

Mạch vành là những mạch máu nhỏ cung cấp máu nuôi tim. Cholesterol và các dạng chất béo khác có thể gây tắc nghẽn mạch vành, dẫn đến lòng mạch bị hẹp lại.

Các mạch vành bị hẹp làm gián đoạn dòng máu và có thể làm tổn thương mạch máu.

Bệnh van tim

Van tim điều hòa dòng máu đi qua tim bằng cách mở và đóng theo nhịp, cho phép máu đi vào và đi ra khỏi các buồng tim.

Khi chức năng mở và đóng của van tim bị lỗi thì các tâm thất có thể sẽ phải hoạt động nặng hơn để bơm máu, dẫn đến nhiễm trùng tim hay bệnh tim.

Các bệnh khác

Ngoài các bệnh liên quan đến tim mạch thì có một số bệnh khác không liên quan nhưng cũng có thể có khả năng gây ra suy tim sung huyết như:

  • Đái tháo đường;
  • Bệnh tuyến giáp;
  • Béo phì.

Nguyên nhân của suy tim sung huyết

Điều trị suy tim sung huyết

Tùy vào tổng trạng của bạn và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị khác nhau.

Thuốc điều trị suy tim sung huyết

Có nhiều loại thuốc được dùng trong điều trị suy tim sung huyết, bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chặn beta và một số thuốc khác.

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) làm giãn các mạch máu bị hẹp để cải thiện được dòng máu chảy. Các thuốc giãn mạch cũng có thể được sử dụng nếu như bạn không thẻ sử dụng thuốc ức chế men chuyển.

Bác sĩ có thể cho dùng các thuốc:

  • Benazepril (Lotensin);
  • Captopril (Capoten);
  • Enalapril (Vasotec);
  • Fosinopril (Monopril);
  • Lisinopril (Zestril);
  • Quinapril (Accupril);
  • Ramipril (Altace);
  • Moexipril (Univasc);
  • Perindopril (Aceon);
  • Trandolapril (Mavik).

Thuốc ức chế men chuyển không được sử dụng chung với các loại thuốc dưới đây khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ do có thể gây phản ứng bất lợi:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide: Có thể gây hạ huyết áp.
  • Lợi tiểu Kali: Có thể gây tích tụ kali trong máu, có khả năng gây rối loạn nhịp tim. Ví dụ: riamterene (Dyrenium), eplerenone (Inspra), và spironolactone (Aldactone).
  • Các thuốc kháng viêm khong steroid (NSAID): Các NSAID như ibuprofen, aspirin và naproxen có thể gây tích tụ nước và kali. Có thể làm giảm tác động của thuốc ức chế men chuyển lên huyết áp.

Đây chỉ là danh sách tóm gọn do đó nên hỏi ý kiến bác sĩ mỗi khi chuẩn bị dùng thuốc mới.

Thuốc chặn Beta

Thuốc chặn beta làm giảm lại khối lượng công việc của tim, làm hạ huyết áp và chậm lại nhịp tim nhanh.

Các thuốc có thể sử dụng:

  • Atenolol (Tenormin);
  • Bisoprolol (Zebeta);
  • Carvedilol (Coreg);
  • Esmolol (Brevibloc);
  • Metoprolol (Lopressor);
  • Nadolol (Corgard);
  • Nebivolol (Bystolic).

Thuốc chặn beta nên được dùng một cách thận trọng khi dùng chung với các thuốc sau, do chúng có thể gây ra các phản ứng không mong muốn:

  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim. Các thuốc này có thể gây tác động lên tim, bao gồm cả việc làm chậm nhịp tim. Ví dụ: amiodarone (Nexterone)
  • Các thuốc điều trị tăng huyết áp. Các thuốc này có thể gây ảnh hưởng lên tim. Ví dụ: Lisinopril (Zestril), candesartan (Atacand), và amlodipine (Norvasc).
  • Albuterol (AccuNeb). Các thuốc chặn beta có thể làm mất hiệu quả giãn phế quản của albuterol.
  • Các thuốc điều trị tâm thần. Một vài thuốc điều trị tâm thần, ví dụ như thioridazine (Mellaril), có thể gây hạ huyết áp ở một số người.
  • Fentora (Fentanyl). Thuốc này có thể gây huyết áp thấp.
  • Clonidine (Catapres). Clonidine có thể gây cao huyết áp.

Một số thuốc có thể chưa được liệt kê đầy đủ tại đây. Nên bạn hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc mới.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu làm giảm đi lượng nước trong cơ thể. CHF có thể làm cho cơ thể giữ nhiều nước hơn mức cần thiết.

Bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo dùng:

  • Lợi tiểu vòng. Loại thuốc này làm cho thận sản sinh ra nhiều nước tiểu hơn, giúp cơ thể thải được lượng dịch dư thừa. Ví dụ: Furosemide (Lasix), ethacrynic acid (Edecrin), và torsemide (Demadex).
  • Lợi tiểu tiết kiệm Kali. Loại thuốc này sẽ giúp thải được lượng dịch và natri dư thừa nhưng sẽ giữ lại kali. Ví dụ: triamterene (Dyrenium), eplerenone (Inspra), và spironolactone (Aldactone).
  • Lợi tiểu Thiazide. Loại thuốc này làm giãn các mạch máu và giúp cơ thể loại bỏ các lượng dịch thừa thải. Ví dụ: metolazone (Zaroxolyn); indapamide (Lozol), và hydrocholorothiazide (Microzide).

Các thuốc lợi tiểu nên được sử dụng một cách thận trọng khi dùng chung với một số loại thuốc vì chúng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn:

  • Thuốc ức chế men chuyển ACE. Các thuốc loại này có thể làm hạ huyết áp, bao gồm lisinopril (Zestril), benazepril (Lotensin), và captopril (Capoten)
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng. Loại thuốc này có thể gây hạ huyết áp. Ví dụ: amitriptyline và desipramine (Norpramin)
  • Anxiolytics. Đây là loại thuốc chống trầm cảm, chúng có khả năng gây hạ huyết áp. Một vài thuốc thông dụng là alprazolam (Xanax), chlordiazepoxide (Librium), và diazepa, (Valium)
  • Thuốc an thần. Một vài thuốc an thần như zolpidem (Ambien) và triazolam (Halcion) có thể gây hạ huyết áp
  • Thuốc chặn beta. Ví dụ như metoprolol (Lopressor) và carvedilol (Coreg) có khả năng gây hạ huyết áp
  • Thuốc chặn kênh Calci (CCB). Loại này có khả năng gây tuột huyết áp. Ví dụ như: amlodipine (Norvasc) và diltiazem (Cardizem)
  • Nitrate. Loại thuốc này có thể gây hạ huyết áp, ví dụ như nitroglycerin (Nitrostat) và isosorbide-dinitrade (Isordil)
  • NSAID. Loại này có thể gây nhiễm độc gan

Đây chỉ là danh sách tóm gọn với những thuốc thông dụng nhất, do đó bạn nên luôn luôn hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc mới.

Các phẫu thuật và thủ thuật

Nếu như sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả thì có thể sẽ phải cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn hơn.

Một lựa chọn có thể thực hiện là nong mạch máu, làm thông các mạch máu bị tắc nghẽn.

Bác sĩ cũng có thể sẽ thực hiện phẫu thuật sửa van tim để giúp cho van tim của bệnh nhân mở và đóng một cách hiệu quả.

Xem thêm: Những loại suy tim sung huyết thường gặp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top