✴️ Tâm phế mạn: cơ chế sinh bệnh triệu chứng và cách điều trị

Nội dung

1. Cơ chế sinh bệnh tâm phế mạn

Trước hết, chúng ta cần hiểu chính xác về bệnh tâm phế mạn, đây là một dạng bệnh lý rối loạn chức năng tim dẫn tới suy tim phải xuất phát từ bệnh lý ở phổi gây tăng áp lực động mạch phổi kéo dài. Vì thế, bệnh lý này là thứ phát sau tổn thương về cấu trúc hoặc chức năng phổi. 

Cần phân biệt tâm phế mạn với tình trạng suy tim phải thứ phát từ suy tim trái hoặc do bệnh lý về tim liên quan. Cơ chế bệnh sinh và đặc điểm tiến triển là khác nhau.

Bình thường, thất phải tim thực hiện co bóp và đưa máu vào động mạch phổi, tại đây phổi sẽ cung cấp oxy cho máu, để tuần hoàn đi nuôi khắp các mô trong cơ thể. Song trong các tổn thương hoặc bệnh lý phổi, áp lực bên trong động mạch phổi tăng lên, tim phải tạo ra một áp lực thắng áp lực động mạch phổi mới có thể đẩy máu vào được.

Vì thế sau một thời gian, người bệnh phổi liên quan dễ bị suy tim phải, hay mắc tâm phế mạn. Có nhiều bệnh lý và tổn thương ở phổi có thể khiến áp lực động mạch phổi tăng cao, phổ biến nhất là các bệnh lý sau:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Nguyên nhân này chiếm đa số các trường hợp bệnh tâm phế mạn.
  • Viêm phế quản mãn tính.
  • Tăng áp lực phổi tiên phát có thể do bệnh lý tĩnh mạch phổi hoặc yếu tố di truyền.
  • Bệnh hen suyễn kéo dài và không được kiểm soát tốt.
  • Tình trạng xơ hóa phổi.
  • Bệnh giãn phế quản, phế nang hoặc khí phế thũng.

Ngoài ra, một số bệnh lý ảnh hưởng đến hô hấp khác có thể dẫn tới tâm phế mạn như: bệnh loạn dưỡng cơ (nhất là cơ hoành, cơ liên sườn đều là các cơ hô hấp), dị dạng cột sống, bệnh lupus ban đỏ hệ thống,… Vì thế những người mắc bệnh lý nguy cơ này, nhất là bệnh lý phổi mạn tính cần theo dõi, ngăn ngừa tâm phế mạn.

2. Tiến triển và triệu chứng bệnh tâm phế mạn

Bệnh tâm phế mạn thường tiến triển từ từ với triệu chứng ban đầu không rõ ràng, dễ bỏ sót. Khi triệu chứng nặng, biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên cần theo dõi và điều trị tích cực.

2.1. Bệnh tâm phế mạn giai đoạn đầu

Ở giai đoạn khởi phát, chức năng tim đã có thể bị suy giảm một phần hoặc vẫn có khả năng hoạt động gắng sức nên triệu chứng về tim thường không rõ ràng. Bệnh nhân lúc này chủ yếu có bệnh lý tại phổi - nguyên nhân gây suy tim phải. Cụ thể, bệnh nhân sẽ gặp phải các tình trạng: ho nhiều, thở khò khè, đờm màu vàng, thường xuyên khạc đờm, có thể lẫn cả mủ trong đờm,…

Nếu điều trị tốt bệnh về phổi từ giai đoạn này, tâm phế mạn sẽ được phòng ngừa, chức năng tim vẫn được đảm bảo tốt. Song nhiều người bệnh chủ quan, nhất là khi dấu hiệu bệnh phổi không quá nghiêm trọng, dấu hiệu suy tim cũng chưa xuất hiện.

Tiến triển và triệu chứng bệnh tâm phế mạn

2.2. Triệu chứng tâm phế mạn giai đoạn suy tim phổi

Bệnh càng tiến triển nặng thì áp lực phổi càng tăng cao, triệu chứng dễ thấy nhất là cảm giác khó thở, mất sức nhanh mỗi khi đi làm, làm việc hay gắng sức. Dần dần khi áp lực quá lớn, kể cả đi bộ hay làm việc nhẹ nhàng, thậm chí nghỉ ngơi cũng có cảm giác mất sức này.

Khi tâm phế mạn nặng, dấu hiệu suy tim phải toàn thân sẽ xuất hiện, bao gồm:

  • Cảm giác đau tức, căng, nặng vùng bụng bên phải do kích thước gan đang tăng lên.
  • Đau thắt ngực.
  • Nổi tĩnh mạch cổ.
  • Phù mềm, tím, ấn lõm hai chân.
  • Xuất hiện vệt xanh tím ở đầu ngón tay và môi.
  • Chán ăn, buồn nôn, đầy bụng.
  • Hồi hộp, thường xuyên đánh trống ngực.
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
  • Rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh bất thường.

Triệu chứng tâm phế mạn kể cả khi suy tim xuất hiện đều không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe khác. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân tâm phế mạn thường tới khám bệnh viện muộn, hiệu quả và khả năng cứu chữa cũng suy giảm đáng kể.

3. Điều trị tâm phế mạn như thế nào cho hiệu quả?

Do tâm phế mạn là biến chứng thứ phát của bệnh lý khác, chủ yếu là bệnh lý phổi nên mục tiêu điều trị tập trung vào bệnh lý nguyên nhân và kiểm soát triệu chứng. Hiện nay, điều trị tâm phế mạn thường sử dụng các phương pháp sau:

3.1. Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc được dùng trong điều trị tâm phế mạn, chủ yếu kiểm soát triệu chứng suy tim, phục hồi chức năng tim và điều trị bệnh lý phổi liên quan. Có thể dùng thuốc đường uống, đường khí dung hoặc đường tiêm tĩnh mạch tùy vào tình trạng bệnh cũng như khả năng dung nạp.

Các nhóm thuốc thường dùng gồm: Thuốc giãn phế quản, Thuốc giãn mạch, Thuốc trợ tim, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, chống đông, thuốc lợi tiểu,…

3.2. Liệu pháp oxy

Bệnh tâm phế mạn gây suy tim phải chính là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng thiếu máu, mệt mỏi, sức khỏe kém. Bệnh nhân cần thở oxy tại nhà qua ống thông mũi nếu nồng độ oxy trong máu thấp, phổi không đáp ứng tốt để giảm tình trạng co mạch phổi cũng như cải thiện thiếu oxy ở các mô.

3.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị tâm phế mạn cuối cùng khi bệnh tiến triển nặng, không đáp ứng với phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên nguồn ghép nội tạng không phải lúc nào cũng sẵn, bệnh nhân có thể phải điều trị duy trì để chờ nguồn tạng hiến phù hợp.

Bên cạnh điều trị y tế, việc thực hiện chế độ nghỉ ngơi, làm việc phù hợp với sức khỏe cũng giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển bệnh tâm phế mạn hiệu quả. Khi có triệu chứng bệnh, hãy liên hệ sớm với bác sĩ để được hỗ trợ, tư vấn điều trị.

Xem thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top