✴️ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Nội dung

Bệnh nhân COPD có thể bị viêm phế quản tắc nghẽn, khí phế thũng hoặc cả hai. Số bệnh này khác nhau từ người này sang người khác. Hen suyễn là một bệnh khác gây hẹp đường thở, khiến đôi lúc khó thở, nhưng hen không được bao gồm trong định nghĩa của COPD. Một số người có cả COPD lẫn hen suyễn. Viêm phế quản mạn tính không còn được coi là một loại COPD.

Viêm phế quản tắc nghẽn là gì?

Viêm phế quản tắc nghẽn là tình trạng viêm và sưng mạn tính làm cho bên trong các ống thở (đường thở) nhỏ hơn bình thường. Sự thu hẹp này cản trở việc không khí thoát ra khỏi phổi tốt và dễ dàng.

Khí phế thũng là gì?

Phổi được tạo thành từ hơn 300 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Những túi khí này thường co giãn. Khi bạn hít vào, túi khí mở rộng như những quả bóng nhỏ. Thở ra thường là thụ động (không mất công sức) khi phế nang được đưa về trạng thái bình thường, trở lại kích thước ban đầu. Trong khí phế thũng, các vách của phế nang bị tổn thương và mất tính co giãn. Kết quả là các túi khí không đưa khí ra dễ dàng được nữa. Khí phế thũng cũng có thể góp phần thu hẹp đường thở.

Sự kết hợp của phế nang không co giãn do khí phế thũng và hẹp đường thở do cả viêm phế quản tắc nghẽn và khí phế thũng, ngăn phổi đưa khí ra ngoài một cách bình thường. Điều này khiến không khí bị mắc kẹt trong phổi. "Bẫy khí" hoặc không có khả năng thở ra hoàn toàn, dẫn đến sự giãn nở bất thường hoặc căng phình. Không khí bị mắc kẹt thường xuyên trong phổi kết hợp với việc gắng sức để thở dẫn đến khó thở.

Nguyên nhân gây COPD là gì ?

Mặc dù nguyên nhân phổ biến nhất của COPD là khói thuốc lá, có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền. Ví dụ, tiếp xúc nhiều với bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi hoặc chất đốt sinh khối) có thể góp phần gây ra COPD.

Một số người không có những phơi nhiễm này mà vẫn bị COPD. Một số nhà khoa học cho răng có thể do các yếu tố di truyền có vai trò trong việc phát triển COPD.

Làm thế nào để Bác sĩ biết một người bị COPD?

Bác sĩ chẩn đoán COPD dựa trên sự kết hợp của các triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm quan trọng để xác định một người bị COPD là hô hấp ký.

Những thay đổi của COPD cũng có thể được nhìn thấy trên X-quang ngực hoặc CT scan ngực. Khi Bác sĩ đã xác định rằng bạn bị COPD, họ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng hô hấp của bạn khi ngủ và khi vận động. Bao gồm cả việc xem xét mức độ bão hòa oxy trong máu.

COPD được điều trị như thế nào?

Điều trị COPD trước nhất và quan trọng nhất ở người hút thuốc là từ bỏ hút thuốc. Đã có thuốc và các phương pháp điều trị khác để giúp điều trị việc nghiện nicotine và giúp bỏ thuốc lá.

Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của COPD và để ngăn ngừa đợt bùng phát của các triệu chứng (được gọi là các đợt kịch phát). Các nhóm thuốc bao gồm những nhóm dùng để mở rộng đường thở (thuốc giãn phế quản), giảm sưng ở đường thở (thuốc chống viêm, như steroid) và/ hoặc điều trị nhiễm trùng (kháng sinh).

Không giống như kháng sinh, hầu hết các loại thuốc điều trị COPD nên được thực hiện mỗi ngày, thường là suốt đời. Tránh tiếp xúc với người bệnh, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc-xin cúm hàng năm và tiêm vắc-xin viêm phổi khi cần thiết.

Dinh dưỡng hợp lý và giữ gìn thể hình tốt cũng quan trọng không chỉ để giảm triệu chứng mà còn cho chất lượng cuộc sống của bạn.

Trong một số trường hợp, các phẫu thuật như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi có thể là những lựa chọn để xem xét

COPD có thể chữa trị dứt điểm hay không ?

Thuật ngữ mạn tính, trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có nghĩa là nó tồn tại trong một thời gian dài. Các triệu chứng của COPD đôi khi được cải thiện khi một người ngừng hút thuốc, dùng thuốc thường xuyên, và/ hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi.

Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ có thể hoàn toàn trở lại bình thường. Do đó, COPD là một bệnh suốt đời. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng mọi người có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống một cuộc sống trọn vẹn.

Xem thêm: COPD có thể phát hiện trên phim X-Quang không?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top