Tăng huyết áp áo choàng trắng: Nguyên nhân và cách điều trị

Nội dung

Tăng huyết áp áo choàng trắng là hội chứng mà không ít người gặp phải và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khác nhau. Điều này gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình thăm khám khiến việc chẩn đoán không được chính xác và có thể là dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp thực sự. Vậy hội chứng tăng huyết áp này có đặc điểm gì, có nguy hiểm không và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

 

1. Tăng huyết áp và tăng huyết áp áo choàng trắng là gì?

1.2 Đặc điểm của bệnh tăng huyết áp 

Tăng huyết áp là hiện tượng khi huyết áp tâm thu trên hoặc bằng 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương trên hoặc bằng 90mmHg, hoặc đồng thời cả hai chỉ số đều tăng. 

Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì, ngay cả những trường hợp huyết áp tăng rất cao. Tuy nhiên, cũng có một số người ở giai đoạn đầu tăng huyết áp sẽ có triệu chứng như: 

  • Mặt hơi đỏ hơn bình thường 
  • Đau đầu âm ỉ, chóng mặt 
  • Một số người chảy máu cam 
  • Hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt…

Một số người bệnh luôn cảm thấy hồi hộp, căng thẳng khi gặp bác sĩ hoặc những người mặc áo blouse trắng khiến huyết áp tăng cao đột ngột.

 

1.2 Tăng huyết áp áo choàng trắng là gì?

Đây là tình trạng huyết áp của bệnh nhân đột ngột tăng cao khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng. Nhưng khi về nhà thì huyết áp của bệnh nhân lại trở lại bình thường. 

Tăng huyết áp áo khi gặp bác sĩ là một hội chứng có thể gặp ở nhiều người, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mặc dù, hội chứng này làm huyết áp bệnh nhân tăng đột ngột, tuy nhiên hiện tượng này không quá nguy hiểm. Du vậy, đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo về tiền thân của bệnh lý huyết áp thực sự. Những đối tượng này, có nguy cơ sẽ bị bệnh lý về tim mạch sau này. 

2. Cách xác định cao huyết áp áo choàng trắng

Để xác định được tình trạng này, cần đo huyết áp ít nhất 2 lần, ở 2 thời điểm khác nhau, khi ở nhà và khi ở cơ sở y tế. 

Lưu ý:

  • Người bệnh không được sử dụng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia… trước khi đo huyết áp
  • Không đo huyết áp lúc đói, sau khi chạy bộ, đi bộ, lao động… 
  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại chỗ ít nhất 15 phút trước khi đo
  • Để hạn chế thay đổi huyết áp tư thế, nên chọn cùng một tư thế giữa các lần đo, ví dụ tất cả những lần đo đều ngồi hoặc đều nằm 
  • Sử dụng phương pháp đo huyết áp tự động 24h bằng máy huyết áp holter. Huyết áp sẽ được theo dõi liên tục 24 giờ, sử dụng tại nhà. Bệnh nhân sẽ không còn tâm lý khi gặp bác sĩ hay đến giờ đo huyết áp, lo lắng huyết áp tăng. 

 

3. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng? 

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, do tâm lý sợ hãi lo lắng của bệnh nhân khi gặp bác sĩ. Bệnh nhân sợ rằng khi đi khám mình sẽ phát hiện ra bệnh, sợ huyết áp tăng, sợ bác sĩ làm mình đau…

Khi bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, lo lắng, nhịp tim sẽ tăng lên, làm mạch máu co thắt lại, đồng thời áp lực của máu lên thành mạnh lớn hơn dẫn đến tăng huyết áp tức thời tại thời điểm đó. Những người tăng huyết áp khi gặp bác sĩ cũng sẽ có một số nguy cơ tiềm ẩn tăng huyết áp. Bởi vậy huyết áp mới dễ tăng lên như vậy. Một số đối tượng thường dễ mắc bệnh này gồm:

  • Những người béo phì, ít vận động, ít tập thể dục
  • Người lạm dụng chất kích thích (hút thuốc, uống rượu bia, cà phê… )
  • Người bị stress thường xuyên về công việc, gia đình
  • Chế độ ăn nhiều muối
  • Tiền sử gia đình có người bị cao huyết áp, mắc các ệnh lý tuyến giáp, suy giảm chức năng thận suy giảm, có hiện tượng ngưng thở khi ngủ… 

Đo huyết áp tại nhà huyết áp bệnh nhân ổn định.

 

4. Tăng huyết áp khi gặp bác sĩ có cần điều trị không và bằng cách nào?

4.1 Cách điều trị tăng huyết áp áo choàng trắng

Nếu huyết áp của bệnh nhân chỉ tăng huyết áp theo thời điểm thấy bác sĩ, những thời điểm khác vẫn bình thường thì việc sử dụng thuốc cần cân nhắc kỹ. Vì nếu sử dụng sai cách có thể dẫn tới hạ huyết áp.

Đối với các trường hợp tăng huyết áp này, các bác sĩ thường chưa sử dụng thuốc để điều trị, mà chỉ theo dõi thêm.

Bệnh nhân sẽ được tư vấn để tự theo dõi huyết áp tại nhà trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, để hạn chế việc tăng huyết áp tạm thời lại thành bệnh lý tim mạch thực sự, bệnh nhân cần thay đổi lối sống bằng cách: chú ý đến chế độ dinh dưỡng, hạn chế ăn mặn; tăng cường tập thể dục thể thao; thay đổi thói quen sinh hoạt; hạn chế thói quen uống rượu bia, sử dụng chất kích thích… để tăng cường sức khỏe tim mạch.

Sau khi theo dõi, nếu khẳng định là cao huyết áp thực sự, bác sĩ sẽ cân nhắc để sử dụng thuốc điều trị phù hợp.

 

Hội chứng tăng huyết áp này không quá nguy hiểm và vẫn có cách để hạn chế.

 

4.1 Mẹo giúp hạn chế hiện tượng tăng huyết áp khi gặp bác sĩ

Để hạn chế tình trạng tăng huyết áp khi gặp bác sĩ, bệnh nhân nên:

  • Làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch….
  • Áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở, giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống công việc
  • Đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ
  • Nên thăm khám cùng một bác sĩ ở một chuyên khoa, để tránh cảm giác sợ hãi khi gặp bác sĩ mới
  • Kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể để hạn chế béo phì, tiểu đường
  • Giảm cân để duy trì huyết áp của ổn định và cơ thể sẽ thoải mái hơn

Như vậy, tăng huyết áp áo choàng trắng là hội chứng do tâm lý, vì thế có thể luyện tập để thay đổi được. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu tiền thân của bệnh lý huyết áp, vì thế người bệnh cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường sức khỏe tim mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top