Tầm quan trọng của giấc ngủ cho trẻ từ 5 – 8 tuổi

Quá trình tăng trưởng ở trẻ

Tăng trưởng là một quá trình khá phức tạp có sự tham gia của một số hormon để kích thích các quá trình sinh học khác nhau diễn ra tại máu, các hệ cơ quan, cơ và xương.

Hormon tăng trưởng do tuyến yên tiết ra là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình này. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình tiết ra của hormon này bao gồm tình trạng dinh dưỡng, stress và tập luyện thể dục. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến hormon tăng trưởng chính là giấc ngủ.

Hormon tăng trưởng được giải phóng tại nhiều thời điểm trong ngày. Đối với trẻ nhỏ, thời điểm lượng nội tiết tố tăng trưởng được giải phóng nhiều nhất là ngay sau khi trẻ ngủ say.

 

Trẻ cần ngủ bao nhiêu là đủ

Trẻ độ tuổi mẫu giáo cần khoảng 10 đến 12,5 giờ ngủ mỗi đêm (thời gian ngủ trưa sẽ giảm dần và thậm chí không còn khi trẻ lên 5 tuổi), trẻ tiểu học cần ngủ từ 9,5 đến 11,5 giờ/đêm. Tuy nhiên, ngủ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng cá nhân, có những trẻ cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn một chút so với những trẻ cùng độ tuổi.

Nếu không được ngủ đầy đủ có thể dẫn tới các vấn đề ảnh hưởng đến tăng trưởng như chậm lớn hay còi cọc. Quá trình tiết hormon tăng trưởng có thể bị gián đoạn ở những trẻ gặp phải một số rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngủ không đủ giấc còn gây một số hậu quả nghiêm trọng khác bên cạnh sự ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ. Một số trẻ không thể tự sản xuất được đủ lượng hormon tăng trưởng, và tình trạng thiếu ngủ còn khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Nó có thể dẫn tới hội chứng thiếu hụt hormon tăng trưởng làm suy yếu chức năng của tim, phổi và hệ thống miễn dịch (tuy nhiên có thể điều trị được bằng liệu pháp bổ sung hormon).

Trẻ thiếu ngủ còn xuất hiện những thay đổi về lượng hormon lưu thông trong cơ thể. Ví dụ như các hormon điều hòa cảm giác đói và thèm ăn có thể bị ảnh hưởng khiến cho trẻ ăn nhiều hơn và luôn muốn ăn những loại tinh bột có calo cao.

Ngủ không đủ giấc còn ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa thức ăn của cơ thể, làm tăng hiện tượng đề kháng insulin và gây nguy cơ mắc tiểu đường typ 2.

Thiếu ngủ ban đêm cũng gây ảnh hưởng đến kỹ năng vận động và khả năng tập trung vào ban ngày, dẫn đến những vấn đề về hành vi và ảnh hưởng đến kết quả học tập tại trường.

 

Đảm bảo một giấc ngủ ngon vào ban đêm

Trẻ em cần ngủ nhiều hơn những gì cha mẹ nghĩ. Các dấu hiệu cho thấy trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ bao gồm cáu kỉnh và thờ ơ vào ban ngày, khó tập trung khi học ở trường và điểm kém, khó khăn khi dậy vào buổi sáng.

Những cách sau đây có thể giúp trẻ có được một giấc ngủ ngon và ngủ đủ giấc:

  • Thiết lập một thời gian biểu chặt chẽ đối với giờ đi ngủ ở trẻ. Trẻ ở độ tuổi đi học nên đi ngủ vào khoảng 8 – 9 giờ tối (trẻ nhỏ hơn có thể đi ngủ sớm hơn).
  • Tập những thói quen tốt vào giờ đi ngủ để giúp cơ thể trẻ làm quen với những dấu hiệu báo trước rằng đã đến lúc cơ thể được thư giãn như: tắm hoặc ăn nhẹ trước khi ngủ, đọc một câu truyện hay trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ trước khi trẻ chìm vào giấc ngủ.
  • Đảm bảo căn phòng thật yên tĩnh và tắt hết nguồn sáng trong lúc trẻ ngủ.
  • Không nên lắp đặt tivi hay máy tính trong phòng trẻ.
  • Tránh các hoạt động mạnh trước giờ đi ngủ.
  • Đảm bảo trẻ thực hiện cùng một thời khóa biểu và tập tành những thói quen trước giờ đi ngủ vào những ngày cuối tuần và cả kỳ nghỉ lễ tương tự như những ngày trong tuần. Sự thay đổi thói quen đi ngủ chỉ một vài lần tuy không ảnh hưởng lâu dài đến giấc ngủ nhưng giờ đi ngủ thất thường có dần dần có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ ở trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top