Giai đoạn nào thì não của bé sẽ phát triển vượt trội?

Khoảng thời gian 6-12 tháng tuổi là một cuộc hành trình bận rộn đối với bé. Đó là giai đoạn ghi dấu nhiều cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ như chiếc răng, tiếng gọi mẹ đầu tiên, những bước đi đầu đời…

Dưới đây là những ‘điểm vàng’ phát triển trong giai đoạn bé 6-12 tháng tuổi:

Giai đoạn 7-9 tháng tuổi

Từ tháng tuổi thứ 7, năng lực trí não và khả năng tư duy của bé sẽ phát triển. Nếu bạn giấu đồ chơi của bé, bé đã có thể hiểu được rằng món đồ chơi đó vẫn tồn tại dù bé không nhìn thấy và sẽ cố gắng đi tìm nó. Cha mẹ hãy tạo nhiều tình huống hơn khi chơi với bé để giúp bé dần làm quen với phán đoán và tư duy ở thời điểm này. Bé cũng trở nên tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh hơn.

Lúc này, bé đang học cách hoạt động của thế giới xung quang bằng cách bắt chước nó. Bé bắt chước cách bạn nói bằng ngữ điệu, có thể làm theo một số động tác đơn giản của mẹ như: Vỗ tay, vỗ lên bàn hoặc đập nước văng tung tóe khi bé tắm…

Bé cũng bắt đầu biết bộc lộ cảm xúc rõ ràng qua nét mặt, miệng và mắt, thể hiện rất rõ niềm vui hay sự khó chịu. Bé thích được giao tiếp với những người thân yêu, hiểu được một số câu lệnh đơn giản và quen thuộc của mẹ và đặc biệt là biết phản ứng khi có ai đó gọi tên mình.

 

Giai đoạn 10-12 tháng tuổi

Trong những tháng này, bé có thể sẽ bỗng nhiên bám riết lấy mẹ, đơn giản vì, trí thông minh đã ‘mách lẻo’ cho bé rằng: ‘Mẹ là số 1’, mẹ có nghĩa là che chở, thoải mái, thư giãn, an toàn… nhất đối với bé. Các vận động thô của bé cũng đã hoàn chỉnh và linh hoạt hơn rất nhiều. Bé biết chỉ tay vào đồ vật mà bé muốn hay món đồ mà người khác hỏi, biết vẫy tay chào, hoan hô lúc tỏ ra thích chí… Bé hiểu nhiều hơn những gì bạn nói với bé.

Bé có thể làm theo được những hướng dẫn đơn giản và hiểu một vài giải thích của mọi người về công việc hằng ngày. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu bập bẹ học nói và nói được một số từ đơn giản như: Mama, măm măm, ba, bà, ạ… Cha mẹ hãy luôn luôn nói từ chuẩn, giọng chuẩn với bé (không ‘bóp méo’ từ ngữ bằng giọng điệu cưng nựng, âu yếm). Những bài thơ, câu chuyện có vần điệu đơn giản, nhiều từ láy… là một trong số những biện pháp giúp ba mẹ cùng bé phát triển ngôn ngữ.

Khi tròn một tuổi, não bé đã đạt khoảng 75% trọng lượng não người trưởng thành, đây cũng là giai đoạn tăng trưởng tột đỉnh của các tế bào thần kinh. Vì thế, để não bé có thể phát triển tối ưu ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện trực tiếp với bé, gắn bó yêu thương và tạo cho bé nhiều hoạt động vui đùa để học hỏi, khám phá. Khoa học đã chứng minh DHA/ARA là dưỡng chất tối ưu cho sự phát triển trí não. Đây chính là nền tảng giúp cho sự phát triển tư duy, nhận thức của trẻ đạt hiệu quả. Ba mẹ nên quan tâm và tìm hiểu các thông tin khoa học để nuôi dưỡng bé tốt trong suốt năm đầu đời.

Tổ chức FAO/WHO đã khuyến nghị bổ sung hàm lựơng DHA/ARA cho trẻ giai đoạn này là 17mg DHA trên 100kcal và 34mg ARA trên 100kcal. Kết quả của các chương trình thử nghiệm lâm sàng cho thấy DHA giúp bé phát huy sức mạnh trí não bằng việc tác động tích cực đến cả 3 yếu tố của quá trình nhận thức: Tăng khả năng tập trung chú ý, ghi nhớ và xử lý tình huống. Đây là những kết luận có được từ hàng loạt nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên nhóm trẻ được hấp thụ đúng hàm lượng DHA và nhóm trẻ đối chứng.

Trẻ được hấp thụ đúng hàm lượng DHA sẽ phát triển thị lực tốt hơn (nghiên cứu Morale 2005); chỉ số phát triển trí tuệ tốt hơn (nghiên cứu Birch 2000), chỉ số ngôn ngữ vượt trội hơn (nghiên cứu Birch 2007); khả năng xử lý tình huống tốt hiệu quả hơn (nghiên cứu Drover 2009).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top