Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một dạng của tăng huyết áp. Thường được các chuyên gia chẩn đoán nếu huyết áp tâm thu lớn hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 90mmHg.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc thường gặp nhất ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hơn.
Bệnh thường không có triệu chứng nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Bài viết này thảo luận về định nghĩa tăng huyết áp tâm thu đơn độc, các triệu chứng, nguyên nhân cũng như là phương pháp điều trị.
Khi máu tuần hoàn đi khắp cơ thể, nó tạo một áp lực lên thành động mạch, còn được gọi là huyết áp.
Như một phần của việc kiểm tra sức khỏe, bác sĩ thường sẽ kiểm tra huyết áp của bạn. Kết quả đo huyết áp cung cấp hai số được gọi là tâm thu – là số ở trên hoặc số đầu tiên và tâm trương – là số ở dưới hoặc số thứ hai.
Bạn bị tăng huyết áp khi những số này vượt trên ngưỡng bình thường. Tăng huyết áp tâm thu đơn độc xảy ra khi chỉ số tâm thu cao hơn ngưỡng chẩn đoán bệnh lí.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một nguyên nhân đáng lo ngại và bạn cần phải điều trị. Theo thời gian, tăng huyết áp tâm thu không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng.
Một bài báo năm 2021 lưu ý rằng tăng huyết áp tâm thu thường xảy ra ở người lớn tuổi. Khoảng 30% người trên 60 tuổi mắc chứng tăng huyết áp này.
Những người trẻ tuổi hơn có khả năng bị tăng huyết áp thấp hơn đáng kể. Khoảng 6% những người thuộc độ tuổi từ 40-50 và 1,8% người trong độ tuổi 18-39 mắc phải tình trạng này.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2016, những người trẻ tuổi bị tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp tâm thu có nguy cơ cao mắc các bệnh tim hoặc tử vong.
Tăng huyết áp, bao gồm tăng huyết áp tâm thu đơn độc, không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào dễ nhận thấy trong hầu hết các trường hợp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cách duy nhất để biết liệu bạn có bị tăng huyết áp không là đo huyết áp.
Tuy nhiên, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của tình trạng bệnh lý có thể gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc, bao gồm:
Đổ mồ hôi;
Cơ bị yếu;
Da mỏng;
Ngáy to;
Trầm cảm;
Rung giật.
Nếu tăng huyết áp tâm thu đơn độc đã dẫn đến tổn thương nội tạng ở giai đoạn cuối, bạn có thể gặp phải:
Buồn nôn;
Khó thở;
Đau đầu;
Lú lẫn;
Vấn đề về thị giác.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có những nguyên nhân cơ bản giống với tăng huyết áp thông thường.
Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể là:
Chế độ ăn chứa nhiều muối, các thực phẩm chế biến sẵn và chứa hàm lượng kali thấp;
Hút thuốc;
Không hoạt động thể chất;
Béo phì;
Uống quá nhiều rượu bia;
Di truyền;
Tiền sử gia đình mắc các bệnh, như cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim hoặc thận.
Bạn cũng có thể bị cao huyết áp khi già đi. Ngoài ra, những người da màu có khả năng bị tăng huyết áp cao hơn.
Trong những trường hợp hiếm gặp. bệnh có thể xảy ra do các bệnh lý khác, chẳng hạn như:
Bệnh thận mãn tính;
Đái tháo đường;
Thiếu máu;
Bệnh Paget của xương;
Hẹp động mạch thận, là sự thu hẹp của các động mạch cung cấp máu đến thận;
Suy động mạch chủ, là một bệnh ảnh hưởng đến van tim;
Suy giáp;
Cường giáp;
Bệnh mạch máu ngoại vi, hạn chế lưu lượng máu do động mạch bị thu hẹp hay tắc nghẽn;
Lỗ thông động tĩnh mạch; là khi có sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch.
Vào năm 2017, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã thay đổi phân loại tăng huyết áp tâm thu đơn độc từ bất kỳ trị số nào trên 140mmHg thành bất kỳ trị số đo nào trên 130mmHg.
Nếu một số đo đơn lẻ trên 130mmHg thì không nhất thiết phải quá lo lắng. Theo CDC, bác sĩ có thể chẩn đoán cao huyết áp nếu huyết áp tâm thu của bạn luôn trên 130mmHg.
Tuy nhiên, một số bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn ban đầu là 140mmHg cho huyết áp tâm thu để chẩn đoán tăng huyết áp. Trong những trường hợp đó, bác sĩ vẫn có thể khuyên bạn nên thực hiện các bước giúp giảm huyết áp, ngay cả khi không thể chẩn đoán tình trạng bệnh.
Điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc bao gồm sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc can thiệp.
Theo AHA, các bước quan trọng nhất bạn có thể thực hiện để điều trị hoặc ngăn ngừa cao huyết áp là:
Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia ở mức không quá một ly mỗi ngày đối với nữ và hail y mỗi ngày đối với nam;
Hạn chế lượng natri ăn vào dưới 1,5gam mỗi ngày;
Tập thể dục thường xuyên;
Đo huyết áp thường xuyên;
Kiểm soát căng thẳng;
Bỏ hút thuốc;
Đạt được và duy trì cân nặng trung bình.
Bạn cũng có thể tìm thấy lợi ích khi theo chế độ ăn DASH giúp giảm huyết áp.
Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như:
Thuốc lợi tiểu;
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE);
Thuốc chặn thụ thể angiotensin;
Thuốc chặn kênh canxi.
Trong vong 8-10 năm, 30% những người bị tăng huyết áp mức độ từ nhẹ đến trung bình có nguy cơ cao mắc bệnh xơ vữa động mạch, đó là khi các mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch. Tổn thương nội tạng có thể xảy ra ở 50% người mắc bệnh.
Nếu không điều trị, tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể dẫn đến:
Suy tim;
Đau tim;
Đột quỵ;
Chứng phình động mạch;
Bệnh thận mãn tính;
Rối loạn cương dương;
Các vấn đề về thị lực, như bệnh võng mạc.
Bạn có thể khó nhận biết mình bị tăng huyết áo tâm thu vì bệnh thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ có thể chẩn đoán tăng huyết áp tâm thu đơn độc dựa trên một vài kết quả đo huyết áp trong một vài lần đến khám.
Người đang điều trị bệnh cao huyết áp hoặc người có nguy cơ bị cao huyết áp nên cân nhắc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu các phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc huyết áp của bạn bắt đầu tăng.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một dạng tăng huyết áo. Mặc dù bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi những vẫn có thể gặp ở những người trẻ hơn và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc tử vong ở người trẻ. Các triệu chứng thường không xuất hiện.
Điều trị thông thường bao gồm theo dõi huyết áp, dùng thuốc và thay đổi lối sống. Bạn nên đi khám để được tư vấn với bác sĩ nếu các bước điều trị không hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh