Thuốc lá điện tử đến từ đâu?

Thuốc lá điện tử là gì? Nó chứa gì bên trong?

Và đó thật ra cũng chỉ là 1 trong số rất nhiều điều "bí ẩn" nằm bên trong thiết bị được cho là "không độc" như thuốc lá truyền thống này. Vậy còn gì nữa? Bên dưới đây là những gì mà các nhà khoa học đã biết được về thiết bị đầy bí ẩn này.

Thuốc lá điện tử đến từ đâu?

Hồi năm 1963, một người Mỹ mang tên Herbert A. Gilbert đã được cấp bằng sáng chế cho "thuốc lá không khói, không sử dụng cây thuốc lá". Tuy nhiên, thuốc lá điện tử mà người ta sử dụng ngày nay được phát phát minh bởi một dược sĩ người Trung Quốc tên là Hon Lik.

Hon cho biết xuất phát từ thói quen hút thuốc của chính bản thân ông và cái chết do ung thư phổi của cha ông, Hon đã phát triển và được cấp bằng phát minh chiếc thuốc lá điện tử đầu tiên vào năm 2003. Và khi đó công ty của ông bắt đầu giới thiệu nó tại thị trường Trung Quốc, vài năm tiếp theo là các nước khác trên thế giới.

 

Nó hoạt động như thế nào?

Một viên pin lithium nhỏ được tích hợp bên trong một mô đun có thể tùy biến (còn gọi là mod), sẽ cung cấp năng lượng cho một bộ vòi phun. Thành phần này sẽ làm nóng dung dinh mà người ta gọi là "tinh dầu" (thường là nicotin hòa tan trong propylene glycol, có thêm hương liệu và chất tạo màu).

Dung dịch này khi nóng lên sẽ biến thành hơi, sau đó người hút hút vào và thở ra như hút thuốc lá thật. Người bán thường gọi dung dịch này là "tinh dầu" hoặc "juices" bởi nó có nhiều hương vị trái cây khác nhau, nồng độ nicotine trong đó từ 0mg tới 26mg.

Nó tốt đối với cơ thể hơn so với thuốc lá truyền thống? Chưa có ai xác định điều này

Thuốc lá điện tử không có động tác "đốt" như thuốc lá truyền thống, do đó cũng không có sự cháy, do đó nhiều người tin rằng nó không độc như thuốc lá điếu. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu được tiến hành trên lượng nicotine hấp thụ khi sử dụng thuốc lá điện tử. Theo nhà thần kinh học phân tử Crystal Dilworth tại Đại học California, Mỹ thì có thể thuốc lá điện tử chứa ít chất gây ung thư hơn thuốc lá truyền thống, nhưng nó vẫn chứa nicotine và do đó vẫn gây nghiện, và có thể chứa một số chất độc hại khác đi kè theo hơi khói.

Giáo sư Suzaynn Schick tại UC San Francisco cũng đồng ý với quan điểm về lượng nicotine trong thuốc lá điện tử. Bà đã tiến hành một nghiên cứu về lượng nicotine trong "tinh dầu" và quá trình nó chuyển thành hơi khói do người hút hút vào, đồng thời xem xét ảnh hưởng của nó tới những người không hút. Bà cho biết: "Tôi phát hiện rằng khi bạn thải nicotine ra phòng, nó sẽ phản ứng với các loại khí thông thường trong không khí và có thể hình thành nên chất gây ung thư".

Vậy ngoài nicotine ra, chúng ta vẫn còn nhiều mối quan tâm về những chất chứa trong cái mà người bán gọi là "tinh dầu". Và thật ra, các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu về các hóa chất khác có chứa trong đó.

 

Ngoài nicotine, "tinh dầu" thuốc lá điện tử còn chứa những gì?

Cho tới hiện tại, thuốc lá điện tử và "tinh dầu" vẫn được lưu hành ở nhiều nước mà không được kiểm soát. Người ta gần như không thể biết toàn bộ những thứ bên trong tinh dầu thuốc lá, nguyên nhân là có rất nhiều chủng loại, nhiều xuất xứ và có cả những người chơi pha trộn nhiều loại lại với nhau. Tại Tây Ban Nha và Xứ Wales, chính quyền đã cấm hút thuốc lá điện tử tại một số khu vực công cộng. Chính phủ Pháp cũng đang xem xét điều này. Trong khi đó, cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) dự kiến sẽ giới hạn việc bán, tiếp thị và hút thuốc lá điện tử ở nơi công cộng.

Có thể, thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu. Vậy an toàn hơn bao nhiêu? Vẫn còn quá nhiều màn sương che mờ vấn đề. Và bên dưới đây là những gì mà các nhà khoa học đã biết có chứa trong tinh dầu thuốc lá điện tử.

Nước

Nhiều loại "tinh dầu thuốc lá" có chứa nước (H2O). Lượng nước này sẽ được làm nóng lên bằng một cuộn dây kim loại, hóa thành các hạt nước nhỏ hơn lẫn trong khói để người hút hút vào.

Propylene Glycol

Một loại cồn (alcohol) không màu, không mùi, không vị, thường được dùng làm chất chống đông, giảm nhiệt độ đóng băng của nước. Đây thường được xem là một loại chất an toàn trong sử dụng trong thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm. Nó cũng thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu,... Tuy nhiên, nó có thể gây kích ứng phổi và mắt, có thể gây hại cho những người bị bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, nghẽn khí kinh niên,...

Glycerin

Một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Tương tự như Propylene Glycol, FDA xem đây là một loại hóa chất an toàn, có thể dùng trong thực phẩm, thuốc. Tuy nhiên, theo tiến sĩ dược khoa Maciej Goniewicz, người chuyên nghiên cứu về thuốc lá và thuốc điện tử tại Viện ung thư Roswell Park thì mặc dù Propylene Glycol và Glycerin đều được coi là an toàn, nhưng chúng ta vẫn chưa biết được điều gì sẽ xảy ra nếu người ta hút một lượng lớn các loại hóa chất này trong thời gian dài. Đây vẫn là điều còn chưa biết được.

Chất tạo mùi

Hiện đang có hàng trăm loại mùi "tinh dầu" thuốc lá khác nhau, bao gồm những loại nghe tên có vẻ rất "thiên nhiên" như cherry, táo, cam hoặc "ngọt ngào" như bánh kem, chocolate,... hoặc thậm chí là mùi thuốc lá thật. Tiến sĩ Goniewicz cho biết: "Nhiều loại hóa chất tạo mùi này cũng được sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề chưa xác định được là khi chúng ta ăn chúng, chúng ta có thể vẫn an toàn, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu hít chúng"?

Mặt khác, các hãng sản xuất cũng không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là "bí mật thương mại". Tuy nhiên theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard mới đây thì 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Khi làm nóng và bay hơi: Formaldehyde, Acrolein, Acetaldehyde

Một số hóa chất độc lại được hình thành khi làm nóng "tinh dầu", chuyển thành dạng hơi và lẫn vào trong khói mà người hút hít vào. Theo giáo sư Benowitz tại Đại học Dược California, một trong số những loại chất này có thể kích ứng, gây viêm mạch máu,... thuốc lá thường cũng có sự xuất hiện của các loại chất này nhưng với nồng độ cao hơn nhiều. Các loại hóa chất thường thấy khi đốt tinh dầu thuốc lá điện tử bao gồm:

Formaldehyde: một chất có thể gây ung thư

Acetaldehyde: một chất cũng có thể gây ung thư

Acrolein: hình thành trong quá trình nung nóng glycerin, có thể gây tổn thương phổi, góp phần tạo nên bệnh tim mạch ở những người hút thuốc.

Nồng độ cả 3 chất này đều tăng tỷ lệ thuận với nhiệt độ của tinh dầu khi nung nóng. Và theo giáo sư Benowitz, người dùng thường bị cám dỗ bởi nhiệt độ do họ muốn có nhiều nicotine hơn để phê hơn, họ sẽ cần tăng điện áp của pin lên, tăng nhiệt độ lên để đốt được nhiều hơn. Mặt khác, chính các hương liệu sẽ che dấu mùi thật sự Formaldehyde tạo ra trong lúc hút.

Các hạt nhỏ và kim loại

Trong thuốc lá điện tử cũng có thể chứa các hạt bụi nhỏ (Particulates). Thuốc lá truyền thống cũng có chứa các hạt bụi nhỏ này và đã có trường hợp có thể gây hại cho người hút gây ra các tổn thương mạch máu, viêm, các hiệu ứng thần kinh,... Mật độ các hạt bụi trong thuốc lá điện tử là tương tự như thuốc lá thật nhưng cho tới nay, chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ an toàn/nguy hiểm của việc hút các hạt bụi do thuốc lá điện tử tạo ra.

Các loại kim loại độc như thiếc, nickel, catmi, chì và thủy ngân cũng có thể xuất hiện trong hơi khói của thuốc lá điện tử.

 

Vậy cuối cùng thuốc lá điện tử có độc không?

Theo giáo sư Benowitz: "thuốc lá điện tử đều có liên quan tới việc hút thuốc thường. Dựa trên những gì chúng ta biết được tính tới hiện tại thì nó ít nguy hiểm hơn thuốc thường". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng hiện vẫn còn quá ít nghiên cứu về tác động của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của người hút và người không hút.

Cuối cùng, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng: "Đây không phải là một sản phẩm dành cho những người không hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử nó. Không có lý do nào để thử thuốc lá điện tử bởi nó có chứa nicotine và cũng sẽ gây nghiện. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm sẽ giúp bạn cai được thuốc lá".

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top