Trong những nỗ lực không ngừng của cuộc chiến chống lại bệnh lý Tim mạch, chúng ta đã có nhiều chiến lược, chính sách trong việc phòng và chống các bệnh lý này, đặc biệt là với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống Tăng huyết áp có nhiều hoạt động như: truyền thông giáo dục sức khỏe, cổ vũ cho lối sống lành mạnh, đào tạo nguồn nhân lực y tế, quản lý tăng huyết áp tại cộng đồng và đồng thời nhiều tiến bộ kỹ thuật trên thế giới đã và đang được áp dụng để điều trị các bệnh lý tim mạch, mang lại cho bệnh nhân cuộc sống với chất lượng cao hơn và tuổi thọ dài hơn.
Bệnh lý Tim mạch đã và đang là bệnh thường gặp nhất ở các nước phát triển cũng như đang phát triển, là một trong những nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao. Đặc biệt là tăng huyết áp với khoảng 17,5 triệu người tử vong mỗi năm vì các biến chứng của bệnh trên Thế giới. Hơn thế nữa, bệnh lý tim mạch có nhiều biến chứng nặng nề không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mà còn là gánh nặng cho xã hội và gia đình, chi phí cho chăm sóc và điều trị cũng rất tốn kém. Trong những nỗ lực không ngừng của cuộc chiến chống lại bệnh lý Tim mạch, chúng ta đã có nhiều chiến lược, chính sách trong việc phòng và chống các bệnh lý này, đặc biệt là với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống Tăng huyết áp có nhiều hoạt động như: truyền thông giáo dục sức khỏe, cổ vũ cho lối sống lành mạnh, đào tạo nguồn nhân lực y tế, quản lý tăng huyết áp tại cộng đồng và đồng thời nhiều tiến bộ kỹ thuật trên thế giới đã và đang được áp dụng để điều trị các bệnh lý tim mạch, mang lại cho bệnh nhân cuộc sống với chất lượng cao hơn và tuổi thọ dài hơn.
Một số tiến bộ trong điều trị các bệnh tim mạch.
Nhiều tiến bộ trong điều trị các bệnh tim mạch trong những năm gần đây đã làm thay đổi hẳn quan điểm và tiên lượng trong điều trị bệnh tim mạch. Trong số đó phải kể đến vai trò nổi bật của ngành Tim mạch học can thiệp, đã giải quyết được khá nhiều bệnh lý tim mạch mà trước đây hoặc phải mổ hoặc bó tay.
Tiến bộ trong điều trị bệnh động mạch vành.
Có lẽ đây là bệnh lý khá phổ biến nên cũng có nhiều tiến bộ nhất.
Can thiệp động mạch vành qua da (nong và/hoặc đặt Stent) ĐMV có thể không còn là vấn đề mới mẻ nữa vì chúng đã được thực hiện một cách thường quy và góp phần cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh cũng như phát triển một ngành mới trong tim mạch. Kể từ khi Gruntzig (1978) lần đầu tiên nong ĐMV qua đường ống thông luồn từ ĐM đùi, cho đến nay, phương pháp này đã trở thành một trong những phương pháp hàng đầu trong điều trị bệnh ĐMV. Tuy nhiên, cùng với thời gian đã có nhiều tiến bộ, cải tiến đáng kể trong việc can thiệp động mạch vành với những thiết bị ngày một hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.
Một số thách thức khác trong can thiệp ĐMV như huyết khối, tổn thương cứng, vôi hóa, tổn thương lỗ vào ĐMV đã có những tiến bộ kỹ thuật giải quyết:
Việc dùng thiết bị làm loãng và hút cục máu đông trong lòng ĐMV giúp làm thông thoáng lòng ĐMV, đặc biệt trong trường hợp NMCT cấp có nhiều huyết khối vì các biện pháp nong hoặc đặt Stent thông thường tỏ ra bế tắc. Đối với những tổn thương ĐMV cứng và vôi hóa có thể dùng thiết bị khoan phá mảng xơ vữa (rotablator) để làm rộng lòng mạch. Thiết bị này được quay với vận tốc rất lớn (200 000 vòng/phút) làm mảng xơ vữa bị bào thành những vi mảnh trôi theo dòng máu. Thiết bị cắt gọt mảng xơ vữa và gom lại để đưa ra ngoài, được dùng cho những trường hợp hẹp ở lỗ vào ĐMV hoặc mảng vữa xơ quá lớn cần lấy ra.
Riêng trong lĩnh vực làm mổ cầu nối ĐMV cũng có rất nhiều tiến bộ. Việc phát minh cách mổ với tim vẫn đập làm giảm thời gian hậu phẫu, tránh biến chứng liên quan việc chạy máy tim phổi nhân tạo và kẹp động mạch chủ. Bên cạnh đó, mổ với kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (mini invasive) và mổ bằng robot là những hướng mới có nhiều hứa hẹn trong phẫu thuật ĐMV.
Tiến bộ trong điều trị các bệnh van tim
Những tiến bộ nổi bật nhất phải kể đến trong bệnh lý van tim là những kỹ thuật can thiệp qua da.
Nong van hai lá bằng bóng Inoue qua da đã trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân bị hẹp van hai lá. Bằng quả bóng đặc biệt luồn từ tĩnh mạch đùi phải lên nhĩ phải xuyên qua vách liên nhĩ để sang nhĩ trái và thất trái đã giúp nong tách rộng hai mép van bị hẹp ở bệnh nhân HHL khít do thấp. Tại Việt nam, kỹ thuật này đã được áp dụng khá rộng rãi với hàng nghìn bệnh nhân với kết quả thu được rất tốt.
Thay van động mạch chủ và động mạch phổi qua da theo đường ống thông từ đường mạch máu lớn ở đùi đưa lên đang là vấn đề khá thời sự hiện nay. Đây là một hướng điều trị rất khả quan trong tương lai cho bệnh nhân bị bệnh van tim mà không cần phải mổ.
Sửa van hai lá qua đường ống thông cũng đang được thử nghiệm. Qua ống thông đưa thiết bị lên để kẹp hai mép van trong trường hợp hở van hai lá nhiều.
Tiến bộ trong điều trị một số bệnh tim bẩm sinh.
Bệnh tim bẩm sinh vẫn rất thường gặp trong đời sống xã hội, tỷ lệ mắc trung bình bệnh tim bẩm sinh các thể (theo thống kê ở nước ngoài) khoảng 0,4% số trẻ sinh ra. Chúng ta chưa có những thống kê chính thức, nhưng ước tính có thể còn lớn hơn số trên (do điều kiện kinh tế, xã hội, chiến tranh và các chất độc ô nhiễm...). Bệnh thường để lại một gánh nặng cả về thể chất, tinh thần cho không những bệnh nhân, gia đình và cả xã hội. Tuy vậy, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, rất nhiều bệnh tim bẩm sinh đã được phát hiện kịp thời và được chữa trị một cách rất hiệu quả, trong nhiều trường hợp có thể khỏi hoàn toàn.
Đóng thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch bằng dụng cụ qua đường ống thông: Đây là một loại thiết bị đặc biệt bằng lưới kim loại Nitinol nhớ hình, có hình dáng hai dù áp vào nhau và nối với nhau bởi một eo. Phương pháp này giúp tránh được cuộc mổ trên tim hở mà vẫn cho kết quả tương tự như nhiều nghiên cứu trên thế giới và ngay tại Viện Tim mạch Việt nam đã chứng minh.
Một số bệnh lý bẩm sinh khác cũng có thể được điều trị qua đường ống thông khá hiệu quả như: nong van động mạch phổi bị hẹp qua da, nong van động mạch chủ bị hẹp qua da, nong hẹp eo động mạch chủ, đóng một số lỗ dò bất thường của động mạch vành hoặc các động mạch khác cúng theo đường ống thông mà không cần phải mổ...
Đối với bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, trước đây thường phải mổ khoét vách liên thất với nhiều biến chứng phức tạp. Nay có thể làm mỏng vách liên thất bằng cách tiêm cồn vào nhánh động mạch vành nuôi vách liên thất một cách chọn lọc qua đường ống thông. Phương pháp này rất ít xâm lấn hơn mổ và cho kết quả rất khả quan.
Một số tiến bộ trong điều trị rối loạn nhịp.
Trong thực hành bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim có lẽ là vấn đề phức tạp nhất. Ngày nay, những tiến bộ không ngừng của KHKT đã cho phép điều trị được triệt để một số loạn nhịp tim như: tim nhanh trên thất, có cầu nối bất thường (WPW); tim nhanh thất... và đặc biệt hiện nay đang chú trọng điều trị rung nhĩ.
Thăm dò điện sinh lý học trong buồng tim qua đường ống thông cho phép xác định bản chất của rối loạn nhịp cũng như có thể định vị được những cầu nối bất thường và những ổ ngoại vị để từ đó quyết định việc điều trị triệt để bệnh.
Phương pháp điều trị loạn nhịp bằng sóng Radio qua đường ống thông (catheter ablation) là phương pháp hiện đại, dùng năng lượng sóng có tần số radio để triệt phá đường dẫn truyền phụ gây loạn nhịp tim hoặc ổ ngoại vị. Phương pháp này hiện nay đang được áp dụng rộng rãi để điều trị một số loạn nhịp phức tạp và tồn tại một cách dai dẳng.
Phương pháp dựng hình điện học buồng tim ba chiều đã được triển khai giúp điều trị nhiều loại rối loạn nhịp tim phức tạp như: rung nhĩ, nhịp nhanh thất,….
Cấy máy phá rung tự động trong buồng tim (ICD) là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa được đột tử ở những đối tượng có nguy cơ rung thất hoặc nhịp nhanh thất ác tính.
Cấy máy tạo nhịp đồng bộ điều trị suy tim với điện cực tạo nhịp các buồng tim góp phần kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim nặng cũng đã được thực hiện thường quy ở Việt Nam.
Mỗi năm có gần 2.000 bệnh nhân bị các rối loạn nhịp chậm được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn trên toàn quốc với các loại máy tạo nhịp hiện đại một buồng, hai buồng có kích thước rất nhỏ nhưng có nhiều chức năng hiện đại.
Dùng tế bào gốc trong điều trị một số bênh tim mạch.
Đây thực sự là vấn đề thời sự và nóng bỏng hiện nay được quan tâm rất nhiều. Cơ sơ lý luận của phương pháp này là dùng tế bào nguồn để biệt hóa có thể sẽ tạo ra những thành phần cơ quan chức năng mới tương ứng để bổ xung hoặc thay thế cho những cơ quan đã hỏng mà không khắc phục được, đặc biệt là trong lĩnh vực bệnh động mạch vành.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp trong điều trị bệnh ĐMV nhưng có tới 10% bệnh nhân là không thể chữa được. Do vậy, nếu ta dùng tế bào gốc đưa vào ĐMV hoặc cơ tim để tạo nên những mạch máu tân tạo mới có thể sẽ giải quyết được tận gốc về cơ chế bệnh tật. Đã có nhiều nghiên cứu dùng tế bào gốc trong điều trị bệnh ĐMV và cho kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Đây thực sự là một hướng đi quan trọng trong tương lai của ngành Tim mạch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh