Tìm hiểu nhanh về cholesterol

Bạn biết rằng việc xét nghiệm cholesterol thường xuyên là cần thiết và nồng độ cholesterol máu cao có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên có một vài khía cạnh mà có thể bạn chưa hiểu hết – ví dụ như cơ thể bạn cũng thực sự cần cholesterol để thực hiện nhiều chức năng sinh lý cơ bản.

Cholesterol là thành phần thiết yếu cho nhiều chức năng cơ thể

Theo bác sỹ Prediman K. Shah thuộc Viện tim mạch Cedars-Sinai (Mỹ), “Cholesterol là thành phần không thể thiếu đối với chức năng của tế bào.” Cholesterol tham gia vào cấu tạo của mọi tế bào trong cơ thể, do vậy cơ thể con người cũng không thể thiếu cholesterol. Cơ thể con người cũng có thể tự tổng hợp cholesterol nhưng đồng thời cơ thể cũng có thể sử dụng chất béo từ thực phẩm để tạo ra thành phần này.

 

Không phải ai có cholesterol máu cao cũng đều sẽ mắc các bệnh tim mạch

Gen di truyền là yếu tố quan trọng quyết định xem bạn có nguy cơ bị xơ vữa động mạch hay không. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim mạch và cholesterol chỉ là một trong số đó. Các bác sỹ hiểu rõ vì sao nồng độ cholesterol máu, các phản ứng viêm nhiễm và các yếu tố bảo vệ khác có tác động đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn như thế nào, do vậy điều quan trọng là bạn cần trao đổi những điều này với bác sỹ để có thể giúp duy trì một nồng độ cholesterol máu ổn định và hợp lý cho sức khỏe của bạn.

 

Nồng độ cholesterol máu sẽ tăng một cách tự nhiên khi già đi, đặc biệt là phụ nữ

Giai đoạn mãn kinh không chỉ khiến nhiều phụ nữ gặp phải các triệu chứng bốc hỏa, vã mồ hôi ban đêm mà còn khiến nồng độ cholesterol tăng cao. Theo bác sỹ tim mạch Stephen Kopecky thuộc Mayo Clinic, bình thường nam giới thường có chỉ số cholesterol cao hơn nữ giới, nhưng khi bước sang tuổi 60 điều đó sẽ bắt đầu thay đổi. Vào độ tuổi 70 và 80, đa số phụ nữ sẽ có nồng độ cholesterol huyết cao hơn nam giới. Mặc dù người ta vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của tình trạng này nhưng sự thiếu hụt estrogen khi bước sang thời kỳ mãn kinh có thể là yếu tố thúc đẩy nồng độ cholesterol tăng cao.

 

Những thực phẩm không chứa cholesterol vẫn có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu

Theo các chuyên gia, suy nghĩ rằng những thực phẩm không chứa cholesterol sẽ không làm gia tăng nồng độ cholesterol máu là một quan điểm hết sức sai lầm của nhiều bệnh nhân. Các loại chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và chất béo từ sữa đều có khả năng chuyển hóa thành cholesterol trong cơ thể. Ví dụ như nếu nạp khoảng 2% chất béo chuyển hóa trong tổng số năng lượng của cơ thể thì nồng độ cholesterol của bạn sẽ tăng tới 20%.

 

Bạn sẽ không cần phải nhịn đói trước khi kiểm tra nồng độ cholesterol máu

Theo một nghiên cứu trên quy mô lớn đăng trên tạp chí Circulation, chỉ số nồng độ LDL cholesterol máu dù bạn có nhịn ăn hay không cũng có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà khoa học kết luận rằng chỉ số xét nghiệm trong điều kiện không nhịn ăn này hoàn toàn phản ánh đúng tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn bởi chúng ta bình thường không duy trì trạng thái nhịn đói kéo dài. Tuy nhiên, nếu nồng độ cholesterol của bạn khá cao hay nằm tại ngưỡng cảnh báo và bạn cũng có tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch thì bác sỹ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm nồng độ cholesterol máu khi nhịn đói để so sánh chỉ số này với chỉ số khi không nhịn đói và đưa ra kết luận chính xác hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top