Các triệu chứng của bệnh tim rất khó cảm nhận và các bác sĩ mong muốn bệnh nhân của mình luôn phải cảnh giác với các dấu hiệu báo trước có thể của bệnh này.
Dưới đây là 9 triệu chứng có thể của bệnh tim bạn không nên bỏ qua mà nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Đau ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh tim (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ), đây là triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp nhồi máu cơ tim đều gây ra đau ngực, và ngược lại đau ngực có thể do nguyên nhân từ bệnh ngoài tim, như bệnh của phổi, thành ngực, tiêu hóa...
Đau ngực do tim thường có đặc điểm: đau thường ở giữa ngực, dưới xương ức, có thể hơi lệch sang trái một ít. Đau tức ngực thường làm cho người đó cảm cảm giác bị đè ép, thắt chặt hoặc khó chịu. Tập thể dục, cảm xúc mạnh mẽ, hoặc căng thẳng quá độ cũng có thể là nguyên nhân gây đau ngực.
Từng cơn đau rất ngắn kéo dài 5-10 giây nhưng không gây đau thắt có thể không liên quan đến bệnh tim mà có nhiều khả năng do bị đau cơ xương.
Tốt nhất, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào gây đau tức ngực thì bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe của mình.
Cảm giác hết hơi không thở được nữa khi ngồi nghỉ hoặc khi gắng sức nhẹ cũng là biểu hiện của bệnh phổi như suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khó thở cũng có thể gặp ở người ít đi lại hoặc người béo, người trong tình trạng lo lắng, thiếu máu và nhiều bệnh khác.
Mặc dù vậy, khó thở cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, suy tim. Thường sau các cơn đau ngực , người bệnh sẽ thấy xuất hiện những cơn đau lan đến vai, cánh tay, và lưng. Nhồi máu cơ tim thường có liên hệ với đau cánh tay, có thể đau cả hai bên hoặc giữa hai xương bả vai.
Sau khi hoạt động, nếu thấy khó thở kéo dài hơn năm phút bạn cần phải đặc biệt chú ý đấy nhé!
Mất ý thức thường là kết quả của việc máu cung cấp đến não không đủ dẫn tới ngất xỉu. Lúc này bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh hoặc nặng hơn nữa là bất tỉnh.
Nhồi máu cơ tim có thể gây choáng váng và mất ý thức, ngoài ra chóng mặt còn do nguyên nhân rối loạn nhịp tim gây ra. Nếu bạn có vấn đề về tim, mất ý thức thường xảy ra nhanh chóng và không có các biểu hiện báo trước. Bởi vậy, đừng bao giờ bỏ qua triệu trứng này khi bạn gặp phải nó.
Không có triệu chứng nào khủng khiếp hơn trụy tim mạch. Trụy tim mạch hay còn được gọi với là “đột tử do tim” là một thuật ngữ trong y học chỉ tình trạng tim ngừng đập trong một khoảng thời gian nhất định nhưng cũng có thể dẫn đến ngừng đập hẳn. Trụy tim mạch sẽ đưa đến tình trạng mất tri giác, nhưng nạn nhân sẽ ngưng thở, không có mạch đập, trái với nạn nhân khi bị co giật và ngất xỉu vẫn có mạch đập và tiếp tục thở.
Trụy tim mạch có thể xảy ra như một biến chứng ở người đã biết mắc bệnh tim mạch, nhưng đôi khi có thể là triệu chứng đầu tiên của cơn đau tim cấp hay rối loạn nhịp tim. Khi trụy tim mạch xảy ra, cần hồi sức cấp cứu ngay trong vòng vài phút đầu tiên, nếu không sẽ không tránh được tử vong.
Đánh trống ngực là cảm giác khó chịu khi tim đập mạnh hoặc tim đập dồn dập trong lồng ngực, có thể chỉ do bạn đang lo lắng vấn đề gì đó hoặc do vừa vận động thể lực căng thẳng, kéo dài như chạy, đua xe, bơi… Nó được mô tả một cách đặc trưng như là cảm giác có một nhịp tim bị bỏ qua, một nhịp tim nhanh lên hay cảm giác lâng lâng của tim.
Khi nào cảm giác đánh trống ngực có đi kèm cảm giác đau đầu hay mất tri giác thì khi đấy lại có thể là dấu hiệu của cơn đau tim, tăng huyết áp hay rối loạn nhịp tim…
Thường thì các nguyên nhân đơn giản của cảm giác đánh trống ngực có thể biến mất nhờ ngủ nhiều hơn, uống ít cà phê hay thức uống có chứa cafein, giảm uống rượu, hay cố gắng làm giảm stress trong cuộc sống. Nhưng dù thế nào bạn vẫn phải nhớ phải đi khám bác sĩ.
Phù là sự tích tụ dịch bất thường trong cơ thể gây ra sưng (thường ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, hoặc bụng) và nó có nhiều nguyên nhân. Vị trí và phân bố của sưng phù rất có ích để xác định nguyên nhân.
Phù ở chân thường là đặc điểm của suy tim hay các bệnh lý của tĩnh mạch chân.
Phù do nguyên nhân tim thường có tính đối xứng (ở cả hai chân). Nếu phù do ứ dịch ở phổi (phù phổi) thì triệu chứng điển hình là khó thở, triệu chứng này cũng là điển hình ở bệnh nhân suy tim nên cần phải khảo sát toàn diện hệ tim để xác định bệnh.
Tím tái, sự đổi màu của da do không đủ oxy trong máu, vừa là triệu chứng vừa là một dấu hiệu. Người bị suy tim thường có biểu hiện tím tái. Có hai dạng tím tái đó là tím trung ương và tím ngoại vi.
Tím trung ương là khi máu tĩnh mạch và máu động mạch bị trộn lẫn với nhau ngay trong tim do một luồng thông bẩm sinh nằm giữa tim trái và tim phải hoặc do khuyết tật di truyền tạo nên một buồng tim chung (máu động mạch có màu đỏ tươi do giàu ôxy còn máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm do đã nhường ôxy cho cơ thể). Tím trung ương cũng có thể do một bệnh lý phổi đang tiến triển như khí phế thũng ngăn cản ôxy hoà tan vào máu động mạch. Tím trung ương xuất hiện quanh kết mạc mắt, niêm mạc ở trong họng và lưỡi.
Tím ngoại vi là dạng tím thường xảy ra do sự ứ trệ tuần hoàn hoặc trao đổi khí kém và được biểu hiện ra bên ngoài ở những vùng da hở như đầu ngón tay, cằm, mũi và môi… Cho dù là dạng tím tái nào thì đây cũng là một triệu chứng cần trao đổi ngay với bác sĩ.
Ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý như ung thư, dị ứng... Ho kéo dài dai dẳng hoặc khò khè còn có thể là triệu chứng của suy tim. Suy tim dẫn đến ứ dịch ở phổi, gây ra hai triệu chứng này. Hãy đi khám bác sĩ nếu ho kéo dài hoặc không giải thích được bạn nhé.
Dù chỉ vài mililit tia máu lẫn trong đàm hoặc ho ra máu với số lượng trung bình đều được gọi là ho ra máu. Ho ra máu thường là triệu chứng biểu hiện một số bệnh như: lao phổi, giãn phế quản, ung thư hay nhiễm trùng hô hấp. Đôi khi đây là biểu hiện của bệnh lý tim mạch như hẹp van tim.
Dù nguyên nhân của ho ra máu là gì thì bạn vẫn cần đi khám tổng quát toàn diện vì đây là một triệu trứng rất nguy hiểm báo hiệu có thể bạn đang mắc phải một loại bệnh nào đó.
Cuộc sống bận rộn hàng ngày dễ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, nguyên nhân có thể là do tác dụng phụ của một loại thuốc mà bạn đang sử dụng, đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh đái tháo đường, cường giáp, thiếu máu...
Đặc biệt là ở phụ nữ, mệt mỏi không phải là triệu chứng hiếm gặp trong giai đoạn nhồi máu cơ tim cấp và những tuần sau đó, nếu lúc nào cũng thấy mệt thì đó có thể là dấu hiệu suy tim. Bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động thường ngày, bởi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, ngay cả với những công việc đơn giản, nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, chỉ với dấu hiệu này, chưa thể chắc chắn bạn có mắc bệnh về tim hay không. Vậy khi cơ thể có cảm giác mệt mỏi kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh