✴️ Xơ vữa động mạch – Những yếu tố để nhận diện

Nội dung

Xơ vữa động mạch là gì?

Thuật ngữ xơ vữa đông mạch được ghép từ hai từ athero – cháo hoặc hồ, bột và sclerosis – cứng (theo tiếng Hy Lạp). Xơ vữa động mạch là quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, sản phẩm thải của tế bào, canxi và các chất khác, đến một lúc nào đó được lộ ra dưới dạng mảng vữa xơ, mảng này thường nằm ở các động mạch có kích thước lớn và vừa.

Xơ vữa động mạch. Ảnh: St

Các mảng vữa xơ có thể dày lên làm thu hẹp lòng mạch và hạn chế rõ dung lượng máu đi qua. Nhưng nguy hiểm thực sự khi những mảng này trở nên lỏng lẻo, dễ rữa, vỡ tạo thuận lợi hình thành các cục máu đông. Cục máu đông gây chít hẹp thêm lòng động mạch hoặc có thể tách ra và di chuyển tới những nơi khác gây tắc mạch ở đó. Nếu xảy ra ở các động mạch nuôi tim thì gây đau tim, ở các động mạch nuôi não thì gây tai biến mạch máu não, còn nếu gây bít, tắc các động mạch nuôi các chi thì có thể thấy khó đi, đau và thậm chí cả hoại tử.

Xơ vữa động mạch hình thành như thế nào?

Xơ vữa động mạch diễn ra chậm chạp với cơ chế phức tạp. Bệnh thường đã bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu, tiến triển dần khi con người lớn lên và già đi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xơ vữa động mạch khởi động từ tổn thương lớp nội mạc (endothelium). Do tổn thương này bạch cầu – loại bạch cầu đơn nhân – từ dòng máu thâm nhập vào trong thành động mạch. Tại đây, chúng chuyển dạng thành các tế bào “ăn” mỡ, chứa nhiều mỡ và được gọi là tế bào bọt. Những tế bào này tích tụ ngày càng nhiều và trên bề mặt trong của động mạch tạo thành các mảng vữa. Bề mặt các mảng vữa này như được phủ một lớp chất mềm, giống như vữa hồ, trong đó có đủ loại chất mỡ mà chủ yếu là các chất béo, cholesterol, tiểu cầu, các tế bào cơ trơn và tổ chức liên kết (xơ). Bước tiếp theo là lắng đọng canxi và lúc này có thể thấy được trên phim X quang.

Các nghiên cứu cho tới nay nói lên điều gì?

Căn cứ vào trình bày trên chúng ta thấy, xơ vữa động mạch là bệnh có những yếu tố khởi động cũng như thúc đẩy nó hình thành và tiến triển. Những yếu tố nguy cơ này có thể can thiệp được. Chúng bao gồm: tăng cholesterol (nhất là loại LDL – được gọi là loại xấu); hút thuốc chủ động cũng như thụ động; tăng huyết áp; đái tháo đường; béo phì; lười vận động thể lực; stress,… Đồng thời cũng có những nghiên cứu cho thấy nếu thực hiện tốt việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ tiến triển của xơ vữa động mạch có thể ngăn chặn và thậm chí là làm thoái lui được. Từ cách tiếp cận mang tính lạc quan này, chúng ta thấy lứa tuổi nào cũng nên và cần tiến hành những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Các biện pháp phòng ngừa

Điểm lại yếu tố nguy cơ trên ta thấy, chúng liên quan tới một số bệnh và lối sống. Ngày nay đã có nhiều thuốc tốt, an toàn giúp kiểm soát tốt hơn bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, rối loạn lipid máu,… Các thầy thuốc sẽ chăm lo về việc này. Còn về lối sống thì chỉ có chính bản thân chúng ta mới thay đổi được. Phạm vi thay đổi liên quan tới ba lĩnh vực chủ yếu: dinh dưỡng, vận động và chống stress.

Đứng trên phương diện thực hành, mỗi người nên tính cho mình chỉ số khối – cơ thể (BMI), tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Khi chỉ số này trên 23 thì có nghĩa là cần lưu ý.

Lưu ý về dinh dưỡng bao gồm về lượng thì giảm khẩu phần ăn hàng ngày, về chất thì loại bỏ mỡ động vật, bơ, kem, các phủ tạng, óc động vật,… và tăng cường rau, thức ăn chứa chất xơ, hoa quả tươi, thịt nạc, cá,… một cách đa dạng.

Lưu ý về vận động gồm tiến hành ngay, ở mức độ lúc đầu thấp sau đó tăng dần các hoạt động luyện tập thích hợp cho từng độ tuổi, thích hợp với tình trạng sức khỏe cũng như thói quen, sở thích của mỗi người.

Về chống stress thì cần tránh xung đột, bực bội, cả nghĩ theo tiêu chí học cách khoan dung, tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội để bớt cô đơn và củng cố thêm về giá trị vị thế.

Với sự cải thiện rõ về điều kiện sống, sự lớn mạnh của hệ thống bảo hiểm y tế và xã hội ở nước ta, mỗi người nên tuân thủ việc đi kiểm tra sức khỏe từ 1-2 lần/năm.

Đối với xơ vữa động mạch, quyền lựa chọn hay quyết định liên quan tới nó phụ thuộc nhiều vào chính mỗi người. Có một số thái độ cần cùng nhau xem xét: với những người ở độ tuổi trẻ và trung niên, khi chưa thấy “nhãn tiền” thì coi thường, chủ quan để mặc cho mạch máu của mình tiếp tục bị hủy hoại. Với những người cao tuổi có thể là không để ý cho đến lúc có tai biến hoặc quá lo lắng đến mức coi cholesterol như là “kẻ thù”. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy hiểu và đưa xơ vữa động mạch trong tầm kiểm soát của chúng ta bằng hiểu biết và bằng hành động.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top