✴️ Bảo tồn lách vỡ bằng lưới sinh học

Nội dung

Điều trị bảo tồn lách không mổ đối với người bệnh chấn thương lách đang là xu hướng chính hiện nay. Tỷ lệ điều trị bảo tồn phụ thuộc các trung tâm nhưng chủ yếu ở người bệnh có huyết động ổn định, hemoglobin ổn định trong vòng 12 tới 48 giờ. Người bệnh cần truyền dưới hai đơn vị máu. Phẫu thuật được thực hiện ở những người bệnh có chảy máu tiếp tục với huyết động không ổn định. Người bệnh chấn thương lách được đánh giá tổn thương độ V trên cắt lớp vi tính và có huyết động ổn định được theo dõi không mổ ở một số trung tâm, tuy nhiên thông thường người bệnh được phẫu thuật để đánh giá đúng mức độ thương tổn để sửa chữa hoặc cắt bỏ lách.

 

I. CHỈ ĐỊNH

– Chấn thương lách đơn thuần có huyết động không ổn định

– Tổn thương lách có thoát thuốc trên chụp CT thì động mạch không thể nút mạch hoặc nút mạch thất bại.

 

II CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Có biến chứng thủng ruột và viêm phúc mạc, cần phải cắt ruột và có tình trạng viêm các tạng.

– Người bệnh sốc mất máu nặng

– Phẫu thuật viên không được đào tạo về kỹ thuật này.

 

III. CHUẨN BỊ

1. Người bệnh :

– Người bệnh được hồi sức đảm bảo huyết động ổn định

– Dùng kháng sinh dự phòng

– Phẫu thuật viên giải thích cho người bệnh về tình trạng bệnh

2. Vô cảm:

Gây mê toàn thân, đặt nội khí quản. Cần phải có máy theo dõi áp lực CO2 máu (Pa CO2) và áp lực CO2 khí thở ra (PET CO2) để bác sỹ gây mê chủ động điều chỉnh thuốc mê, thông khí…

 

3. Trang thiết bị:

– Bộ dụng cụ đại phẫu mổ mở.

– Bộ dụng cụ khâu mạch máu

– Chỉ mạch máu liền kim 3/0

– Túi lưới sinh học

4. Tư thế người bệnh:

Người bệnh nằm ngửavới tư thế đầu cao hay thấp, nghiêng phải hay trái tuỳ theo yêu cầu khi mổ. Người bệnh cần được đặt ống thông đái, thong dạ dày. Người bệnh được đặt một tấm độn lưng ngang bờ dưới xương bả để dễ bộc lộ lách.

 

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vị trí kíp mổ: Phẫu thuật viên đứng bên phải của người bệnh, hai phụ bên trái người bệnh.

2. Kỹ thuật xử trí tổn thương

– Người bệnh được mở bụng đường trắng giữa trên rốn, kéo dài xuống dưới rốn.

– Số lượng dịch trong ổ bụng được ghi nhận.

– Trèn gạc vào vùng lách trong khi tiếp tục kiểm tra toàn bộ ổ bụng

– Các tạng trong ổ bụng được kiểm tra đánh giá mức độ tổn thương.

– Với tổn thương lách cần các bước:

  + Hạ đại tràng góc lách để bộc lộ vùng lách, hay cắt dây chằng lách đại tràng

  + Giải phóng mặt sau lách (cắt dâu chằng lách thận và tổ chức liên kết giữa lách và thận sát với cực trên và các nhánh vị ngắn).

  + Bọc lưới lách chủ yếu chỉ định cho những trường hợp vỡ lách hình sao hoặc vỡ nát lách.

  + Sử dụng túi lưới đặc biệt để bảo tồn lách, bọc lách trong lưới và siết chặt lưới bằng cách khâu lưới.

  + Sau khi kiểm tra kỹ không còn chảy máu, tiến hành rửa sạch ổ bụng và đặt 1 tới hai dẫn lưu ở hố lách.

  + Đóng bụng theo các lớp giải phẫu.

 

V. THEO DÕI

– Theo dõi gây mê hồi sức, hồi tỉnh và chống đau

– Nuội dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch đến khi có dấu hiệu an toàn phẫu thuật và phục hồi tiêu hoá.

– Theo dõi các biến chứng phẫu thuật: chảy máu trong 48h đầu bằng theo dõi mạch, huyết áp và tình trạng dẫn lưu ổ bụng.

 

VI. XỬ TRÍ TAI BIẾN PHẪU THUẬT

– Chủ yếu phát hiện biến chứng chảy máu sau mổ, nếu huyết động ổn định có thể chụp mạch để xác định nguyên nhân chảy máu và thực hiện nút mạch.

– Nếu tình trạng huyết động không ổn định cần có chỉ định mổ l ại kiểm tra, nếu không kiểm soát được chảy máu trong mổ cần tiến hành cắt lách.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top