✴️ Chẩn đoán và điều trị vết thương bàn tay

I. ĐẠI CƯƠNG

Vết thương bàn tay là gì?

Vết thương bàn tay là một thương tổn thường gặp, đa số là các tai nạn lao động với thương tổn phức tạp, có nhiều nguy cơ gây nhiễm khuẩn, hạn chế động tác, do đó việc điều trị phải sớm, đúng và đầy đủ, ngày nay đã có chuyên khoa phẫu thuật bàn tay.

Tất cả những vết thương từ cổ tay đến đầu các ngón tay đều được xếp vào vết thương bàn tay.

Việc điều trị vết thương bàn tay cần chú ý đến 3 vấn đề:

  • Lành vết thương: không bị nhiễm trùng, viêm tấy.
  • Phục hồi chức năng: cầm nắm vững chắc, thực hiện được những động tác tinh vi khéo léo;đồng thời không đau nhức và mất cảm giác khi sờ mó.
  • Thẩm mỹ: chú ý tới sự thẩm mỹ khi điều trị vết thương bàn tay.

II. CHẨN ĐOÁN

Cần thăm khám tỉ mỉ để có thể xác định đầy đủ các thương tổn trước để có hướng và chuẩn bị phương tiện xử trí tốt. 

1. Thương tổn da

Xem vết thương dài, rộng bao nhiêu, mất da tới mức độ nào, ở những phần nào, ngón nào, để dự tính sẽ cắt lọc ra sao, có phải vá da không. Đánh giá vị trí vết thương, kích thước vết thương, mức độ nông sâu…

2.  Thương tổn mạch máu

Đứt ít hoặc mạch nhỏ thì không thấy các triệu chứng gián tiếp nào. Khi đứt cả hai động mạch chính của ngón tay thì ngón tay bị nhợt nhạt, hoặc tím lại, đầu ngón xẹp. Nếu khâu giữ phải nghĩ trước "dễ có khả năng hoại tử vì không có mạch máu nuôi dưỡng nữa". Nếu có phương tiện khâu nối được mạch nhỏ này (như khâu nối ngón tay đứt rời) thì mới có triển vọng ngón tay không bị hoại tử.

3. Thương tổn thần kinh

Ở bàn tay, ngón tay, căn bản là tìm vùng cảm giác đánh giá thương tổn của thần kinh giữa, trụ, quay, vì các cơ đã nhận được các nhánh ở phần trên rồi, nên vận động ít bị ảnh hưởng.

4. Thương tổn gân

Mỗi một gân có một tác dụng nhất định, thực hiện một cử động nhất định. Chỉ có nghiên cứu cử động này mới biết chắc được là gân nào bị đứt. Vì vậy cần nắm vững cách nghiên cứu cử động.

a. Nếu nghi là gân gấp bị đứt, thì khám như sau:

Bàn tay đặt ngửa lên một mặt phẳng, cổ tay để thẳng. Thầy thuốc lấy tay ấn vào đốt thứ nhất ngón tay bị thương để cho nó bất động.

- Đốt cuối của ngón tay không gấp được là gân gấp sâu bị đứt.

- Đốt thứ hai (khớp giữa đốt 1 và đốt 2) không gấp được hoặc chỉ gấp yếu là gân gấp nông bị đứt.

- Hai đốt cuối không gấp được, nhưng khớp bàn, ngón tay vẫn gấp được: cả hai gân gấp bị đứt (cơ giun và cơ liên cốt gâp đốt bàn - ngón tay).

b. Nếu nghi là đứt gân duỗi, thì để bàn tay sấp rồi nghiên cứu cử động duỗi:

- Đứt kín gân duỗi ở gần chỗ bám tận, sát vào nền đốt cuối, rất hay gặp sau tai nạn đấm bóng, ngón tay gấp mạnh đột ngột: đốt cuối co gấp ngay lại rất điển hình, không thể duỗi ra được. Điều trị đơn giản, chỉ cần đặt nẹp bất động toàn bộ ngón tay, để đốt cuối duỗi tối đa giúp cho hai đầu gân đứt dính gần nhau. Sau ba tuần gân sẽ liền.

- Đứt gân duỗi ở bàn tay hoặc phần giữa ngón tay thì không duỗi được đốt 1, còn đốt 2 và đốt 3 vẫn duỗi được nhưng yếu do tác động của cơ giun và cơ liên đốt.

III.  ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG BÀN TAY

Tuyệt đại đa số vết thương bàn tay đòi hỏi phải mổ, và cũng theo các nguyên tắc điều trị vết thương nói chung. Cần chú ý thêm:

1. Chuẩn bị bàn tay trước khi mổ

Rửa vết thương. Bàn tay thường là bẩn, cho nên phải chuẩn bị kỹ càng. Đối với các vết thương rộng, giập nát nhiều, chuẩn bị bàn tay trước khi mổ phải coi như là một thì của thủ thuật, nghĩa là gây tê hay gây mê cho bệnh nhân, chuẩn bị vô khuẩn, rửa vết thương bằng nước vô khuẩn và xà phòng, rửa bằng đầu xăng để làm tan dầu mỡ (vết thương do tai nạn máy giập). Sau khi rửa sạch vết thương, phẫu thuật viên thay lại áo mổ rồi mới khử khuẩn vết thương để mổ.

2. Thường phải gây tê và đặt garô để cắt lọc tốt, kiểm tra từng lớp 

Điều trị vết thương ở da:

  • Ở ngón tay, gan tay, phải cắt lọc rất tiết kiệm. Cần ghép da để che các đầu ngón tay nếu mất da (vì là vùng tiếp xúc thường xuyên), nếu không sau này sẹo co, cứng kích thích đau buốt, không sử dụng dược.

Điều trị vết thương gân:

  • Vết thương gân duỗi: nên khâu ngay, khâu dễ dàng hai đầu gân, kết quả thường tốt vì không có bao hoạt dịch, không sợ dính gân. Khâu xong bất động ngón tay duỗi khoảng 140-150° trong ba tuần. 
  • Vết thương gân gấp: ở bàn tay có hai gân gấp nông và sâu nằm trong bao gân, và đặc biệt xuống ngón tay, gân gấp nông lại tẽ đôi để gân gấp sâu xiên qua, do đó khâu gân gấp ở bàn tay rất khó và thường bị dính không cử động được.

Các tác giả phân chia đứt gân gấp ở bàn tay ra ba loại, theo vị trí chỗ đứt:

  • Đứt gân gấp ở cẳng tay: dễ khâu và bao giờ cũng phải khâu
  • Đứt gân gấp ở cẳng tay, trên nếp gấp của bàn tay thì coi như ở khu đệm, nếu đứt gọn, sạch, thì khâu một gân (dù đứt cả hai gân). Nếu giập nát, ô nhiễm nhiều thì chờ sau 3 tuần mổ ghép gân.
  • Đứt gân gấp ở vùng ngón tay, bàn tay dưới nếp gấp, gân gấp ở trong bao hoạt dịch ngón tay thì không nên khâu, chờ sau này ghép gân.

IV. TẬP VẬN ĐỘNG

Tập vận động rất quan trọng, nhất là cần tập vận động sớm các ngón tay. cẳng tay, cổ tay có thể bó bột bất động trong 2-3 tháng, sau này tập vận động sẽ phục hồi dần, nhưng không nên bất động ngón tay quá ba tuần lễ. Thông thường sau khi mổ vài ba ngày hoặc sau một tuần lễ là phải tập gấp duỗi nhẹ nhàng ngón tay (nhiêu khi là tập lên gân, cử động nhẹ trên nẹp).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top