1.ĐẠI CƯƠNG
Xử trí bệnh nhân ngộ độc cấp bao gồm 2 nhóm công việc:
1.1.Nhóm1: Các biện pháp hồi sức và điều trị các triệu chứng,bao gồm:
- Cấp cứu ban đầu.
- Hỏi bệnh, khám, định hướng chẩn đoán.
- Các biện pháp điều trị hỗ trợ toàn diện.
1.2.Nhóm2: Các biện pháp chống độc đặc hiệu, bao gồm:
- Hạn chế hấp thu.
- Tăng đào thải độc chất.
- Thuốc giải độc đặc hiệu.
* Làm gì trước: Khi bệnh nhân đã có triệu chứng, ưu tiên các biện pháp nhóm 1 và thuốc giải độc (nếu có); khi bệnh nhân đến sớm chưa có triệu chứng, ưu tiên các biện pháp nhóm 2.
2. XỬ TRÍ CỤ THỂ:
2.1. Cấp cứu ban đầu hay ổn định các chức năng sống của bệnh nhân (ưu tiên số 1):
- Nhiệm vụ: ngay khi tiếp xúc với người bệnh, trong vòng vài ba phút đầu tiên, xác định và thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm tính mạng và ổn định tình trạng người bệnh (không để người bệnh chết trong khi đang thăm khám…). Việc xác định được thực hiện bằng: nhìn, sờ mạch và lay gọi người bệnh. Các tình huống cần giải quyết ngay thuộc về 3 hệ cơ quan sống còn: Hô hấp, tuần hoàn và thần kinh.
a) Hô hấp:
Độc chất có thể gây suy hô hấp qua các cơ chế sau: ức chế thần kinh trung ương gây thở chậm, ngừng thở (Heroin, Morphin, Gardenal và các thuốc ngủ, an thần); gây liệt cơ toàn thân bao gồm cơ hô hấp (ngộ độc Phospho hữu cơ, Tetrodotoxin , cá nóc…); gây tổn thương phổi do độc chất (Paraquat) hoặc do sặc. Thiếu oxy đơn độc hay thiếu oxy hệ thống.Tùy tình huống cần can thiệp kịp thời.
- Mục đích can thiệp nhằm: Khai thông đường thở, bảo đảm thông khí, thở oxy để bảo đảm tình trạng oxy hoá máu.
- Các biện pháp can thiệp: ngửa cổ, thở oxy, hút đờm dãi, đặt canun mayo, đặt nội khí quản, mở khí quản, thổi ngạt, bóp bóng ambu, thở máy, dùng các thuốc giãn phế quản…
b) Tuần hoàn:
Có 2 tình trạng cần xử lí cấp: loạn nhịp và tụt huyết áp.
- Loạn nhịp:
+ Nhịp chậm dưới 60 chu kỳ/phút: Atropine 0,5mg tĩnh mạch, nhắc lại cho đến khi mạch > 60 lần /phút hoặc tổng liều = 2mg. Nếu nhịp chậm không cải thiện, thường kèm với tụt huyết áp: truyền Adrenaline TM 0,2 mg/kg/phút, điều chỉnh liều theo đáp ứng.
+ Nhịp nhanh: ghi điện tim và xử trí theo loại loạn nhịp: nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh: sốc điện khử rung; nhanh xoang, nhanh trên thất: tìm và điều trị các nguyên nhân (VD: mất nước, thiếu ôxy, kích thích), digoxin,…
- Trụy mạch , tụt huyết áp: do giảm thể tích, do sốc phản vệ, giãn mạch, do viêm cơ tim nhiễm độc…
+ Xác định có giảm thể tích tuần hoàn không, nếu có truyền dịch. Đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm để theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) và điều chỉnh dịch truyền. Nếu giảm thể tích trong lòng mạch do thoát mạch mất huyết tương cần truyền dung dịch keo: huyết tương, dịch truyền thay thế huyết tương (ví dụ: Gelatin, Gelafundin,…).
+ Khi đã loại trừ giảm thể tích và CVP ≥ 5 cm nước mà vẫn tụt HA thì cho thuốc vận mạch: Dopamin (5-15 mg/kg/phút); nếu tụt HA do viêm cơ tim nhiễm độc: Dobutamin: bắt đầu 10 mg/kg/phút, tăng liều nếu chưa đáp ứng, mỗi lần có thể tăng 5 - 10 mg/kg/phút cho đến khi đạt kết quả hoặc đạt 40mg/kg/phút;
+ Nếu tụt HA do giãn mạch, giảm trương lực thành mạch: dùng Noradrenaline, bắt đầu 0,05 mg/kg/phút, điều chỉnh theo đáp ứng, phối hợp với các thuốc vận mạch khác: thường là Dobutamin nếu có suy tim, không có Dobutamin có thể phối hợp với Dopamine hoặc Adrenalin.
c) Thần kinh: co giật hay hôn mê là hai trạng thái mà nhiều độc chất gây ra và cần được điều trị kịp thời:
- Co giật: cắt cơn giật bằng các loại thuốc với liều hiệu quả là phải cắt được cơn giật, không phải liều tối đa trong các dược điển.
+ Seduxen ống 10 mg tiêm TM (trẻ em tiêm 1/3 đến một nửa ống) nhắc lại cho đến khi cắt được cơn giật. Sau đó truyền TM hoặc tiêm bắp duy trì khống chế cơn giật.
+ Thiopental lọ 1g; Tiêm TM 2 - 4 mg/kg, nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật; duy trì 2mg/kg/giờ. Điều chỉnh để đạt liều thấp nhất mà cơn giật không tái phát.
+ Nếu co giật kéo dài hay tái phát, có thể thay thuốc duy trì bằng Gacdenal viên 0,1g uống từ 1 đến 20 viên/ ngày tùy theo mức độ.
+ Kinh nghiệm tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai: bé 6 tuổi co giật do hóa chất bảo vệ thực vật, được truyền Thiopental6g/5giờ mới khống chế được cơn giật. Sau đó chuyển Mydazolam và Propofol để tránh viêm gan do liều cao Thiopental. Cháu được cứu sống mà không có bất cứ di chứng nào
- Hôn mê:
+ Glucose ưu trương 30% 50ml TM, kèm Vitamin B1 200mg.
+ Naloxon 0,4mg TM chậm để loại trừ quá liều Heroin.
+ Bảo đảm hô hấp chống tụt lưỡi, hít phải dịch trào ngược…
3. Chẩn đoán:
- Hỏi bệnh: khoảng 95% chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc là do hỏi bệnh; cần kiên trì, hỏi người bệnh, người nhà, nhiều lần, để nắm được thông tin trung thực. Yêu cầu người nhà mang đến vật chứng nghi gây độc (đồ ăn uống, vỏ lọ, bao bì thuốc, hoá chất…)sẽ rất hữu ích cho việc chẩn đoán độc chất.
Bảng 1.1: TÓM TẮT MỘT SỐ HỘI CHỨNG NGỘ ĐỘC
- Khám toàn diện: phát hiện các triệu chứng, tập hợp thành các hội chứng bệnh lý ngộ độc để giúp cho việc chẩn đoán nguyên nhân; xét nghiệm độc chất và các xét nghiệm khác giúp cho chẩn đoán độc chất, chẩn đoán mức độ, chẩn đoán biến chứng.
4. Điều trị:
4.1. Áp dụng các biện pháp hạn chế hấp thu:
* Chất độc qua đường hô hấp: đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, vùng thoáng khí.
* Chất độc qua da, niêm mạc:
- Cởi bỏ quần áo bẩn lẫn hóa chất độc, tắm rửa bằng xối nước ấm và xà phòng, gội đầu.
- Rửa mắt khi chất độc bắn vào: cần rửa mắt liên tục 15 phút bằng dòng nước muối 0,9% chảy liên tục trước khi đưa đi khám chuyên khoa mắt.
* Chất độc qua đường tiêu hoá:
- Gây nôn:
+ Chỉ định: nếu mới uống, ăn phải chất độc và nạn nhân còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc.
+ Chống chỉ định: nạn nhân lờ đờ, hôn mê hay co giật , ngộ độc axít hay kiềm mạnh.
+ Gây nôn bằng cách: cho nạn nhân uống 100 – 200 ml nước sạch rồi ngay lập tức dùng tăm bông, hoặc ống xông ngoáy họng, cúi thấp đầu nôn, tránh sặc vào phổi. Quan sát chất nôn, giữ lại vào một lọ gửi xét nghiệm.
- Uống than hoạt:
+ Cho than hoạt với liều 1g/kg thể trọng hoà trong 100 ml nước sạch cho nạn nhân uống. Sau 2 giờ có thể uống nhắc lại nếu thấy cần.
+ Kèm theo than hoạt bao giờ cũng phải cho Sorbitol với một lượng gấp 2 lần than hoạt.
+ Tốt nhất uống hỗn hợp than hoạt + Sorbitol (Antipois).
- Rửa dạ dày:
+ Hiệu quả nhất trong 60 phút đầu bị ngộ độc cấp.
+ Còn hiệu quả trong 3 giờ đầu và đã uống than hoạt.
+ Còn hiệu quả trong 6 giờ đầu với ngộ độc: các thuốc gây liệt ruột, hoặc uống một số lượng lớn, bệnh nhân tụt huyết áp.
+ Chỉ định :
✓ Hầu hết các ngộ độc đường tiêu hóa.
✓ Cho các bệnh nhân không gây nôn được.
+ Chống chỉ định:
✓ Sau uống các chất ăn mòn : acid, kiềm mạnh.
✓ Sau uống các hoá chất: dầu hoả, ét xăng, Parafin: đặt son de nhỏ mềm và hút để phòng tránh biến chứng sặc vào phổi.
✓ Bệnh nhân hôn mê, co giật trừ khi được đặt ống NKQ bơm bóng chèn và dùng thuốc chống co giật.
+ Kỹ thuật:
✓ Bệnh nhân nằm nghiêng trái, đầu thấp.
✓ Xông dạ dày cỡ 37-40F cho người lớn; 26-35F cho trẻ em, bôi trơn đưa qua miệng hay mũi vào tới dạ dày.
✓ Nước đưa vào mỗi lần 200ml với người lớn, 50-100ml với trẻ em, rồi tháo ra. Không dùng máy hút điện. Nhắc lại nhiều lần cho tới khi sạch dạ dày.
✓ Dùng nước sạch, ấm pha với muối 5g muối/lít nước,tổng số lượng nước rửa thường 5 -10 lít với các trường hợp uống thuốc trừ sâu,3-5 lít nước với hầu hết các trường hợp khác.
- Nhuận tràng:
+ Nhằm kích thích co bóp ruột tống chất độc ra ngoài. Thường dùng là Sorbitol 1-4g/kg uống ngay sau dùng than hoạt, hoặc trộn vào than hoạt.
4.2.Các biện pháp tăng thải trừ độc chất :
- Bao gồm các biện pháp: bài niệu tích cực, uống than hoạt đa liều, lọc ngoài thận, thay huyết tương, thay máu. Chỉ thực hiện ở bệnh viện.
a) Bài niệu tích cực:
+ Chỉ định: ngộ độc các loại độc chất được đào thải qua đường tiết niệu: Gardenal, Paraquat,… hoặc tình trạng tiêu cơ vân trong ngộ độc: ong đốt, rắn hổ mang cắn….
+ Chống chỉ định: suy tim, suy thận thể thiểu niệu hoặc vô niệu.
+ Thực hiện: truyền dịch với tốc độ 150-200ml/giờ ở người lớn, 20- 100ml/giờ ở trẻ em, tùy theo cân nặng và tổng số dịch truyền.
+ Dịch truyền thường là dịch đẳng trương :một nửa là Glucose 5%; một nửa là Natri clorua 0,9%; nếu ngộ độc Gardenal thì truyền Glucose 5%, Natriclorua 0,9% và Natribicarrbonat 1,4% theo tỉ lệ 2:2:1 ,với tổng dịch truyền là 50- 80ml/kg cân nặng nhằm kiềm hóa nước tiểu với những độc chất gây toan máu.
+ Theo dõi lượng nước tiểu theo giờ, nếu không đạt 100-200 ml/ giờ cho người lớn và 2-4 ml/kg cân nặng cho trẻ em thì cho thêm thuốc lợi tiểu mạnh (Furosemide). Điều chỉnh lượng dịch truyền vào theo lượng nước tiểu/giờ.
b) Lọc ngoài thận:
- Khi kích thước phân tử chất độc đủ nhỏ để qua được lỗ lọc, thể tích phân bố thấp, chất độc gắn ít với Protein huyết tương, bài niệu tích cực không có tác dụng, hoặc suy thận, ngộ độc với số lượng lớn.
- Chỉ định, chống chỉ định phụ thuộc vào biện pháp lọc, và từng chất độc riêng.
- Các kỹ thuật đang áp dụng phổ biến hiện nay là thận nhân tạo ngắt quãng, siêu lọc liên tục(CVVH).
c) Thay huyết tương hoặc thay máu:
- Được chỉ định với cácchất độc có tỷ lệ gắn với Protein cao, và các biện pháp thải trừ khác không có hiệu quả, thực hiện vào thời điểm chất độc có nồng độ trong máu cao nhất, chất độc gắn với Protein nhiều nhất.
d) Lọc máu hấp phụ:
+ Bằng than hoạt hoặc Resin.
+ Chỉ định cho các độc chất có trọng lượng phân tử cao, không đáp ứng với các biện pháp lọc máu khác.
+ Được ứng dụng trong lọc máu cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat với hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong từ 70% xuống dưới 50%.
4.3. Sử dụng thuốc giải độc:
- Đinh nghĩa: Thuốc giải độc (Antidote) là các chất có tác dụng đặc hiệu chống lại tác động hoặc hiệu quả độc hại của một chất độc.
- Cơ chế tác dụng:
+ Giải độc qua tương tác hoá học.
+ Giải độc qua tác dụng dược lý.