1. Tìm hiểu về bệnh xoang
Viêm xoang là tình trạng xoang bị tắc nghẽn, dẫn đến nhiễm trùng và viêm một hay nhiều xoang. Nếu bệnh lý này xảy ra đột ngột và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (4 tuần) thì đang ở dạng cấp tính. Tuy nhiên, nếu bệnh lý kéo dài hơn 3 tháng thì viêm xoang đã diễn tiến sang thể mạn tính.
2. Triệu chứng của bệnh xoang
2.1 Viêm xoang cấp tính
– Cơ thể sốt nhẹ và có cảm giác mệt mỏi rã rời, không làm được việc gì.
– Vùng mặt tương ứng với vùng xoang đó bị đau nhức.
– Có nước mũi chảy ra, nước mũi ngày càng kết đặc, màu sắc là vàng hoặc xanh.
– Mũi có hiện tượng bị nghẹt ở một hoặc hai bên.
– Khứu giác bị ảnh hưởng do đó khả năng ngửi suy giảm.
– Xuất hiện tình trạng ù tai.
2.2 Viêm xoang mạn tính
Khi ở thể mạn tính, bệnh sẽ có những triệu chứng tương đồng với viêm xoang cấp tính. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng có một số triệu chứng khác biệt như:
– Dịch nhầy ứ đọng sẽ bị chảy thông qua mũi hoặc ở vùng họng.
– Gặp khó khăn khi thở, nhất là khi ngủ.
– Mũi hoàn toàn bị tắc nghẽn.
– Tại các khu vực trán, má, mũi sẽ bị sưng phồng và ở mặt có cảm giác nặng nề.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh xoang
Bệnh lý viêm xoang thường gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như:
– Do nhóm vi khuẩn, virus hay nấm xâm nhập, phát triển và gây bệnh.
– Có tiền sử bị dị ứng với dị nguyên lạ.
– Cấu trúc khoang mũi không bình thường hoặc có polyp mũi.
– Tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.
– Việc vệ sinh tai mũi họng chưa sạch sẽ và đúng cách.
– Sức đề kháng cơ thể không tốt hoặc có những bệnh lý làm suy giảm miễn dịch.
– Môi trường làm việc có nhiều khói bụi hoặc chất độc hại.
4. Cách chữa bệnh xoang theo đúng cấp độ bệnh
4.1 Điều trị viêm xoang cấp tính
Sau khi bác sĩ đã thăm khám và xác định người bệnh ở mức độ viêm xoang cấp tính, một số phương pháp điều trị bệnh được đưa ra bao gồm:
– Dùng thuốc súc rửa mũi và hướng dẫn bệnh nhân cách rửa mũi đúng cách.
– Dùng thuốc thông & điều trị nghẹt mũi.
– Có thể sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau.
– Sử dụng các loại thuốc khác để điều trị triệu chứng.
4.2 Điều trị viêm xoang mạn tính
– Nếu bệnh đã diễn tiến sang giai đoạn mạn tính, tuy nhiên niêm mạc xoang chưa bị thoái hoá nhiều, lỗ thông xoang chưa bị bít tắc thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa (sử dụng thuốc).
– Tuy nhiên, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi mũi xoang. Khi thực hiện nội soi mũi xoang, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây viêm xoang để thực hiện các thủ thuật khác nhau như nạo VA, dẫn lưu dịch tiết, cắt polyp mũi…Đây là phương pháp được đánh giá cao với màn hình sắc nét giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và thực hiện phẫu thuật, được chứng nhận an toàn và sức khoẻ bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh