✴️ Cơn nhịp nhanh thất

Nội dung

Cơn nhịp nhanh thất (NNT) là cơn tim nhanh khi có ít nhất ba nhát NTTT đi liền nhau với tần số trên 100 ck/phút. Có thể chia NNT ra làm hai loại dựa trên thời gian kéo dài của NNT:

-  NNT thoảng qua (hoặc không bền bỉ): là NNT xuất hiện từng đoạn kéo dài không quá 1 phút.

-  NNT bền bỉ: là khi có NNT kéo dài trên 1 phút.

 

I. Triệu chứng lâm sàng:

1. Biểu hiện: lâm sàng rất khác nhau ở bệnh nhân có cơn NNT. Nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lâm sàng, tần số thất, sự có mặt của các bệnh tim thực tổn kèm theo…

2. Một số bệnh nhân: có thể không thấy có triệu chứng gì đặc biệt.

 Trái lại ở một số khác có thể biểu hiện ngay bằng ngất hoặc đột tử.

 

II. Điện tâm đồ:

-.Tần số tim thường từ 130 -170 ck/phút.

Thông thường nhịp tim không thật đều như trong cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhất là khi mà trước đó có NNT đa dạng hoặc có nhát hỗn hợp.

-.Phức bộ QRS thường giãn rộng, biểu hiện dưới dạng giống như của bloc nhánh trái hoặc phải.

-. Sóng P có thể thấy với tần số chậm hơn QRS. Trong trường hợp không nhìn rõ sóng P, làm chuyển đạo thực quản có sự phân ly giữa nhịp nhĩ và thất.

 

III. Chẩn đoán phân biệt: quan trọng nhất với nhịp nhanh trên thất có phức bộ QRS giãn rộng (do dẫn truyền lệch hướng, bloc nhánh...),  có thể:

- Sử dụng chuyển đạo thực quản.

- Sử dụng tiêu chuẩn loại trừ của Brugada .

 

IV. Điều trị

4.1. Chuyển về nhịp xoang: Trong giai đoạn cấp của cơn NNT, mức độ khẩn cấp của việc chuyển về nhịp xoang tuỳ thuộc vào tình trạng lâm sàng và ảnh hưởng đến huyết động.

4.2. Các ưu tiên trong điều trị:

- Khi cơn NNT mà có ảnh hưởng huyết động nhiều, có ngất hoặc mất ý thức thì cần nhanh chóng sốc điện cắt cơn.

- Sốc điện còn được chỉ định trong trường hợp cơn NNT lúc đầu ổn định nhưng dùng thuốc thất bại và có xu hướng ảnh hưởng đến huyết động.

-Thuốc sẽ được chỉ định khi có cơn NNT nhưng tình trạng huyết động còn tương đối ổn định.

4.3. Điều trị thuốc:

- Lidocaine (Xylocaine) là thuốc được lựa chọn đầu tiên: Tiêm TM 1 - 1,5 mg/kg cân nặng sau đó truyền TM 1-4 mg/phút.

 - Procainamid: Chỉ định dùng khi Lidocaine thất bại hoặc có thể cho ngay từ đầu.

 - Amiodarone: là thuốc nên lựa chọn, nhất là trường hợp cơn NNT do bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc khi dùng các thuốc trên thất bại.

4.4. Sốc điện trực tiếp:  được chỉ định khi tình trạng huyết động không ổn định và dùng liều đầu tiên là 100J. Đối với những trường hợp có cơn NNT mà mất mạch thì sốc điện ngay 200J. Nếu bệnh nhân còn tỉnh, nên dùng sốc điện đồng bộ.

4.5. Tạo nhịp vượt tần số: có tác dụng trong một số trường hợp.

4.6. Các biện pháp hỗ trợ khác:

- Thở ôxy hỗ trợ.

- Điều chỉnh ngay các rối loạn điện giải nếu có.

- Tìm hiểu các nguyên nhân gây ra cơn NNT để điều chỉnh kịp thời .

4.7. Một số biện pháp khác: được áp dụng tại các cơ sở có Tim mạch can thiệp:

- Cấy máy phá rung tự động trong buồng tim .

- Điều trị bằng cách triệt phá (huỷ) vòng vào lại bất thường trong NNT bằng sóng Radio qua đường ống thông.

4.8 Phẫu thuật (Áp dụng đối với cơ sở có Trung tâm mổ tim): Đối với một số bệnh nhân không khống chế được bằng thuốc duy trì và có các ổ sẹo tổn thương sau nhồi máu gây loạn nhịp, có thể phẫu thuật cắt bỏ nội mạc vùng sẹo của tâm thất gây loạn nhịp mà đã được định vị bằng thăm dò điện sinh lý trước đó

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top