Còn ống động mạch (COĐM) là một dạng tim bẩm sinh, chiếm khoảng 10% các bệnh tim bẩm sinh (1 trong 2000 đến 5000 trẻ sơ sinh). Dòng shunt thường nhỏ và ít triệu chứng lâm sàng, trừ khi đã có biến chứng.
I. Triệu chứng lâm sàng:
1. Triệu chứng cơ năng: Cũng như các bệnh tim bẩm sinh không tím khác, ống động mạch rất ít các triệu chứng cơ năng đặc hiệu. Các dấu hiệu có thể gặp là giảm khả năng gắng sức, khó thở...
2. Triệu chứng thực thể:
- Nghe tim:Là dấu hiệu chủ yếu để chẩn đoán:
+ Nghe có tiếng thổi liên tục cường độ lớn ở dưới xương đòn bên trái. Tiếng thổi này có thể chỉ có trong thì tâm thu, hơi kéo dài trong thì tâm trương trong các trường hợp ống lớn và có tăng áp ĐMP nhiều. Có thể nghe thấy tiếng rung tâm trương do tăng lưu lượng máu qua van hai lá.
+ Nếu luồng shunt lớn gây tăng áp ĐMP thì có thể thấy tiếng thổi nhỏ đi, không kéo dài và có tiếng thứ hai mạnh lên.
- Mạch ngoại biên nảy mạnh và chìm sâu, hay gặp dấu hiệu này khi dòng shunt trái ®phải lớn.
- Mỏm tim xuống thấp và sang trái do giãn buồng tim trái. Nếu ở bệnh nhân có tăng áp ĐMP, thất phải sẽ giãn với mỏm tim sang phải.
3. Chẩn đoán phân biệt: Dò động-tĩnh mạch phổi, dò động mạch vành vào các buồng tim bên phải, dò động tĩnh mạch hệ thống, vỡ túi phình xoang Valsalva, thông liên thất với hở van động mạch chủ phối hợp, tuần hoàn bàng hệ chủ-phổi ở các bệnh nhân thông liên thất với thiểu sản van động mạch phổi...
II. Cận lâm sàng
1. Điện tâm đồ (ĐTĐ): thường không đặc hiệu, có thể thấy hình ảnh tăng gánh buồng tim trái với trục trái và dày thất trái. Phì đại thất phải có thể thấy ở giai đoạn muộn với tăng áp ĐMP nhiều.
2. Chụp Xquang tim phổi: tim to vừa phải với giãn cung dưới trái. Đôi khi thấy dấu hiệu giãn cung ĐMP.
3. Siêu âm Doppler tim:
- Hình ảnh trực tiếp: ống động mạch trên siêu âm 2D thấy được ở mặt cắt trên ức và qua các gốc động mạch lớn.
- Hình ảnh gián tiếp: Giãn buồng tim trái và ĐMP có thể gặp ở trường hợp ống động mạch có shunt lớn.
- Đánh giá mức độ của dòng shunt: dòng shunt trái®phải lớn khi thấy giãn buồng nhĩ trái, thất trái và thân ĐMP. Cần đánh giá áp lực ĐMP đã tăng cố định chưa, độ dầy của thành thất phải, dòng chảy qua ống động mạch yếu hoặc hai chiều, áp lực ĐMP tăng nhiều gần bằng hay đã vượt áp lực đại tuần hoàn.
4.Thông tim: Thực hiện ở các cơ sở có trung tâm can thiệp Tim mạch.
- Chỉ định thông tim: Khi không thấy ống động mạch trên siêu âm tim ở một bệnh nhân có tiếng thổi liên tục hoặc còn ống động mạch nhưng áp lực ĐMP tăng nhiều trên siêu âm Doppler tim. Ngoài ra thông tim còn để đóng ống động mạch qua da bằng dụng cụ (Coil, Amplatzer...).
-Chỉ định điều trị: chỉ thực hiện được ở những đơn vị có triển khai trung tâm can thiệp và phẫu thuật Tim mạch.
+ Chỉ định đóng ống động mạch là bắt buộc nếu còn dòng shunt trái ® phải.
. Đóng bằng thuốc:sử dụng Prostaglandine trong các trường hợp trẻ sơ sinh (biệt dược là Indocid 0,2mg/kg có thể tiêm nhắc lại sau 8 giờ). Cần chú ý là thuốc cũng có thể gây suy thận hoăc hoại tử ruột.
. Đóng qua da bằng dụng cụ:Có thể dùng coil hay các loại dụng cụ thế hệ mới khác như: Amplatzer, Buttoned Device, CardioSeal... Coil thường được chỉ định trong các trường hợp ống động mạch kích thước bé trên phim chụp (dưới 4mm). Còn các dụng cụ khác đặc biệt là Amplatzer thì rất tốt cho các trường hợp ống lớn, ngắn.
. Đóng ống động mạch bằng phẫu thuật:theo đường bên sau của lồng ngực.
. Phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:cần kéo dài 6 tháng sau khi đóng ống bằng phẫu thuật hay bằng dụng cụ qua đường ống thông.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh