✴️ Cuồng động nhĩ

Nội dung

Cuồng động nhĩ  (atrial flutter) là một hình thái nhịp nhanh trên thất khá hay gặp và thường không tồn tại lâu dài vì có xu hướng chuyển về nhịp xoang hoặc chuyển sang rung nhĩ.

 

I. Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng rất khác nhau tuỳ theo bệnh tim thực tổn có sẵn, theo đáp ứng thất chậm hay nhanh mà bệnh nhân có thể có cảm giác hồi hộp trống ngực.

Cuồng nhĩ thường chỉ tồn tại vài giờ đến vài ngày, ít khi kéo dài hơn vì sau đó nó sẽ chuyển về nhịp xoang hoặc thành rung nhĩ.

 

II. Điện tâm đồ

Là thăm dò cơ bản cho phép chẩn đoán cuồng nhĩ.

- Điển hình, ta sẽ thấy mất sóng P và thay bằng sóng F hình răng cưa, đều đặn, rất rõ ở các chuyển đạo sau dưới (DII, DIII, aVF).

- Tần số F từ 240-340 ck/phút, trung bình 300 ck/phút.

- Phức bộ QRS thường giống như lúc còn nhịp xoang (không giãn rộng).

- Tần số thất thường khá đều và là ước số so với nhịp nhĩ vì có thể có bloc 2:1; 3:1... Đôi khi tần số thất không đều do sự thay đổi mức bloc nhĩ thất trong cuồng nhĩ.

 

III. Điều trị

1. Làm giảm đáp ứng thất:

a. Các thuốc có thể dùng là Digitalis loại tiêm, tác dụng nhanh (Cedilanide, Isolanide), hay một số thuốc chẹn kênh canxi hoặc chẹn bêta giao cảm.

b. Digitalis nên là thuốc được lựa chọn hàng đầu để làm giảm đáp ứng thất.

2. Các thuốc chuyển nhịp và duy trì:

a.  Thường dùng: các thuốc nhóm IA (Quinidin, Procainamid), IC (Flecainid, Propafenone) hoặc nhóm III (Amiodaron).

b.Thông thường: các thuốc này có tỷ lệ thành công không cao trong chuyển nhịp. nhưng rất quan trọng giúp cho sốc điện thành công, vì có một tỷ lệ nhất định khi sốc điện cuồng nhĩ sẽ trở thành rung nhĩ và nếu không có dùng các thuốc này trước thì khó có thể đưa về nhịp xoang.

3. Chống đông trong cuồng nhĩ:

Chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ tắc mạch cao (tiền sử tắc mạch, nhĩ trái lớn...).

4. Sốc điện chuyển nhịp:

Là phương pháp rất có hiệu quả , được lựa chọn cho bệnh nhân cuồng nhĩ. Thường dùng năng lượng thấp, bắt đầu từ 50J. Một số trường hợp sốc điện làm cuồng nhĩ biến thành rung nhĩ, khi đó cần sốc tiếp như trong điều trị rung nhĩ để chuyển về nhịp xoang.

5. Một số biện pháp khác:

Áp dụng tại các cơ sở triển khai Tim mạch can thiệp.

a. Tạo nhịp nhĩ vượt tần số:

Thường dùng cách tạo nhịp tim đập theo máy với tần số nhanh hơn tần số tim của bệnh nhân khoảng 10 - 20 nhịp để gây ức chế vòng vào lại rồi tắt máy đột ngột, nhịp xoang của bệnh nhân sẽ được tái lập lại.

b. Triệt phá vòng vào lại qua đường ống thông: 

Đây là biện pháp hữu hiệu với tỷ lệ thành công trên 95 % ,ít tái phát.

c. Với một số trường hợp:

Cuồng nhĩ tồn tại dai dẳng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, có thể cần phải đốt triệt phá nút nhĩ thất và cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top