✴️ Đặt catheter lọc máu cấp cứu

I.   ĐẠI CƯƠNG

Để thực hiện được lọc máu cấp cho các bệnh nhi suy thận bằng thận nhân tạo (TNT) thì cần thiết phải có một đường vào mạch máu tạm thời trong vài giờ đến vài tuần. Điều này được thực hiện bằng việc đặt xuyên qua da 1 catheter  vào trong 1 mạch lớn (đùi, dưới đòn, hoặc cảnh trong).

 

II.   CHỈ ĐỊNH

  • Các bệnh nhi bị suy thận cấp (STC) có chỉ định lọc máu cấp.
  • Suy thận mạn (STM) cần lọc máu cấp mà không có sẵn đường vào mạch máu vĩnh viễn.
  • Các bệnh nhi có chỉ định lọc huyết tương.

 

III.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có

 

IV.   CHUẨN BỊ

1.   Người thực hiện

Bác sỹ  (BS)  01 ngườiđiều dưỡng  (ĐD)  01 người chuẩn bị dụng cụ và  phụ cho bác sĩ.

2.   Phương tiện

Bộ Catheter tĩnh mạch nòng đơn hoặc đôi.

3.   Bệnh nhi

  • Giải thích cho bệnh nhi và gia đình bệnh nhi
  • Bệnh nhi nhỏ hoặc không hợp tác có thể cho an thần, tiền mê.

4.   Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế

 

V.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1.    Kiểm tra hồ sơ

  • Thủ tục hành chính và giấy cam đoan của người nhà bệnh nhi
  • Các xét nghiệm cần thiết trước khi thẩm phân.

2.   Kiểm tra bệnh nhi

Mạch, nhiệt độ, huyết áp, cân nặng, tình trạng ổ bụng, tim mạch, hô hấp của bệnh nhi

3.   Thực hiện kỹ thuật

  • Chọn mạch máu định đặt catheter
  • Đặt tư thế bệnh nhi tùy theo mạch máu định đặt catheter để đặt tư thế bệnh nhi thích hợp.
  • Xác định vị trí chọc catheter, gây tê tại chỗ, chọc thăm dò. Xác định vị trí của kim thăm dò, rút kim thăm dò, thay thế bằng kim số 18 và luồn guide vào tĩnh mạch sau đó rút kim 18 ra. Nong rộng bằng ống nong, sau đó đặt catheter lọc máu theo đường dẫn của guide, bơm đầy catheter bằng nước muối sinh lý có pha heparin, rút guide ra, dùng ngón tay bịt ngay đầu catheter để đề phòng tắc mạch do khí. Khâu cố định catheter và băng dính v trùng bên ngoài catheter.
  • Chụp X quang ngực để kiểm tra vị trí của catheter nếu đặt tĩnh mạch dưới đòn hoặc tĩnh mạch cảnh.

 

VI.   XỬ TRÍ VÀ THEO DÕI BIẾN CHỨNG

1.   Tĩnh mạch dưới đòn

1.1.   Biến chứng sớm

  • Chọc vào động mạch dưới đòn, tràn khí màng phổi, chảy máu màng phổi, tổn thương đám rối cánh tay (chủ yếu do kim đưa quá sâu xiên về phía sau hoặc sang bên quá xa), chọc vào tĩnh mạch chủ trên với chảy máu trung thất hoặc chèn ép màng ngoài tim thường do catheter quá cứng.
  • Loạn nhịp do kích thích màng trong tim, đặc biệt khi catheter hoặc guide đưa vào quá sâu. Cần chú ý nếu catheter đã  ra khỏi vị trí 1cm không được cố đẩy lại mà phải đặt 1catheter mới qua guide.
  • Xử trí :

     + Chọc vào động mạch: Rút catheter, ấn tại chỗ trong 10-15 phút.

     + Tràn khí màng phổi hoặc tràn máu màng phổi lớn: dẫn lưu màng phổi

     + Chọc vào tĩnh mạch chủ trên hoặc buồng tim: đe dọa sự sống, biểu hiện đau ngực hoặc tụt huyết áp, kiểm tra lại vị trí catheter, đôi khi cần can thiệp ngoại khoa.

1.2.   Biến chứng muộn

  • Nhiễm trùng, tắc catheter do cục máu, huyết khối hoặc hẹp tĩnh mạch dưới đòn.
  • Xử trí: Rút catheter, dùng kháng sinh

2.   Biến chứng đặt catheter tĩnh mạch đùi

  • Đặt vào tĩnh mạch chủ dưới : rút bớt catheter
  • Chọc vào động mạch đùi: rút kim ra, ấn tại chỗ 10-15 phút
  • Tụ máu ở háng hoặc sau phúc mạc: rút catheter
  • Nhiễm trùng hoặc cục máu đông: rút catheter

3.   Biến chứng đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong

  • Tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi: ít gặp
  • Chọc vào tĩnh mạch chủ trên
  • Huyết khối hoặc hẹp tĩnh mạch, huyết khối trong mạch máu quanh catheter.
  • Xử trí : Như xử trí biến chứng của đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top