✴️ Động kinh ở trẻ em

Nội dung

1.ĐẠI CƯƠNG

Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức, nhất thời của các tế bào thần kinh ở não. Biểu hiện bằng các cơn co giật, rối loạn hành vi, cảm giác, có thể bao gồm rối loạn ý thức.

 

2.NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân mắc bệnh động kinh theo nhóm tuổi

-Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: ngạt chu sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, dị tật bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, giảm Can xi, giảm đường máu, rối loạn mạch máu, nhóm bệnh thần kinh da, sau xuất huyết não.

-Trẻ trên 1 tuổi: di chứng tổn thương não thời kỳ chu sinh, rối loạn chuyển hóa, giảm Can xi, giảm đường máu, rối loạn mạch máu, sau chấn thương sọ não hoặc sau các bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

 

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng.

-Các cơn có tính định hình, cơn ngắn, lặp lại nhiều lần (như mô tả ở trên).

-Rối loạn các chức năng thần kinh (vận động, cảm giác).

-Rối loạn ý thức trong cơn (trừ cơn cục bộ đơn giản).

-Sau cơn hồi phục nhanh.

3.2. Cận lâm sàng:

-Công thức máu, chức năng gan, đường máu, điện giải đồ, canxi.

-Điện não đồ: có sóng đặc hiệu của các thể co giật.

-Chụp cộng hưởng từ não (MRI) để tìm nguyên nhân.

 

4. ĐIỀU TRỊ ĐỘNG KINH

4.1. Nguyên tắc điều trị.

-Lựa chọn thuốc kháng động kinh theo thể co giật.

-Điều trị sớm, bắt đầu bằng một loại kháng động kinh.

-Bắt đầu từ liều thấp sau tăng lên đến tối đa.

-Kết hợp thuốc khi một loại kháng động kinh không có hiệu quả.

-Duy trì liều đã cắt cơn trong 2 năm.

-Không ngừng thuốc đột ngột, giảm liều từ từ.

-Ngừng điều trị thuốc ít nhất là sau 2 năm kể từ cơn co giật cuối cùng, giảm liều từ từ trong 3-6 tháng trước khi ngừng thuốc.

4.2. Quyết định phẫu thuật khi

-Động kinh cục bộ không cắt cơn, động kinh cục bộ căn nguyên ẩn kháng thuốc. Trên MRI có ổ tổn thương khu trú như xơ hóa hồi hải mã thùy thái dương, vỏ não lạc chỗ, phì đại nửa não.

-Phẫu thuật có thể cắt thùy não, cắt hạnh nhân – hồi hải mã của thùy thái dương, cắt đa thùy não, cắt vùng vỏ não lạc chỗ, cắt bán cầu.

-Với động kinh toàn thể không cắt cơn, có thể phẫu thuật cắt thể trai, cắt bán cầu não.

4.3. Thuốc kháng động kinh theo thể co giật.

-Động kinh cục bộ: Carbamazepine (Tegretol) 5-30mg/kg/ngày, hoặc Oxcarbazepine (Trileptal) 10-30 mg/kg/ngày, hoặc Levetiracetam (Keppra) 10 - 50 mg/kg ngày, hoặc Topiramate (Topamax) 0,5 – 6mg/kg/ngày.

-Động kinh toàn thể: Valproate (Depakine) 20-30mg/kg/ngày hoặc Phenytoine (Sodanton) 5-10 mg/kg/ngày, hoặc Phenobarbital (Gardenal) 5-10mg/kg/ngày, hoặc Sabril 10-50mg/kg/ngày (với hội chứng West).

 

5. THEO DÕI ĐIỀU TRỊ VÀ TIÊN LƯỢNG

-Liều thuốc chống động kinh hàng ngày phải là liều cắt cơn lâm sàng cho bệnh nhân mà không gây tác dụng phụ.

-Thuốc điều trị phải được dùng hàng ngày, đúng, đủ liều quy định.

-Thầy thuốc phải theo dõi diễn biến lâm sàng và các biểu hiện thứ phát của thuốc để kịp thời điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với bệnh nhi.

-Bệnh nhi cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, giải trí thích hợp

-Một số trường hợp động kinh dai dẳng khó điều trị có thể thực hiện chế độ ăn sinh ceton, hạn chế gạo, đường, ăn đạm vừa phải, tăng dầu, lạc, đậu phụ, rau hoa quả.

-Kết hợp phục hồi chức năng, hướng dẫn gia đình biết cách phòng chống tai nạn do co giật gây ra, tạo điều kiện cho bệnh nhi hòa nhập trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

-Để điều trị bệnh động kinh ở trẻ em có kết quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế, gia đình, nhà trường và môi trường xã hội.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top