✴️ Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (HKTMSCD) là tình trạng xuất hiện cục máu đông bên trong tĩnh mạch, bao gồm các tĩnh mạch vùng cẳng chân, khoeo, đùi, các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch.

 

I. Chẩn đoán xác định:

1. Tìm các yếu tố nguy cơ gây bệnh:

Tuổi >40

Nằm lâu, cấp cứu nội

Tiền sử HKTMSCD

Béo phỡ

Đột quỵ, suy tim.

Bệnh nội khoa mạn tính

Suy hô hấp

Viêm phổi, nhiễm trùng nặng

Sau đặt catheter TM

Bệnh ung thư

Bệnh tạo keo

Hội chứng thận hư

Rối loạn tăng sinh tủy

Suy tĩnh mạch

Uống thuốc tránh thai

Hormon trị liệu

Phẫu thuật xương khớp, sản khoa, chấn thương

2. Triệu chứng:

 Bệnh nhân đến khám khi có các biểu hiện sau: Đau hoặc dị cảm bắp chân, sốt nhẹ, lo lắng.

Khám thực thể: phải so sánh 2 chân.

Các bất thường xảy ra ở một bên chân trong trường hợp điển hình:

- Đau khi sờ vào bắp chân, có thể tìm thấy thừng tĩnh mạch ( tư thế gập chân một nửa).

- Dấu hiệu Homans: đau khi gấp mặt mu của bàn chân vào cẳng chân.

- Tăng cảm giác nóng tại chỗ.

- Tăng thể tích bắp chân (đo chu vi bắp chân và đùi mỗi ngày).

- Phù mắt cá chân.

- Giảm sự đu đưa thụ động cẳng chân.

- Giãn tĩnh mạch nông.

3. Xét nghiệm cần làm:

* Siêu âm - Doppler mạch:

Siêu âm (+): chẩn đoán xác định.

Siêu âm (-) nhưng lâm sàng nghi ngờ : chụp tĩnh mạch.

* Xét nghiệm máu.

- Công thức máu, máu lắng, tiểu cầu, D-Dimer

- Đường máu, chức năng thận, chức năng gan , điện giải đồ.

- Đông máu toàn bộ: tỷ lệ Prothrombine, Fibrinogene, sản phẩm thoái biến Fibrine.

 

II. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:

Phù chân do bệnh khác: như suy tim, phù thận (phù 2 bên chân), phù bạch mạch, vỡ nang nước vùng khoeo hoặc tụ máu trong cơ. Trong những trường hợp nghi ngờ cần làm siêu âm Doppler để chẩn đoán xác định.

 

III.  ĐIỀU TRỊ: 

1. Giai đoạn đang bị viêm tắc tĩnh mạch:

* Biện pháp không đặc hiệu:

- Bất động tại giường.

- Bàn chân nâng hơi cao.

- Băng chân bằng băng chun: rất cần thiết để bệnh nhân có thể đứng dậy ở ngày thứ 5.

* Thuốc chống đông:

- Heparine:

  + Heparine không phân đoạn: Truyền bơm tiêm điện liều 50 đơn vị/kg (tĩnh mạch) sau đó duy trì 500 đơn vị/kg/ngày. Theo dõi thời gian Howell gấp 2-3 lần chứng là được.

  + Hoặc Heparine trọng lượng phân tử thấp: ưu điểm là thuốc có độ an toàn cao, hấp thu tốt và ổn định.

  • Cách dùng và liều lượng:  Tiêm dưới da bụng 70-100UI/Kg/12h,
  • Theo dõi: tiểu cầu, cần lưu ý chỉnh liều với người suy thận. ở người có mức lọc cầu thận <70ml/phút, béo phì và người >80 tuổi cần định lượng anti-Xa sau khi tiêm mũi đầu 3h để đề phòng nguy cơ chảy máu. Nếu mức lọc cầu thận < 30ml/phút chống chỉ định dùng Heparine trọng lượng phân tử thấp.

Calciparine, Fraxiparine: 0,1ml/10kg/12 giờ.

Lovenox 0,4ml x 2 bơm/ngày

- Thuốc kháng Vitamine K:

  + Bắt đầu ngay ngày đầu tiên để giảm tối đa thời gian dùng Heparine.

  + Thử INR sau 48 giờ, sau đó lặp lại cho đến khi đạt được INR từ 2 đến 3.

  + Kéo dài điều trị thuốc này trong 3 tháng, có khi lâu hơn trong trường hợp viêm tắc tĩnh mạch mạn tính; có khi phải điều trị suốt đời nếu có bất thường về đông máu.

  + Bệnh nhân được giải thích, giáo dục về cách dùng, cách theo dõi khi dùng thuốc này, phát sổ theo dõi điều trị chống đông cho bệnh nhân.

- Băng hoặc tất áp lực: hỗ trợ tốt trong điều trị, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng, giảm nguy cơ bệnh lý hậu huyết khối. Có thể dùng băng chun hoặc tất áp lực độ 2-3. Cần đi tất áp lực hoặc quấn băng chung trong suốt mấy ngày đầu, sau đó cần đi tất ban ngày có thể không đi tất áp lực ban đêm

* Các biện pháp khác:

- Tiêu huyết khối :

  + Không lợi hơn so với điều trị kinh điển.

  + Có thể áp dụng cho trường hợp viêm tắc tĩnh mạch xanh.

- Phẫu thuật lấy huyết khối :

  + Có thể chỉ định khi huyết khối đoạn gần, lan rộng kèm cục máu đông bay phấp phới.

  +  Bệnh nhân vào viện ngay những giờ đầu.

- Cắt bỏ tĩnh mạch bị huyết khối : rất ít áp dụng.

2. Điều trị dự phòng:

- Đứng dậy sớm sau khi mổ hoặc sau khi sinh.

- Tránh nằm liệt giường với người lớn tuổi, người suy tim.

- Dùng thuốc chống đông dự phòng với các đối tượng có  nguy cơ cao:

  + Phẫu thuật có nguy cơ cao: Lovenox 4000 đơn vị/ ngày.

  + Phẫu thuật nguy cơ thấp: Lovenox 2000 đơn vị / ngày

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top