I. ĐẠI CƯƠNG
- Dẫn lưu tư thế là phương pháp điều trị nhằm giải phóng đờm dịch ra khỏi phổi nhờ chủ động tác động một lực cơ học và các kỹ thuật trị liệu hô hấp.
- Kỹ thuật dẫn lưu tư thế sử dụng trọng lực bằng các động tác vỗ, lắc, rung để làm long các dịch tiết quánh, dính ở phổi vào đường thở lớn để người bệnh ho ra ngoài giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm số ngày nằm viện và cải thiện chức năng phổi cho người bệnh.
II. CHỈ ĐỊNH
Các tình trạng bệnh lý của nhóm bệnh nung mủ phổi phế quản
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Ho máu nặng
- Các tình trạng bệnh lý cấp tính chưa kiểm soát được: phù phổi cấp, suy tim xung huyết, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, nhồi máu phổi, tràn khí màng phổi.
- Các bệnh lý tim mạch không ổn định: rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp nặng hoặc tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim mới.
- Mới phẫu thuật thần kinh
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Điều dưỡng được đào tạo kỹ thuật vỗ rung.
2. Phương tiện
- Bàn dẫn lưu tư thế
- Cốc để khạc đờm dùng cho người bệnh lớn
- Máy hút đờm, sonde hút phù hợp lứa tuổi.
3. Người bệnh
- Người bệnh cởi bỏ bớt quần áo chật, trang sức, cúc áo và khóa quanh vùng cổ, ngực và thắt lưng; mặc quần áo mỏng, nhẹ, có thể dùng thêm một khăn đặt lên vùng vỗ rung để giảm đau khi vỗ rung, không vỗ rung trực tiếp lên da trần.
- Để người bệnh ở tư thế thích hợp cho dẫn lưu tư thế tùy theo vị trí tổn thương phổi trên phim chụp X quang và cắt lớp vi tính ngực.
4. Hồ sơ bệnh án
Theo quy định của Bộ Y tế
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ, bệnh án
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
– Đặt người bệnh ở tư thế dẫn lưu
+ Tổn thuơng thuỳ trên phổi phải: Tư thế nửa nằm nửa ngồi
+ Tổn thương thuỳ trên phổi trái: Ngồi hơi gập phía truớc
+ Tổn thương thùy giữa phải và thuỳ dưới trái: nằm ngửa, hông cao 20 độ
+ Tổn thương tiểu thuỳ đỉnh của thuỳ dưới: nằm nghiêng góc 20 độ
+ Tổn thương tiểu thùy đáy của thuỳ dưới: nằm nghiêng góc 20 độ
- Vỗ: kỹ thuật viên khum bàn tay vỗ đều trên thành ngực sao cho các cạnh của bàn tay tiếp xúc với thành ngực. Việc vỗ được tiến hành liên tục, nhịp nhàng tạo ra áp lực dương dội đều vào lồng ngực người bệnh gây long đờm mà không gây đau cho người bệnh.
- Rung: kỹ thuật viên KTV đặt lòng bàn tay phẳng áp vào thành ngực người bệnh tương ứng với thùy phổi bị tổn thương, căng các cơ vùng cánh tay và vai để tạo ra sự rung và ấn nhẹ lên vùng được rung (KTV có thể đặt tay còn lại lên bàn tay áp vào thành ngực người bệnh và đẩy tay để tạo ra sự rung).
- Yêu cầu người bệnh thở ra từ từ thật hết sau đó hít sâu và ho khạc đờm vào chậu đựng đờm (trẻ lớn). Vệ sinh mũi miệng sạch sau ho. Trẻ nhỏ: hút đờm mũi họng bằng máy hút.
- Mỗi lần vỗ rung kéo dài khoảng 1-3 phút với trẻ nhỏ, 3-5 phút với trẻ lớn. Mỗi ngày nên làm 3 lần (sáng, chiều và tối).
- Thời gian đầu, việc vỗ rung cho người bệnh thường đườc đảm trách bởi các người thực hiện, sau đó cần hướng dẫn tỷ mỉ cho người nhà người bệnh kỹ thuật vỗ rung để có thể thực hiện thường xuyên khi người bệnh ra viện đặc biệt những người bệnh mắc bệnh giãn phế quản.
VII. THEO DÕI
- Kỹ thuật vỗ rung dẫn lưu tư thế tốt nhất nên tiến hành trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn 1-2 giờ để hạn chế nguy cơ người bệnh bị nôn (thường vào buổi sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ).
- Việc vỗ rung chỉ nên thực hiện trên vùng ngực có khung xương sườn, tránh vùng cột sống, vú, dạ dày và vùng bờ sườn để hạn chế nguy cơ chấn thương lách, gan, và thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp